Hôm 12/11, cảnh sát chống bạo động Hong Kong bắn hơi cay vào khuôn viên Đại học Thành phố Hong Kong, một ngày sau khi một người biểu tình trúng đạn và một người khác bị tưới xăng lên người rồi châm lửa đốt.
Cư dân ở trung tâm tài chính của châu Á đang phải vật lộn khi giao thông liên tục gián đoạn và các nhà hoạt động tiếp tục lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình chớp nhoáng.
Cảnh sát được triển khai tới các ga tàu điện ngầm trên toàn Hong Kong trong khi nhà điều hành đường sắt MTR Corporation kêu gọi mọi người sử dụng các hình thức vận chuyển khác.
Người biểu tình che chắn khi cảnh sát bắn hơi cay vào khuôn viên Đại học Thành phố Hong Kong. (Ảnh: Facebook) |
"Hết sức bất tiện vì tôi có một vài cuộc họp. Hy vọng các đối tác của tôi hiểu rằng Hong Kong đang trải qua giai đoạn khó khăn", người đàn ông 38 tuổi, cố vấn pháp lý cho một công ty quốc tế cho biết. Anh này đổ lỗi cho lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam vì các cuộc biểu tình.
Sáng 12/11, các nhóm biểu tình kêu gọi mọi người tập trung tại khu thương mại trung tâm và khu du lịch, mua sắm sầm uất ở Bán đảo Cửu Long vào trưa cùng ngày.
Nhiều trường học ngừng giảng dạy sau khi học sinh ném bom xăng vào khuôn viên trường buộc cảnh sát phải dùng tới hơi cay để giải tán.
Chỉ tính riêng ngày 11/11, 260 người bị bắt giữ, nâng tổng số người biểu tình bị bắt lên tới 3.000 người kể từ khi Hong Kong chìm trong hỗn loạn hồi tháng 6.
“Những người biểu tình cực đoan tập trung tại nhiều địa điểm. Họ xông vào các trung tâm mua sắm, đập phá các cửa hiệu và đồ đạc bên trong, bỏ qua sự an toàn của công chúng”, thông cáo của cảnh sát Hong Kong đăng tải hôm 11/11 cho hay.
Trong cuộc họp ngắn vào sáng 12/11, bà Lam lên án những người biểu tình đang cố gắng làm làm tê liệt Hong Kong. Bà bày tỏ hy vọng các trường học sẽ thúc giục học sinh, sinh viên không tham gia vào các hoạt động bạo lực.
Một con phố tràn ngập hơi cay ở Hong Kong. (Ảnh: Reuters) |
1 ngày trước đó, bà khẳng định bạo lực vượt xa lời kêu gọi dân chủ và những người biểu tình bây giờ là kẻ thù của người dân.
"Bạo lực không cung cấp cho chúng ta bất cứ giải pháp nào cho các vấn đề mà Hong Kong đang phải đối mặt. Ưu tiên hiện nay là chấm dứt bạo lực và đưa Hong Kong trở lại bình thường càng sớm càng tốt", bà Lam nhấn mạnh.
Mỹ mới đây cũng bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực ngày càng gia tăng ở Hong Kong, kêu gọi lực lượng an ninh và người biểu tình cùng kiềm chế vào thời điểm hiện tại.
"Mỹ đang theo dõi tình hình ở Hong Kong với mối quan ngại sâu sắc. Chúng tôi lên án bạo lực ở tất cả các phía, bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân của bạo lực bất kể khuynh hướng chính trị của họ, đồng thời kêu gọi tất cả các bên - cảnh sát và người biểu tình kiềm chế", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố.
Trong một tuyên bố khác, bà Ortagus kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng cam kết Hong Kong được hưởng mức độ tự trị cao cũng như quyền tự do biểu đạt và tụ tập ôn hòa.
Bạo lực bùng phát ở Hong Kong vào tuần trước sau cái chết của nam sinh viên Đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong Chow Tsz-lok, 22 tuổi. Choi qua đời sau khi rơi từ tầng 3 một bãi đậu xe trong lúc bị cảnh sát Hong Kong rượt đuổi.
Cái chết của nam sinh viên này không ngoài dự đoán thổi bùng lên sự tức giận của người Hong Kong với cảnh sát, lực lượng vốn bị coi là lạm dụng vũ lực quá mức với người biểu tình.
Theo VTC