Vì sao cháy rừng Australia tồi tệ nhất nhiều thập kỷ?

Thứ tư, 08/01/2020, 09:48
Mức nhiệt cao kỷ lục, hạn hán kéo dài cộng với gió lớn khiến Australia chìm trong thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất hàng chục năm qua.

Cháy rừng thường xuyên xảy ra ở Australia vào mùa hè, khi thời tiết nóng và khô khiến lửa dễ bùng phát và lan nhanh. Tuy nhiên, các vụ cháy rừng năm nay đến sớm bất thường, từ cuối tháng 7, và kéo dài nhiều tháng hơn.

Hiện tất cả các bang ở Australia đều xảy ra cháy rừng nhưng New South Wales (NSW) là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Lửa thiêu rụi các cánh rừng, bụi cây và các công viên quốc gia. Một số thành phố lớn của Australia, trong đó có Melbourne và Sydney, bị ảnh hưởng khi lửa phá huỷ các ngôi nhà ở ngoại ô và khói bay tới bao phủ các trung tâm đô thị. Hồi đầu tháng 12, khói từ cháy rừng đã khiến chất lượng không khí ở Sydney ở trên mức "nguy hiểm" tới 11 lần.

Có những đám cháy nhỏ được dập tắt trong vài ngày nhưng những đám cháy to nhất đã cháy suốt vài tháng. Chỉ riêng tại bang NSW, hơn 100 đám cháy vẫn tiếp diễn.

Trực thăng phun nước chữa cháy rừng tại Đông Gippsland, bang Victoria, Australia, hôm 30/12/2019. Ảnh: AP

Trực thăng phun nước chữa cháy rừng tại Đông Gippsland, bang Victoria, Australia, hôm 30/12/2019. Ảnh: AP

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới nạn cháy rừng ở Australia, trong đó có các nguyên nhân tự nhiên như sét đánh vào những khu rừng bị hạn hán. Sét là nguyên nhân gây ra một số vụ cháy ở vùng Đông Gippsland, bang Victoria hồi cuối tháng trước. Cháy rừng sau đó lan xa hơn 20km chỉ trong vòng 5 giờ, theo cơ quan ứng phó khẩn cấp bang.

Biến đổi khí hậu cũng là yếu tố khiến cháy rừng trầm trọng hơn. Mùa hè năm nay, Australia ghi nhận thời tiết nóng và khô kỷ lục với nhiệt độ trung bình là 41,9 độ C, phá vỡ kỷ lục trước đó là 40,3 độ C vào tháng 1/2013.

Ngoài ra, con người là một phần nguyên nhân dẫn tới cháy rừng. Hồi tháng 11, Sở cứu hoả bang NSW đã bắt một tình nguyện viên 19 tuổi và cáo buộc 7 tội danh về cố tình gây ra các vụ cháy kéo dài tới 6 tuần.

Mùa cháy rừng ở Australia luôn luôn nguy hiểm. Năm 2009, các vụ hoả hoạn đã khiến 173 người ở bang Victoria thiệt mạng. Đây là vụ cháy rừng gây chết người nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước này. Tuy nhiên, nhiệt độ đạt mức kỷ lục như năm nay kèm gió lớn khiến lửa và khói lan nhanh hơn, đồng thời nỗ lực cứu hỏa trở nên khó khăn hơn.

Một số quan chức cấp cao, trong đó có cựu ủy viên của Sở cứu hỏa bang NSW, đã gửi thư lên Thủ tướng Scott Morrison vào năm ngoái để cảnh báo về tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu với Australia. Đáp lại, ông Morrison nhấn mạnh cam kết giảm thiểu khí thải carbon nhưng cũng cho hay không có một chính sách riêng lẻ nào có thể hoàn toàn bảo vệ Australia khỏi cháy rừng.

