Chiếc máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Ukraine đã rơi ở Iran sáng 8/1 khiến 176 người thiệt mạng. Các quan chức Mỹ tin rằng chiếc Boeing 737 đã bị phòng không Iran bắn nhầm, AFP cho biết.
Các quan chức giấu tên nói rằng Iran đã bắn 2 tên lửa đất đối không SA-15 vào máy bay khi nó vừa cất cánh từ sân bay Imam Khomeini ở Tehran. Kết luận của Mỹ được đưa ra dựa trên dữ liệu vệ tinh, radar điện tử cho thấy đó là một sự nhầm lẫn bi thảm.
Thảm kịch mới nhất bổ sung vào danh sách những thảm họa hàng không do tên lửa bắn nhầm. Theo AFP, từ năm 1973 đến nay, ít nhất 6 máy bay thương mại đã bị tên lửa bắn nhầm, khiến 1.230 người thiệt mạng.
Ngày 17/7/2017, chiếc máy bay Boeing 777, số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia chở theo 298 hành khách và phi hành đoàn đang bay từ Amsterdam, Hà Lan đến Kuala Lumpur, Malaysia. Nó bị bắn hạ trên bầu trời phía Đông Ukraine khiến toàn bộ số người trên máy bay thiệt mạng.
Mảnh vỡ của MH17 sau khi bị tên lửa đất đối không bắn nhầm. Ảnh: New York Times. |
Chiếc máy bay được cho là bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa đất đối không Buk (SA-17) do Nga sản xuất. Tháng 6/2019, nhóm điều tra quốc tế đã buộc tội 4 người, trong đó có 3 người có quan hệ với tình báo Nga đã gây ra thảm kịch.
Moscow phủ nhận mọi sự liên quan đến thảm kịch, nhưng các chuyên gia phương Tây đã đổ lỗi cho phe ly khai được Nga hậu thuẫn ở Ukraine.
Ngày 23/3/2007, chiếc máy bay vận tải Ilyushin II-76 của hãng hàng không TransAVIAexport Airlines của Belarut đã bị một tên lửa bắn hạ ngay sau khi cất cánh từ sân bay thủ đô Mogadishu của Somalia, làm 11 người thiệt mạng.
Chiếc máy bay đang vận chuyển các kỹ sư và kỹ thuật viên người Belarut tới Somalia để sửa chữa một chiếc máy bay bị trúng tên lửa 2 tuần trước đó.
Ngày 4/10/2001, 78 người, chủ yếu là người Israel đã thiệt mạng khi chiếc máy bay Tupolev-154 của Nga, bay từ Tel Aviv, Israel đến Novosibirsk, Nga thì phát nổ và lao xuống Biển Đen.
4 phút trước thảm kịch, 2 tên lửa phòng không tầm xa được phóng đi trong một cuộc tập trận phòng không của Ukraine ở khu vực Crimea. Tổng thống Ukraine sau đó thừa nhận quân đội nước này đã vô tình bắn rơi chiếc máy bay chở khách của Nga.
Chính phủ Ukraine sau đó đã chi trả tổng cộng 15 triệu USDđể bồi thường cho gia đình các nạn nhân.
Ngày 3/7/1988, máy bay chở khách Airbus A300 của hãng hàng không Iran Air mang số hiệu 655 cất cánh từ Bandar Abbas, Iran đến Dubai, UAE đã bị bắn rơi trong lãnh hải Iran trên Vịnh Ba Tư.
Hàng nghìn người xuống đường biểu tình ở Iran sau vụ Hải quân Mỹ bắn nhầm máy bay chở khách của nước này. Ảnh: AFP. |
Tuần dương hạm USS Vincennes, lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ đã nhầm chiếc A300 là một chiến đấu cơ của Iran đang có ý định tấn công họ nên đã phóng 2 tên lửa SM-2. Thảm kịch khiến 290 người thiệt mạng.
Vụ việc dẫn đến khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Mỹ và Iran. Washington sau đó đã chi trả gần 102 triệu USDđể bồi thường cho gia đình các nạn nhân.
Ngày 1/9/1983, chiếc máy bay Boeing 747, số hiệu KAL007 của Korean Air Lines, Hàn Quốc đang trên đường bay từ New York, Mỹ về Seoul, Hàn Quốc. Chiếc máy bay có lộ trình bay qua Anchorage, Alaska, nhưng đã bay lệch lộ trình ban đầu và lạc vào không phận Liên Xô.
Các chuyên gia Hàn Quốc kiểm tra mảnh vỡ của máy bay Boeing 747 bị Liên Xô bắn hạ. Ảnh: AP. |
3 máy bay đánh chặn Su-15 của Liên Xô đã cất cánh và xem chiếc máy bay chở hành khách của Hàn Quốc là phi cơ do thám của Mỹ và đã bắn rơi nó bằng tên lửa không đối không. 269 người trên máy bay thiệt mạng, bao gồm Larry McDonald, nghị sĩ Mỹ thuộc bang Georgia.
Liên Xô sau đó đã thừa nhận sự nhầm lẫn chuyến bay số hiệu KAL007 là máy bay do thám của Mỹ đang cố gắng thu thập thông tin tình báo về hoạt động quân sự của Liên Xô.
Ngày 21/2/1973, máy bay Boeing 727, số hiệu LN114 của Libyan Airlines cất cánh từ Tripoli, Libya đến Cairo, Ai Cập đã bị máy bay chiến đấu Israel bắn rơi trên bán đảo Sinai.
Đống đổ nát của chiếc Boeing 727 sau khi bị chiến đấu cơ Israel bắn hạ. Ảnh: AP. |
Chiếc máy bay dường như đã bị lạc vào không phận do Israel kiểm soát trên bán đảo Sinai do thời tiết xấu và lỗi thiết bị định vị. 2 tiêm kích F-4 Phantom của Israel cất cánh ngăn chặn máy bay không xác định.
Phi công tiêm kích F-4 đã cố gắng liên lạc với phi công trên Boeing 727, nhưng dường như họ đã không hiểu nhau. Chiếc 727 đổi ngột đổi hướng sau khi phát hiện đã đi vào không phận do Israel kiểm soát, phi công F-4 nhận định chiếc 727 đang bỏ trốn nên đã bắn một loạt đạn 20mm vào máy bay.
Chiếc 727 đã cố gắng hạ cánh khẩn cấp nhưng không thành công, máy bay rơi xuống bán đảo Sinai khiến 108 người trong số 113 người trên máy bay thiệt mạng.