Thí sinh tự tử vì áp lực dư luận: vấn nạn toàn cầu

Thứ sáu, 29/04/2016, 10:08
Một lần nữa, hiện tượng “làm nhục mua vui” lại trở nên nhức nhối trước thông tin một thí sinh trẻ tuổi trong chương trình truyền hình thực tế Việt Nam tự tử.
Alexa McAllister, thí sinh The Bachelor tự sát sau khi không vào được vòng trong. Ảnh: Daily Mail

Sự việc thí sinh Mai Thái Anh (tên thật Trần Nguyên Bảo) của chương trình Nhân tố bí ẩn - X-Factor tự tử cho tới nay chưa được xác định một cách chính xác. Nhưng áp lực dư luận đối với chàng thanh niên này là có thật và những áp lực đó là không hề nhỏ...

Có thể nói đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một sự việc tiêu cực về áp lực dư luận với các thí sinh tham gia các chương trình truyền hình thực tế. Nhưng trên thế giới, vấn đề này đã trở thành một vấn nạn nhiều năm nay.

Status tuyệt mệnh Mai Thái Anh đăng tải trên trang Facebook cá nhân.

Cái chết kết thúc tất cả

Mai Thái Anh chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp thí sinh dự thi các chương trình truyền hình thực tế không chịu nổi áp lực. Gần đây nhất là cô Alexa McAllister, 32 tuổi, đi tìm tình yêu đích thực của đời mình trong chương trình The Bachelor đã tự sát vì không chịu nổi áp lực sau khi bị loại khỏi chương trình chỉ trong tuần đầu tiên xuất hiện.

Thi thể của Alexa được một người bạn tìm thấy sau khi nhận được tin nhắn tuyệt mệnh. Cô là thí sinh thứ 2 trong chương trình tìm đến cái chết sau khi phải rời khỏi cuộc chơi.

Gia Allemand, người mẫu áo tắm trong chương trình The Bachelor mùa thứ 14 cũng treo cổ tự sát vào tháng 8/2013 sau khi bị từ chối vào vòng trong. Mẹ Allemand là cô Donna kể lại trong nước mắt: “Lúc đó tôi đang nói chuyện qua điện thoại với con bé, nó nói: ‘Con muốn kết thúc cuộc sống này’, và thứ cuối cùng tôi nghe được là hơi thở của nó.”

Khi đó, Allemand vừa bước qua tuổi 29.

Gia Allemand tự kết liễu cuộc sống khi vừa tròn 29 tuổi. Ảnh: Daily Mail

Trong chương trình Kitchen Nightmares năm 2007, đầu bếp Joseph Cerniglia, cha của 3 đứa trẻ, cũng trút hơi thở cuối cùng sau khi nhảy khỏi cây cầu George Washington vì bị đầu bếp Gordon Ramsey, giám khảo chương trình sỉ nhục thậm tệ.

Một trường hợp khác là Simone Battle, xuất hiện trên sóng The X-Factor vào năm 2011 nhưng không đạt được thành công. 3 năm sau khi bị loại cũng là 3 năm Simone phải đối mặt với chứng trầm cảm nặng nề, và cuối cùng kết liễu bản thân khi mới 25 tuổi.

Và còn rất, rất nhiều gương mặt trẻ tuổi khác cũng đã tìm đến cái chết sau khi đối mặt với sự công kích cay nghiệt từ phía dư luận. Mindy McCready trong chương trình Celebrity Rehab, Mark Balelo trong Storae Wars, James Terrill trong Supernanny, Russell Armstrong trong The Real Housewives of Beverly Hills, Wesley Durden tronng The Next Great Baker hay Najai Turpin trong The Contender… là những gương mặt như vậy.

Sự thật nghiệt ngã

10 năm trở lại đây, khi truyền hình thực tế thống lĩnh trên màn ảnh nhỏ, cũng là lúc nhiều bi kịch diễn ra. Ước tính, có đến hơn 20 trường hợp thí sinh đã tự tử vì áp lực quá lớn từ phía dư luận sau khi bước vào cuộc chơi.

Tổ chức Ngăn chặn Tự sát Mỹ ước tính tỷ lệ số người tự vẫn sau khi tham dự các chương trình truyền hình thực tế là 12,4 trên 100.000 người, cao gấp 3 lần so với các nhóm người khác.

Theo nhà báo Seth Kaufman, tác giả cuốn sách The King of Pain, sở dĩ có hiện tượng trên là vì sự xuất hiện trước công chúng có thể gây nên nhiều tác hại không tốt cho lòng tự trọng và sức khoẻ tinh thần của mỗi người. Luôn có một lượng khán giả sẵn sàng sỉ nhục và gây khó khăn cho các thí sinh, khiến cho họ phải chịu nhiều chấn động tâm lý.

TS Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu phát triển, phân tích vui khi người khác bị nhục và vui khi làm nhục người khác là hiện tượng rất phổ biến trong xã hội, mà nhiều khi chính chúng ta đang tham gia vào một cách vô thức. Nó được thể hiện rõ nhất, công khai nhất và rộng khắp nhất qua các chương trình truyền hình thực tế, khi nhiều thí sinh tối tối lại trở thanh những chú hề bất đắc dĩ, thành trò cười cho hàng chục triệu người trên khắp cả nước.

Nadine Kaslow, nhà tâm lý học tại trường Đại học y Emory ở Atlanla cũng từng đề cập đến hiện tượng này. Cô khẳng định một khi đã bước chân vào một cuộc đua trên truyền hình, các thí sinh đều đang đánh cược với việc cuộc đời họ sẽ bị công khai trước mặt nhiều người khác.

“Cuộc đời của bạn như một cuốn sách được mở ra trước mặt người khác, và điều đó khiến bạn cảm thấy rất dễ bị tổn thương.” “Khi con người bị làm nhục công khai, đó thật sự là một nguy cơ dẫn đến tự tử”, cô khẳng định.

“Điều đáng lưu ý của hiện tượng này là việc các bạn không biết người khác sẽ dễ trở nên nhạy cảm nhường nào khi bị xấu hổ và làm nhục công khai”, cô nói.

Bên cạnh đó, cô cho biết ngay cả những thí sinh có thần kinh ổn định cũng là đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi áp lực cạnh tranh và từ phía dư luận quá lớn. “Truyền thông và công chúng không phải lúc nào cũng đối tốt với họ. Bạn có thể đi từ một ngôi sao nổi tiếng thành một người không có tên tuổi, hoặc thậm chí là một kẻ xấu xa, đầy tội lỗi.”

Để hạ chế tình trạng trên, nhà báo Seth Kaufman khuyến nghị các nhà sản xuất chương trình nên tự đặt ra trách nhiệm phải bồi thường cho các thí sinh trong trường hợp họ gặp phải các rủi ro tương tự.

Có thể thấy, phần đông khán giả đều hứng thú với những gì diễn ra trên sân khấu, nhưng sự thật nghiệt ngã khi ánh đèn chợt tắt là điều không phải ai cũng thấy được. Cái chết của Alexa, Allemand, Joseph, hay những dòng chia sẻ của Mai Thái Anh chính là hồi chuông cảnh báo mới nhất khiến cho chúng ta nhìn lại, để có cái nhìn thấu đáo và tỉnh táo hơn trước khi đánh giá và phán xét bất cứ ai.

Theo Zing

Các tin cũ hơn