Sharnie Moren và con gái Charlotte, 18 tháng tuổi, đứng giữa làn khói bốc lên ngùn ngụt gần làng Nana Glen, bang New South Wales, Australia hồi tháng 11/2019. Ảnh: Reuters

Sharnie Moren và con gái Charlotte, 18 tháng tuổi, đứng giữa làn khói bốc lên ngùn ngụt gần làng Nana Glen, bang New South Wales, Australia hồi tháng 11/2019. Ảnh: Reuters

25 người đã thiệt mạng trên toàn Australia, hơn 2.000 ngôi nhà đã bị phá huỷ, trong đó có 1.588 ngôi nhà tại NSW, bang đông dân nhất nước này. Hơn 7,3 triệu hecta đất đã bị thiêu rụi tại 6 bang, lớn hơn cả diện tích của Bỉ và Đan Mạch cộng lại.

Theo ước tính từ các nhà sinh học đại học Sydney, một tỷ động vật có thể đã chết, bao gồm chim, bò sát và động vật có vú, chưa kể dơi, côn trùng và ếch.

Một phần ba số koala ở bang NSW có thể đã chết do hỏa hoạn và một phần ba môi trường sống của chúng bị phá hủy, Bộ trưởng Môi trường Sussan Ley cho biết.

Giới chức Australia đã nỗ lực đối phó với khủng hoảng cháy rừng suốt nhiều tháng nay, với sự hỗ trợ của nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Canada và New Zealand. Chỉ riêng tại bang NSW đã có hơn 2.000 lính cứu hỏa đang chữa cháy và một lượng nhân lực khác đang được bổ sung. Chính phủ cũng điều động quân đội vào cuộc, triển khai các máy bay và tàu hải quân để chữa cháy, sơ tán người dân, tìm kiếm cứu hộ và dọn dẹp hậu quả.

Thủ tướng Morrison tuần trước công bố thành lập quỹ phục hồi trị giá hai tỷ AUD (1,39 tỷ USD) để tái thiết các cộng đồng chịu ảnh hưởng của cháy rừng và số tiền này dự kiến được giải ngân trong vòng hai năm. Ông Morrison trước đó cho biết mỗi lính cứu hỏa tình nguyện làm việc trên 10 ngày sẽ nhận được 4.200 USD. Các biện pháp cứu trợ khác bao gồm thưởng và tăng nghỉ phép cho các lính cứu hỏa tình nguyện.

Hội đồng Bảo hiểm Australia cho hay đã nhận được gần 9.000 đơn xin bồi thường với tổng giá trị lên tới 700 triệu AUD (485 triệu USD). Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Josh Frydenberg nói rằng "còn quá sớm" để kết luận về ảnh hưởng của thảm họa này đối với nền kinh tế.

Công viên quốc gia Flinders Chase nằm trên đảo Kangaroo, phía tây nam Adelaide, Australia, bị thiêu rụi hoàn toàn hôm 7/1. Ảnh: Reuters

Công viên quốc gia Flinders Chase nằm trên đảo Kangaroo, phía Tây Nam Adelaide, Australia, bị thiêu rụi hoàn toàn hôm 7/1. Ảnh: Reuters

Mùa hè chỉ mới bắt đầu tại Australia, nhiệt độ dự kiến tăng lên trong tháng một và tháng hai. Điều này có nghĩa là cháy rừng có thể kéo dài thêm nhiều tháng tới.

Hôm 5/1, những cơn mưa trút xuống khu vực duyên hải miền Đông, từ Sydney đến Melbourne, đã mang tới niềm hy vọng cho người Australia, xoa dịu không khí nóng bức, ngột ngạt và phần nào hỗ trợ cho chiến dịch chữa cháy rừng trên khắp nước này. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng Australia cảnh báo nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng và các các đám cháy sẽ bùng phát trở lại sau khi đợt mưa kết thúc vào ngày 9/1.

Hàng loạt tổ chức đang quyên góp để hỗ trợ các nạn nhân và lực lượng cứu hỏa Australia. Nhiều người nổi tiếng cũng bày tỏ đồng cảm trước thảm họa mà Australia đang phải trải qua, trong đó nữ ca sĩ Mỹ Pink, minh tinh Nicole Kidman và ca sĩ Kylie Minogue đều cam kết ủng hộ 500.000 USD.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích