Nhân viên một tiệm nail ở Brea, California, đang chăm chú chăm sóc móng tay cho khách. Ảnh: LA Times |
Là chủ một tiệm nail ở Brea, hạt Orange, ông Phuoc Dam luôn cố gắng chọn nhập những loại sơn móng tay không có hóa chất độc hại. Ông đảm bảo rằng không khí ở salon của mình rất "trong lành" và các nhân viên vẫn đeo găng tay trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn lao động.
Tuy đã cẩn thận như thế nhưng Dam cho hay ông vẫn lo ngại tác động về lâu dài của các sản phẩm sơn móng tay đối với các nhân viên. Bệnh đau đầu và chóng mặt của vợ ông, cũng là một trong những thợ làm móng của tiệm, gần đây lại tái diễn.
"Tôi thực sự lo ngại về sức khỏe của mọi người làm việc trong salon, nhất là vợ tôi", Dam, 58 tuổi, một người Việt đã kinh doanh nghề nail 25 năm nay nói.
Các tiệm làm móng tay, với hàng loạt các lọ sơn đủ màu sắc và ghế đệm mát xa, rất phổ biến ở California. Chị em phụ nữ có thể đến đây để sơn sửa móng tay, móng chân và làm đẹp vừa nhanh gọn vừa phải chăng. Có khoảng 120.000 thợ làm móng ở 48.000 salon trên toàn bang đã được cấp giấy phép. Cứ 5 thợ nail thì có 4 người là phụ nữ gốc Việt.
Sức khỏe của họ từ lâu đã là một vấn đề gây lo ngại khi họ phải làm việc nhiều giờ liền trong điều kiện môi trường độc hại. Thực tế, nhân viên nail bị đau đầu, mắc bệnh đường hô hấp và bị dị ứng da nhiều hơn những người bình thường, do phải tiếp xúc với các hóa chất có độ độc hại cao hơn mức được khuyến cáo, theo nghiên cứu trên các tạp chí khoa học.
Hiện nay, vấn đề an toàn lao động trong các tiệm nail đã được chính quyền quan tâm, chú ý hơn. Vụ Kiểm soát Chất độc hại của bang California dự kiến đã công bố một báo cáo, trong đó các nhà điều tra khẳng định đã phát hiện các hóa chất độc hại trong nhiều sản phẩm chăm sóc móng vốn vẫn được tuyên bố là không gây nguy hiểm. Cuộc điều tra được thực hiện dựa trên các mẫu sản phẩm nail thu thập từ các nhà phân phối vùng Bay Area, tập trung vào 3 hóa chất được biết đến là "bộ ba độc hại" gồm formaldehyde, toluene và dibutyl phthalate. Việc tiếp xúc với các hóa chất này có thể dẫn đến ung thư và gây dị tật bẩm sinh.
Bà Debbie Raphael, giám đốc vụ, cho biết kết quả trên đã gây ngạc nhiên và cho thấy bang cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các nhà sản xuất để đảm bảo sản phẩm được dán đúng nhãn mác. Chính quyền cũng cần phối hợp với các nhà quản lý để quyết định các sản phẩm thay thế an toàn hơn cho người tiêu dùng và các nhân viên làm nail.
Thu Quach, một nhà khoa học thuộc Viện Ngăn ngừa Ung thư California đang nghiên cứu về ngành công nghiệp nail, cho hay có rất ít quy định đối với các nhà sản xuất sản phẩm nail. Bất kỳ một lượng hóa chất độc hại nào trong các sản phẩm nail cũng có thể gây nguy hiểm cho người lao động, nhất là ở các salon thiếu hệ thống thông gió.
"Mức độ độc hại thấp trong các sản phẩm này sẽ tăng lên nếu bạn tiếp xúc với chúng thường xuyên", bà nói.
LA Times cho hay các thành phố ở California đã bắt đầu nhận thấy mối nguy hiểm từ các tiệm nail. Các quan chức y tế Boston đã thông qua các quy định yêu cầu các salon phải có giấy phép đảm bảo an toàn và trang bị nhiều thiết bị bảo hộ hơn cho các nhân viên. Hè này, San Francisco sẽ chính thức công nhận các salon sử dụng các sản phẩm không độc hại. Quy định này được hỗ trợ bởi Liên minh Salon Nail An toàn California, một tổ chức đào tạo các nhân viên nail và thúc đẩy các chính sách để nâng cao độ an toàn ở các tiệm làm móng.
Báo cáo điều tra mới của bang cho thấy các sản phẩm độc hại là nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng đến sức khỏe thợ nail, Julia Liou, người đồng sáng lập liên minh và quản lý ở Viện Sức khỏe Châu Á ở Okaland cho hay.
"Đây thực sự là một vấn đề sức khỏe lớn và thực sự cản trở quyền của người lao động được làm việc trong môi trường an toàn", bà nói. "Người lao động không đáng phải chịu đựng những ảnh hưởng về sức khỏe chỉ vì một nhà sản xuất nào đó lừa đảo".
Các công ty sản phẩm nail thì cho rằng giới chức nên chú ý vào hệ thống thông gió và các thiết bị bảo hộ hơn là sản phẩm hóa chất, Doug Schoon, nhà khoa học kiêm đồng chủ tịch Hội Các nhà sản xuất Sản phẩm nail nói. Ông cho rằng không có nhà sản xuất nào lại dán nhãn mác sản phẩm sai lệch cả.
"Thay vì vứt bỏ tất cả các hóa chất, chúng ta nên hướng dẫn mọi người cách dùng chúng an toàn", ông nói. "Sơn móng tay đã được sử dụng rất an toàn qua nhiều thập kỷ rồi".
Ông Dam cho hay ông và cháu trai của mình, cũng là chủ tiệm nail, sẽ tiếp tục cố gắng để đảm bảo sức khỏe cho các nhân viên. Tuy nhiên, sẽ thuận tiện hơn nếu ông biết được chắc chắn sản phẩm nào độc hại, sản phẩm nào không, vì không thể tránh các hóa chất hoàn toàn được.
Hue Nguyen, 58 tuổi, đã làm nghề nail ở Bay Area từ năm 2004. Bà cho hay nghề này rất dễ học và không yêu cầu quá nhiều tiếng Anh. Nhưng không lâu sau khi bắt đầu công việc, bà Nguyen bị mắc chứng nhức đầu và chóng mặt. Năm 2008, bà được chẩn đoán bị ung thư vú. Bà nghi ngờ bệnh của mình có liên quan đến việc tiếp xúc với hóa chất bởi trước khi làm nghề này, bà hoàn toàn khỏe mạnh.
Bà Nguyen ước gì mình đã chọn một nghề khác chứ không phải là thợ làm móng. "Cái giá phải trả cao quá", bà nói.
Theo Vnexpress