Khi Faraj Alnasser hay tin về vụ 39 người chết trong container ở Anh, anh buồn nhưng không ngạc nhiên. Bởi hành trình tới xứ sở sương mù cùa thanh niên Syria cách đây vài năm cũng tương tự.
Khi mới 17 tuổi, Faraj chấp nhận đánh cược tính mạng, cùng 13 người khác leo lên thùng hàng đông lạnh chất trên một chiếc xe tải để nhập cư vào Anh trái phép. Faraj ao ước được tới Anh vì mong muốn một cuộc sống tốt hơn và hơn hết để nhấn chìm những đau thương ở mảnh đất Syria vào dĩ vãng.
"Chúng tôi dừng lại ở nhiều nước. Ở Hungary, tôi suýt nữa mất mạng, bị cảnh sát giam giữ, bị tra tấn, không cho ăn và chỉ có nước bẩn để uống. Sau đó, tôi được đưa tới nhà tù ở Serbia", Faraj nhớ lại.
Faraj Alnasser. |
Sau khi được trả tự do, chàng trai Syria di chuyển tới Pháp, sống tạm bợ trong những chiếc lều lụp xụp ở Dunkirk trong một tháng. Tại đây, Faraj bắt đầu nghĩ tới chuyện sang Anh.
Faraj nói anh có 3 lựa chọn: trả cho các băng đảng buôn người 30.000 bảng (gần 900 triệu đồng), nhảy lên một đoàn tàu mà tỷ lệ thành công không cao và trèo lên một chiếc xe tải nhưng điểm đến không do anh lựa chọn.
Sau những gì trải qua, Faraj chọn xe tải.
Một đêm nọ, anh đi theo một nhóm người và cầu xin cho lên xe tải cùng. Không ai trong số đó có thể nói tiếng Ả-rập nên Faraj không thể trò chuyện cùng họ.
Nhiệt độ bên trong chiếc xe tải bắt đầu thấp dần, mọi người nhanh chóng nhận ra đó là một chiếc xe tải đông lạnh chở thức ăn.
Sau vài giờ, không khí bị rút sạch. Mọi người bắt đầu đập vào thùng container để tài xế nghe thấy.
"Tôi không biết mình ở trong chiếc xe tải đó bao lâu, nhưng tôi cứ ngỡ đó là phút cuối cuộc đời. Tôi bất tỉnh và sau đó tỉnh dậy trong một bệnh viện ở Anh. Tôi không biết tại sao mình ở đó và những gì đã xảy ra cho tới khi bác sỹ nói với tôi. Cảnh sát tìm thấy 14 người chúng tôi trong chiếc xe tải, nhưng chỉ có tôi và 1 người nữa sống sót", Faraj nhớ lại.
Faraj như được tái sinh khi thoát chết thần kỳ nhưng anh luôn đau đáu khi nhớ về những người cùng có mặt trên chiếc xe tải định mệnh đó và không may mắn được như mình.
Sau khi ra viện, Faraj nộp đơn xin tị nạn và được chấp thuận nhưng Bộ Nội vụ Anh yêu cầu anh tự tìm chỗ ở. Không có tiền, không thể nói tiếng Anh, Faraj trở thành người vô gia cư. Anh phải ngủ ngoài đường trong những đêm mưa lạnh cho tới khi tìm được một khu nhà dành cho những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần và nghiện ma túy.
Với cái "danh" người tị nạn, Faraj được sống miễn phí ở đó một năm. Nhưng cuộc sống trong khoảng thời gian này không hề dễ dàng.
Nhiều người nhìn anh bằng ánh mắt khinh rẻ. Nhiều nơi lợi dụng Faraj vì anh là người nhập cư. Có nơi còn không trả công dù Faraj làm việc liên tiếp trong 5 ngày.
"Tôi phải nhờ vào các tổ chức từ thiện để lấy thức ăn. Thỉnh thoảng khi nhớ lại tôi hết sức tức giận vì nó sai trái", Faraj nói.
Sau khi rời khỏi khu nhà gắn bó một năm, nhờ "Refugees at Home", một tổ chức từ thiện cung sắp xếp nơi ở cho người tị nạn, Faraj chuyển tới sống cùng một gia đình ở Cambridge.
Faraj ban đầu lo sợ gia đình mới sẽ tiếp tục lợi dụng anh nhưng may mắn thay họ cởi mở và cháo đón chàng trai Syria. Họ hỗ trợ để Faraj được học lên cao và giành lấy học bổng. Giờ đây anh tìm được công việc ổn định và có cuộc sống mà anh không dám nghĩ đến chỉ cách đây vài năm.
Faraj nói anh muốn chia sẻ câu chuyện của mình với hy vọng những người khác sẽ giang tay chào đón những người tị nạn như anh. Anh cũng mong những chuyến xe lành ít dữ nhiều đưa các di dân bất hợp pháp sẽ ngừng lăn bánh trên hành trình đưa những người nuôi mộng sang Anh.
"Nếu tất cả cùng chung tay, chúng ta có thể tạo ra một sự thay đổi lớn. Nhưng trước tiên chúng ta phải chấm dứt hành trình của những chiếc xe tải này", Faraj cho hay.
Theo VTC