Ông lang nơi thâm sơn cùng cốc
Tôi tìm đến nhà ông Hà Công Thầm, 70 tuổi, ở bản Chiềng, xã Chiềng Châu. Nhà ông cách trung tâm huyện lỵ Mai Châu khoảng 5km (cách Hà Nội khoảng 130km). Trước mặt tôi là một ngôi nhà sàn truyền thống của người dân tộc Thái hun hút bên những dãy núi đá toát lên một vẻ kỳ bí.
Trên cửa vóng nhà sàn, một ông già hiền từ ngồi khoan thai giữa nơi rừng núi tĩnh lặng. Mời khách lên nhà, ông Thầm vui vẻ nói: “Ta chỉ mong chữa được cho nhiều người khỏi bệnh, nhất là thấy họ hạnh phúc khi có con cái là ta cũng cảm thấy vui rồi”.
Qua câu chuyện được biết, gia đình ông vốn có nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người từ nhiều đời nay. Trước đây, ở vùng núi người dân bị bệnh chỉ biết nhờ cậy vào thầy lang đi lấy cây thuốc trên núi, trong rừng về chữa trị vì chưa có trạm y tế xã hay bệnh viện như bây giờ.
Ông lang Thầm (trái) trò chuyện với bệnh nhân.
Thừa hưởng nghề gia truyền, ông đã nhiều năm nay bốc thuốc chữa bệnh giúp người. “Ngày trước cây thuốc sẵn lắm, chỉ cần lên rừng một ngày là có đủ các loại cây dược liệu mình cần.
Còn bây giờ rừng bị tàn phá, cây thuốc chưa kịp lớn đã bị tận diệt. Nhiều khi muốn có cây thuốc phải vào tận vùng Phúc Sạn, Bao La, Pù Pin và những nơi giáp vùng Thanh Hóa mới kiếm được” - cụ Thầm bảo. Lâu nay, cụ đã phải giao công việc lấy thuốc cho người con trai cả, có khi phải đi cả ngày mà cũng chưa chắc đã kiếm được.
Có những cây thuốc cụ phải nhờ người quen ở tận Sơn La, Lạng Sơn… tìm mua giúp gửi về. Chính điều này mà trước đây cụ chữa bệnh hầu như không lấy tiền, nhưng bây giờ việc đi lại, tìm cây thuốc có khi phải bỏ tiền túi ra mua nên cụ có lấy một chút gọi là thay ngày công lao động.
Biệt tài chữa bệnh vô sinh
Với nghề bốc thuốc, ông Thầm có thể chữa được nhiều loại bệnh, nhưng riêng đối với bệnh vô sinh thì có khác một chút. Khi người bệnh có thành tâm đến xin thuốc chữa bệnh thì mang theo cân hoa quả, một chai rượu và vài chục bạc lẻ để lên bàn thờ nhà thầy lang, để thầy lang xin “thần núi, thần cây” cho được có con cái, đại loại: “Xin thần cây, thần núi cho vợ chồng anh A, chị B loại cây để có được đứa con cho vui cửa, vui nhà”.
Đặc biệt, xin thuốc chữa vô sinh không được nhờ người khác lấy hộ, nếu không lời cầu xin sẽ không linh ứng. Trước khi bốc thuốc, thầy hỏi rõ nguyên nhân từ vợ hay từ chồng, rồi mới bốc. Thuốc sắc uống thay nước hằng ngày trong vòng 3 tháng. Sau đó, thầy mới bốc thuốc chữa, cùng với việc dặn dò một số điều kiêng kỵ. Người nhanh thì chỉ 3 tháng sau là mang bầu rồi sinh con khỏe mạnh.
Ông Thầm cũng chẳng giấu giếm: Bài thuốc chữa bệnh vô sinh gồm các cây dược liệu: Cây co tíu, cây đưa khoa (tiếng Thái), cỏ xước…, trong đó, cây đưa khoa là vị thuốc chính. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cây đưa khoa. Cây thường mọc trong các hốc đá trên các ngọn núi quang năm mây mù che phủ. Thân cây to chừng hơn ngón tay cái, hai bên có gai hình xoáy trôn ốc, đối xứng nhau qua thân.
