Từ bỏ lập Quỹ Trần Văn Khê, GS Trần Quang Hải ứa nước mắt

Thứ hai, 04/01/2016, 23:07
Những rắc rối về thủ tục pháp lý khi thành lập quỹ Trần Văn Khê tại Việt Nam đã làm GS Trần Quang Hải muốn từ bỏ ý định lập quỹ này theo như di nguyện của cha ông.

Về nước theo lời mời của Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam tham dự Hội thảo quốc tế về nghệ thuật hát chầu văn, GS Trần Quang Hải đã cho PV Báo Người Lao Động biết việc ông từ bỏ kế hoạch thành lập quỹ mang tên cha, cố GS.TS Trần Văn Khê cũng như dự án xây dựng Trung tâm Trần Văn Khê tại căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh, TP.HCM, nơi GS.TS Trần Văn Khê từng sinh sống.

GS.TS Trần Văn Khê. - Ảnh: NSCC

GS.TS Trần Văn Khê. - Ảnh: NSCC

Chia sẻ về điều này, GS Trần Quang Hải ứa nước mắt: “Tôi đành phải từ bỏ 2 dự án theo di nguyện của cha bởi hiện nay tôi định cư ở nước ngoài, sẽ có nhiều trở ngại trong việc quản lý trực tiếp quỹ một cách chu đáo. Ngoài ra, khó khăn về phương diện thủ tục hành chánh và tài chánh khi có qui định phải trên 1 tỉ đồng mới lập quỹ; mà sau đám tang của cha tôi, số tiền phúng điếu của các cơ quan, cá nhân, công chúng quý mến cha tôi, tính toán lại chỉ có 700 triệu đồng.

Điều quan trọng hơn cần phải có trụ sở nhất định và phải có một ngân khoản thường trực để trang trải. Bên cạnh đó, ngôi nhà số 32 đường Huỳnh Đình Hai dù có triển vọng sẽ được dùng làm trụ sở vĩnh viễn cho trung tâm mang tên cha tôi nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý nào để đảm bảo”.

GS Trần Quang Hải giới thiệu với khán giả Pháp về đàn bầu của Việt Nam

GS Trần Quang Hải giới thiệu với khán giả Pháp về đàn bầu của Việt Nam

GS Trần Quang Hải mong muốn được kết thúc một cách tốt đẹp việc liên hệ đến cha của ông, về số tiền phúng điếu. Ông nhấn mạnh: “Hiện theo dự trù sẽ được phân chia một cách minh bạch cho: Giải thưởng Trần Văn Khê, phần nữa trao cho anh Nguyễn Tri Triết để lo việc cúng bái tại Vĩnh Kim, Tiền Giang; phần thứ ba dành trao tặng những nghệ sĩ lão thành, già yếu, bệnh tật đang sống tại Khu dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8, TP.HCM); một phần trao tặng quà cho những nghệ sĩ đang chăm sóc Nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp, TP.HCM và phần cuối tặng cho những nghệ sĩ lão thành của nền cổ nhạc hiện sống trong túng thiếu”.

GS.TS Trần Văn Khê. - Ảnh: NSCC

GS.TS Trần Văn Khê. - Ảnh: NSCC

Theo GS Trần Quang Hải, hiện có một vài cá nhân, công trình nghiên cứu âm nhạc dân tộc đã có đề xuất được trao giải thưởng mang tên cố GS.TS Trần Văn Khê. Vào tháng 8-2016, GS Hải sẽ về Việt Nam để cùng trao đổi với những nhà chuyên môn, tiến đến việc trao giải thưởng mang tên GS Trần Văn Khê cho các cá nhân và công trình này.

GS Trần Quang Hải và vợ- ca sĩ Bạch Yến trong lễ tưởng niệm 100 ngày mất của GS.TS Trần Văn Khê tổ chức tại Nhạc viện Tarveny - Pháp ngày 3-10-2015. Ảnh: Thanh Hiệp

GS Trần Quang Hải và vợ - ca sĩ Bạch Yến trong lễ tưởng niệm 100 ngày mất của GS.TS Trần Văn Khê tổ chức tại Nhạc viện Tarveny - Pháp ngày 3-10-2015. Ảnh: Thanh Hiệp

Tiến sĩ, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Hải Phượng – học trò của GS.TS Trần Văn Khê nhận xét: “Theo tôi, không nên từ bỏ di nguyện của thầy Khê; nếu không lập được quỹ thì vẫn giữ tên giải thưởng và GS Trần Quang Hải là người có quyền quyết định cao nhất trong việc trao số tiền này cho những người có sự đóng góp đáng quý cho việc nghiên cứu, truyền bá âm nhạc dân tộc như di nguyện của thầy”.

GS Trần Quang Hải
GS Trần Quang Hải

NSND Kim Cương tâm sự: “Bao nhiêu hoài bão và di nguyện của GS.TS Trần Văn Khê đã không thực hiện như mong muốn. Đó là điều đáng tiếc”.

GS Trần Quang Hải giới thiệu về âm nhạc dân tộc tại Pháp. Ảnh: NSCC

GS Trần Quang Hải giới thiệu về âm nhạc dân tộc tại Pháp. Ảnh: NSCC

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn