Putin 'phủ sương mù' lên chính trường

Thứ tư, 22/01/2020, 17:19
Không ai biết chuyện gì đang xảy ra bên trong Điện Kremlin và có lẽ đó là dụng ý của Putin.

Putin tuần trước đề xuất thay đổi hiến pháp trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang, gồm cho phép Quốc hội thay vì Tổng thống chọn Thủ tướng, thay đổi giới hạn nhiệm kỳ đối với Tổng thống và tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước, cơ quan tư vấn cho Tổng thống mà ông đứng đầu.

Tổng thống Putin đọc Thông điệp Liên bang ở Moskva ngày 15/1. Ảnh: AFP.

Tổng thống Putin đọc Thông điệp Liên bang ở Moskva ngày 15/1. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, bản chất kế hoạch của Putin vẫn là một bí ẩn. Khi Putin vừa công bố các thay đổi, phản ứng đầu tiên của các nhà phân tích là nhận định nó cung cấp nền tảng để ông duy trì quyền lực sau khi nhiệm kỳ thứ tư kết thúc năm 2024. Họ cho rằng việc Quốc hội được tăng quyền lực có thể giúp Putin trở thành một Thủ tướng có ảnh hưởng lớn. Hoặc ông có thể tiếp tục làm lãnh đạo Hội đồng Nhà nước và vẫn điều hành đất nước từ sau hậu trường.

Nhưng các sự kiện sau đó diễn ra quá nhanh, khác với phong cách thông thường của Putin khiến nhiều nhà quan sát giờ đây tự hỏi liệu có điều gì khác xảy ra hay không. Các nhà bình luận chính trị đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau, cho thấy họ đều đang bối rối.

Putin thường khiến đối thủ bất ngờ, không biết nên làm gì tiếp theo. Vì vậy, sự mơ hồ hiện tại có thể là một phần mục tiêu của Điện Kremlin. "Tổng thống đã tạo ra màn sương mơ hồ, ẩn sau nó, ông quyết tâm cải tổ hệ thống chính trị dựa trên một kế hoạch với tư tưởng mới", nhà khoa học chính trị Vladimir Pastukhov viết trên tờ Novaya Gazeta.

Ngay sau khi Putin công bố thay đổi Hiến pháp, đồng minh lâu năm Dmitry Medvedev từ chức Thủ tướng, người thay thế ông là Mikhail Mishustin, lãnh đạo Cơ quan Thuế Liên bang Nga ít được công chúng biết đến.

Có luồng ý kiến cho rằng Medvedev bị "thất sủng" và Mishustin là người kế nhiệm tiềm năng của Putin. Tuy nhiên, có những người cho rằng Mishustin thực tế là một nhà kỹ trị, tức là được bổ nhiệm vì khả năng chuyên môn thay vì tính toán chính trị. Trong khi đó, Medvedev có vai trò mới là chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cơ quan tham mưu cho Tổng thống trong việc điều hành nhà nước, hoạch định các chính sách đối nội, đối ngoại, quân sự, an ninh. Vị trí này có thể có chức năng giống Phó Tổng thống (Nga xóa bỏ chức vụ Phó Tổng thống kể từ năm 1993), khiến Medvedev mới là người kế nhiệm tiềm năng.

Câu hỏi lớn hơn là tương lai của Putin sẽ như thế nào. Manh mối mới xuất hiện vào ngày 20/1 khi Nga công bố dự luật dài 29 trang để ban hành những thay đổi Hiến pháp mà Putin vạch ra tuần trước.

Nhà khoa học chính trị Ekaterina Schulmann viết rằng điều đầu tiên cô chú ý về dự luật là dấu phẩy: Nhiều đoạn văn dường như bị thiếu dấu phẩy, có vẻ như dự luật đã được soạn thảo và công bố vội vàng.

Tài liệu này cho thấy quyền lực của Thủ tướng sẽ không được mở rộng nhiều như nhiều người nghĩ, trong khi các thành viên của Hội đồng Nhà nước vẫn sẽ làm việc theo ý của Tổng thống.

Vậy thì có lẽ kế hoạch của Putin là tiếp tục làm Tổng thống? Giả thuyết này ban đầu tưởng xa vời nhưng giờ ngày càng được nhiều người xem xét. Hiến pháp Nga hiện cấm Tổng thống giữ chức hơn hai nhiệm kỳ liên tục, Putin đề xuất điều chỉnh để cấm Tổng thống giữ chức hơn hai nhiệm kỳ.

Một số người cho rằng thay đổi này có thể là mấu chốt thực sự: Điện Kremlin có thể lập luận rằng việc sửa đổi Hiến pháp sẽ "khởi động lại" bộ đếm giới hạn nhiệm kỳ, cho phép Putin ở lại Điện Kremlin thêm hai nhiệm kỳ nữa.

Trong khi đó, những người khác cho rằng việc Điện Kremlin vội vàng thúc đẩy các thay đổi Hiến pháp và lập chính phủ mới cho thấy Putin có thể muốn từ bỏ quyền lực hoặc ngăn chặn một cuộc đảo chính. Tuy nhiên, họ không đưa ra bằng chứng.

Marat Guelman, cựu chiến lược gia truyền thông của Điện Kremlin viết trên Facebook: "Tôi sẽ đưa ra một dự báo rủi ro, nhưng tôi khá chắc là nó đúng. Ông Putin chắc chắn sắp từ chức".

Nội các mới, được công bố vào tối 21/1, giữ lại các thành viên nổi bật nhất của chính phủ cũ gồm Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Những vị trí bổ nhiệm người mới là Bộ trưởng Y tế, Thể thao, Giáo dục và Kinh tế, cho thấy Putin muốn thể hiện ông coi trọng vấn đề trong nước trong khi không lên kế hoạch cho bất kỳ thay đổi nào về đối ngoại.

Konstantin Sonin, nhà kinh tế người Nga tại Đại học Chicago cho rằng các thay đổi Hiến pháp chưa chắc liên quan đến kế hoạch chuyển giao quyền lực năm 2024. Điện Kremlin thường nhanh chóng điều chỉnh chính sách để ứng phó các sự kiện lớn không lường trước được. Vì vậy, ít khả năng những nhà hoạch định chiến lược của Putin lên một kế hoạch dài hơi như vậy. Thay vào đó, những diễn biến này có thể là kết quả của một cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các phe phái bảo thủ và tiến bộ trong nhóm phụ tá thân cận của Putin.

"Tôi không biết chuyện này sẽ kết thúc thế nào", Sonin viết.

Theo VNE

Các tin cũ hơn