Có thể thấy, phía Nga muốn tống khứ Snowden “càng sớm, càng tốt” để tránh vấp phải những rắc rối cho chuyến thăm Nga vào tháng 9/2013 của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tờ New York Times dẫn nguồn tin riêng nói rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama “khó có thể đến thăm Nga, khi ‘kẻ phản quốc’ Snowden vẫn còn ở Sheremetyevo”.
Nguồn tin của báo Kommersant gần gũi với Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận sự tồn tại của khả năng trên, cùng với giải thích rằng ban lãnh đạo Nga đã được thông báo qua kênh ngoại giao. Theo nguồn tin này, Washington hiện còn bỏ ngỏ khả năng Tổng thống Obama tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng Chín tới. Không loại trừ khả năng nhân vật đến Saint-Peterburg dự Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ là Phó Tổng thống Joe Biden.
Lãnh đạo Ủy ban các vấn đề quốc tế của Quốc hội Nga Alexei Pushkov. |
Trong khi đó, ông Dmitry Peskov - thư ký báo chí của Tổng thống Nga - tuyên bố rằng điện Kremlin không hề biết gì về “tối hậu thư” của Nhà Trắng. Theo lời ông Peskov, hiện đang diễn ra sự chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Obama tới Liên bang Nga, trái ngược với thông tin nói trên.
Theo dự kiến, Tổng thống Barack Obama sẽ đến thủ đô Nga vào ngày 3-4 tháng Chín để tiến hành cuộc gặp song phương với Tổng thống Vladimir Putin trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Saint-Peterburg.
Alexei Pushkov, người đứng đầu Ủy ban các vấn đề quốc tế của Quốc hội Nga bình luận: “Venezuela đang chờ đợi câu trả lời của Snowden. Có thể đây là cơ hội tị nạn cuối cùng dành cho cựu nhân viên CIA này".
Đồng thời, ông Pushkov nói đùa: “Nếu không nhanh chóng sang Venezuela tị nạn, Snowden sẽ phải ở lại Nga và phải kết hôn với cựu điệp viên Anna Chapman”. Cựu điệp viên xinh đẹp 31 tuổi tuần trước đã cầu hôn Snowden thông qua Twitter.
Bình luận của ông Pushkov dường như ngụ ý, Điện Kremlin có vẻ muốn tống khứ cựu nhân viên CIA Snowden “càng sớm càng tốt”. Giới chức Nga xác nhận “người thổi còi” này đã bị mắt kẹt tại khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo của Moscow kể từ khi bay từ Hong Kong sang Nga cách đây 2 tuần. Snowden không thể đi bất cứ đâu vì bị Mỹ thu hồi hộ chiếu.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh: “Anh ta cần phải chọn một nơi để đến”.
Nga tuyên bố, Snowden cần phải tìm một nơi để đi. |
Venezuela đã tuyên bố chấp nhận cho “người thổi còi” tị nạn hôm 6/7 nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy Snowden hồi đáp. Điện Kremlin hay Bộ Ngoại giao Nga cũng giữ im lặng.
Tuy nhiên, để có thể rời Moscow sang Nam Mỹ, ngoài việc chờ đợi được Venezuela cấp các loại giấy tờ hợp lệ, “người thổi còi” phải đối mặt với tình huống đầy bi kịch, các chuyến bay thẳng Moscow-Havana đi qua không phận châu Âu và Mỹ. Do đó, hệ quả là, "người hùng" Snowden sẽ phải đối mặt với một số tình huống nguy hiểm.
Còn nhớ mới đây, Tổng thống Bolivia Evo Morales bị một số quốc gia châu Âu từ chối không cho bay vào không phận nước họ trên đường trở về từ Moscow vì nghi chứa chấp Snowden. Máy bay của Tổng thống Bolivia đã bị từ chối bay vào không phận Pháp, Bồ Đào Nha, Italy và Tây Ban Nha.
Qua đó, nhiều người quan ngại, các chính phủ châu Âu sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược cũ, chặn và buộc máy bay hạ cánh để bắt giữ Snowden. Khoảng cách từ Moscow tới Caracas là gần 10.000 km đang trở thành chặng đường quá xa và đầy ắp nguy hiểm đối với “người hùng” Snowden.
Không thể bay thẳng từ Moscow tới Caracas, Snowden chỉ còn lựa chọn tuyến đường bay thứ 2 dài 14.200 dặm (22.852 km) qua Thái Bình Dương hòng tránh sự truy lùng của Mỹ. |
Tuy nhiên, cựu nhân viên CIA chưa hoàn toàn lâm vào đường cùng khi vẫn có khả năng "thay vì bay về phía Tây tới Venezuela, Snowden còn có lựa chọn bay về phía Đông tới Vladivostok và sau đó bay xuyên qua Thái Bình Dương đến Caracas", một nguồn tin cho biết.
Lựa chọn trên đồng nghĩa với việc Nga phải chính thức cho phép Snowden vào lãnh thổ của họ - điều từ trước tới nay Moscow vẫn tránh vì không muốn “chọc giận” Mỹ.
Nếu đi theo con đường trên, chặng đường từ Moscow tới Caracas của người hùng Snowden sẽ là 22.852 km. Cựu nhân viên CIA cũng buộc phải bay gần không phận Hawaii của Mỹ và cũng sẽ đối mặt với vô số nguy cơ.
“Giải pháp duy nhất là giấu cựu nhân viên CIA trên một chiếc máy bay quân sự, ngoại giao. Nhưng giải pháp như vậy cũng không loại trừ hoàn toàn các nguy cơ sau vụ Mỹ gây sức ép để buộc máy bay của Tổng thống Bolivia hạ cánh vì nghi chứa chấp Snowden”, một nguồn tin khác nhấn mạnh.
Theo Kienthuc