So với 10 năm trước, cách thức quan trắc còn tệ hơn rất nhiều.
Những ngày TP.HCM chìm trong những lớp bụi mù dày đặc, các bảng điện tử trên đường phố lại hiện lên kết quả quan trắc chất lượng không khí từ cả tháng trước.
Trong khi đó, hơn 10 năm trước, hệ thống quan trắc chất lượng không khí ở TP.HCM đã cập nhật được thông tin ngay tức thì.
Bảng thông tin điện tử trên đường phố chỉ cập nhật thông số về chất lượng không khí từ nhiều ngày trước nên không có ý nghĩa trong việc giúp người dân phòng tránh ô nhiễm |
Biết ô nhiễm, bụi đã vào phổi
Ngày 26/9 - một ngày sau khi Trung tâm Quan trắc môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chính thức giải thích về hiện tượng “sương mù” bao phủ - nhiều khu vực ở TP.HCM vẫn tiếp tục chìm trong những lớp bụi mờ màu trắng đục, từ vùng ven cho đến nội thành.
Trên đường Nguyễn Oanh, trục đường huyết mạch của quận Gò Vấp, chỉ có độc nhất một bảng điện tử cập nhật thông tin về kết quả quan trắc môi trường, nhưng lại bị che khuất bởi những tán cây, không thể nhìn thấy từ xa.
Theo dự báo, sáng 30/9, AQI (chỉ số chất lượng không khí) tại TP.HCM nằm trong dải từ 101-200 tức nguy hại với người nhạy cảm đến nguy hại cho tất cả mọi người. |
Chịu khó dừng xe ngay bên dưới tấm biển, ngửa cổ nhìn lên một lúc, chúng tôi mới thấy kết quả về chất lượng không khí.
Thế nhưng, đây không phải là kết quả cập nhật, mà là kết quả của nhiều ngày trước, lúc không khí không bị ô nhiễm.
Trước đó, tình trạng mù trời kéo dài từ ngày 18-22/9 nhưng nhiều bảng điện tử cập nhật thông tin về kết quả quan trắc môi trường trên các trục đường lớn của TP.HCM lại hiển thị chất lượng không khí từ cả tháng trước.
Do không được cung cấp thông tin kịp thời, một số phương tiện thông tin đại chúng phải “đoán già đoán non” rằng, nguyên nhân mù trời ở TP.HCM có thể do ảnh hưởng của cháy rừng từ Indonesia.
Đến chiều 25/9, sự hoài nghi này mới chấm dứt khi Trung tâm Quan trắc môi trường xác định, nguyên nhân gây ra hiện tượng mù trời ở TP.HCM là do ô nhiễm.
Hiện tượng mù trời ở TP.HCM kéo dài nhiều ngày nhưng do quan trắc thủ công, sau nhiều ngày, Trung tâm Quan trắc môi trường mới có kết quả phân tích chất lượng không khí |
Theo dõi diễn biến về đợt mù kéo dài và sự chậm trễ trong việc cung cấp thông tin từ cơ quan chức năng, một chuyên gia về lĩnh vực khí tượng thủy văn ở TP.HCM ngao ngán: “Để cả tuần mới xác định được nguyên nhân là quá chậm. Lúc đó, khói bụi ô nhiễm đã vào phổi người dân hết rồi”.
Theo vị chuyên gia này, lúc xảy ra hiện tượng mù trời, một số phóng viên báo đài có đặt câu hỏi về nguyên nhân nhưng ông không thể trả lời được.
Ông giải thích: “Lâu nay, do cơ quan môi trường chậm cung cấp thông tin nên mỗi khi có hiện tượng này, phóng viên các báo, đài thường phỏng vấn bên Đài Khí thượng Thủy văn khu vực Nam bộ. Tuy nhiên, muốn xác định rõ nguyên nhân, phải căn cứ vào kết quả quan trắc không khí chứ không thể nhận định chung chung được”.
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM - cho rằng, để xác định chính xác nguyên nhân, cần căn cứ vào kết quả quan trắc chất lượng không khí, nhưng việc này lại không được thực hiện kịp thời.
Ông nói: “Nếu đứng ở góc độ người dân thì kết quả quan trắc chất lượng không khí chậm cả tuần chẳng có ý nghĩa gì, vì người dân cần thông tin ngay tức thì để tìm cách đối phó, bảo vệ sức khỏe cho mình”.
Người dân cần đeo loại khẩu trang ngăn ngừa được bụi mịn trong không khí |
Đại diện Trung tâm Quan trắc môi trường cho biết, lớp “sương mù” dày đặc ở TP.HCM từ ngày 18-22/9 có màu trắng đục với diện tích rộng, bao phủ nhiều nơi, kéo dài từ sáng đến chiều, che khuất tầm nhìn của người đi đường và tạo cảm giác khó chịu.