Theo chỉ dẫn của người dân, tôi tìm đến gia đình nhà anh Mà Văn Hiền, vợ là Hà Thị Khoa, là trường hợp hiếm muộn lâu nhất đã được lang Thầm chữa khỏi. Đến nay, chị Khoa đã 2 lần sinh nở - một cháu gái, một cháu trai bụ bẫm, kháu khỉnh. Vừa lúc anh chị vừa ở rẫy về, mồ hôi nhễ nhại, áo quần bám đầy cây rừng. Anh Hiền dựa con dao đi rừng vào góc nhà, lau vội mồ hôi, gọi cô con gái lớn rót nước mời khách.
Anh kể, sau nhiều năm không có con, anh chị đã đi khắp mọi nơi chữa trị nhưng chẳng có kết quả. “Phải là người ở trong cảnh ngộ mới thấu hiểu, mỗi lần nhìn sang nhà hàng xóm, nghe thấy tiếng trẻ con bi bô cười nói mà thấy vợ mình nước mắt chảy dài, rồi cứ héo hắt như tàu lá chuối khô. Được mọi người mách đến xin thuốc của ông Thầm, lúc đầu mình cũng không hy vọng nhiều, nhưng cũng thử một lần xem sao” - anh Hiền nói.
Hạnh phúc được làm cha mẹ
Năm 2004, anh chị mang đến nhà ông Thầm lễ vật gồm một cân hoa quả, chai rượu và một ít tiền lẻ, nhờ ông làm lễ xin con. Sau 3 tháng uống thuốc, chị có thai rồi sinh một bé gái kháu khỉnh. Anh chị mổ một con lợn hơn 40 cân mời mọi người đến chia vui.
Năm 2010, vợ chồng anh tiếp tục đón niềm vui thứ hai, chị sinh một cậu con trai đặt tên là Mà Văn Hùng. Anh Hiền hổ hởi bảo: “Ở đây nhiều cặp vợ chồng cũng đã được hưởng niềm vui làm cha, làm mẹ như chúng tôi. Mình cảm ơn ông Thầm nhiều lắm, bởi ông đã biến mơ ước của vợ chồng mình thành hiện thực mà lại có cả trai cả gái mới vui chứ”.
Dù theo nghề bốc thuốc chữa bệnh nhưng tuyệt nhiên lang Thầm không không đòi hỏi thù lao, cho dù cuộc sống gia đình ông còn nhiều vất vả. Đến ngay như chiếc áo ông mặc trên người vẫn còn nhiều miếng vá. Một chị hàng xóm sang chơi, nói vui: “Sao ông lại mặc áo vá tiếp khách thế, ông thay cái áo mới đi”.
Ông Thầm cười bảo: “Có thế nào thì mặc thế vậy, với ở nhà chứ đi đâu mà mặc đẹp”. Ông kể, vừa rồi có đoàn làm phim của Đài PTTH Hòa Bình về quay chương trình “Những người thầy thuốc của bản”, ông vẫn ăn mặc như vậy.
Trong thời gian ngồi trò chuyện, thỉnh thoảng có những bệnh nhân đến xin thuốc. Tôi để ý không khi nào ông đòi hỏi hay nói phải hết bằng này bằng nọ, mà chủ yếu là theo sự tùy tâm của người bệnh đặt lễ, thường là 50 nghìn đồng. “Gặp người bệnh thì phải cứu chữa, còn họ lễ thế nào là tùy vào tấm lòng thành của họ. Tuyệt nhiên không được đòi hỏi” - ông Thầm nhớ lại lời của người cha căn dặn lại trước khi khuất núi.
Chị Hà Thị Chiên - Trưởng trạm y tế xã Chiềng Châu cho biết: “Đúng là ông Hà Công Thầm bốc thuốc Nam, là nghề cha truyền con nối, đã chữa cho nhiều người khỏi bệnh. Trạm y tế xã đã có kế hoạch kết hợp với các thầy lang ở địa phương để tìm ra những bài thuốc chữa bệnh cho người dân vùng cao còn nhiều khó khăn. Về trường hợp vô sinh, tôi khẳng định đã có những cặp vợ chồng hơn 10 năm mới có con như vợ chồng anh Hiền, chị Khoa mà không có sự can thiệp của y tế”. |
Theo Laodong