Kết quả quan trắc 30 vị trí tại TP.HCM cho thấy, trong thời gian trên, chất lượng không khí không đảm bảo, có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng.
Quan trắc ngày càng tụt hậu
Từ kết quả phân tích chất lượng không khí nói trên, Trung tâm Quan trắc môi trường xác định, nguyên nhân mù trời ở TP.HCM không phải do ảnh hưởng của cháy rừng ở Indonesia mà do hiện tượng mù quang hóa, tức do không khí bị ô nhiễm.
Theo trung tâm trên, tại TP.HCM, hiện tượng này mang tính chu kỳ, xảy ra vào tháng Chín hoặc tháng Mười hằng năm; từ năm 2015 đến nay, năm nào cũng có.
Tình trạng mù trời ở TP.HCM rất dễ gây ngộ nhận với tình trạng sương mù (do hơi nước trong khí quyển ngưng kết thành hạt nước). Tuy nhiên, sương mù không gây hại, còn hiện tượng mù khô hay còn gọi mù quang hóa này rất nguy hiểm đến sức khỏe con người. Nói nôm na, đây là hiện tượng tích tụ ô nhiễm trong không khí. |
Hiện tượng mù quang hóa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, dễ gây các bệnh về đường hô hấp, mắt.
Khi xuất hiện tình trạng này, người dân - đặc biệt là trẻ em, người già, phụ nữ mang thai - cần hạn chế ra ngoài.
Dù xác định tình trạng mù quang hóa mang tính chất chu kỳ, đồng thời cũng biết rõ mức độ nguy hại từ tình trạng ô nhiễm này, nhưng từ năm 2015 đến nay, mỗi khi ở TP.HCM xảy ra tình trạng tương tự trên diện rộng, phải mất gần cả tuần, người dân mới được thông báo nguyên nhân.
Giải thích về sự chậm trễ này, ông Cao Trung Sơn - Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường - bày tỏ: “Trong điều kiện hiện nay, do chỉ quan trắc thủ công, gián đoạn và chưa được chia sẻ dữ liệu nên việc đánh giá chất lượng không khí và đưa ra khuyến cáo cho người dân còn hạn chế”.
Từng quản lý hệ thống quan trắc môi trường ở TP.HCM, giáo sư Nguyễn Đinh Tuấn nhận định: “Với thiết bị quan trắc thủ công như hiện nay, việc chậm trễ như trên là điều dễ hiểu. Qua sự việc này, có thể thấy, hệ thống quan trắc môi trường ở TP.HCM ngày càng tụt hậu, nhất là quan trắc về chất lượng không khí”.
Giáo sư Tuấn cho biết, từ năm 2000 và 2002, với sự tài trợ của chính phủ Na Uy và Đan Mạch, TP.HCM đã lắp đặt 9 trạm quan trắc tự động và 6 trạm quan trắc bán tự động nên có thể cập nhật thông tin ngay tức thì về chất lượng không khí; kết quả phân tích chất lượng không khí được cập nhật liên tục trên trang web và có thể đưa lên bảng điện tử ngay.
“Chỉ tiếc là lúc đó, cả TP.HCM chỉ có một bảng điện tử giao thông ở gần chợ Bến Thành nên thông tin về chất lượng không khí chỉ được đưa lên đó. Lúc đó, do có kết quả quan trắc nhanh nên mỗi khi xảy ra tình huống bất thường như tình trạng mù trời, cơ quan quản lý môi trường có đủ dữ liệu để đưa ra kết luận và khuyến cáo người dân rất kịp thời” - giáo sư Tuấn nói.
Theo giáo sư Nguyễn Đinh Tuấn, hệ thống quan trắc môi trường cũ đã hư hỏng từ năm 2010 và đến nay vẫn chưa được lắp đặt mới nên công tác quản lý, kiểm soát chất lượng không khí ở TP.HCM gặp nhiều khó khăn.
“Đáng lẽ khi thấy hệ thống quan trắc cũ bắt đầu hư hỏng, ngành quản lý môi trường TP.HCM phải đầu tư thay mới để duy trì liên tục chứ không để trì trệ nhiều năm như hiện nay. Tôi cảm thấy rất buồn, không hiểu vì sao một địa phương có năng lực tài chính như TP.HCM lại không thể đầu tư hệ thống quan trắc hiện đại mà vẫn làm thủ công như thế. Nếu so với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương thì công tác quan trắc môi trường nói chung và quan trắc không khí của TP.HCM tụt hậu hơn rất nhiều” - ông Tuấn chia sẻ thêm.
Theo Phụ nữ