Nếu Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đến với nhau ở thời bây giờ thì việc họ chênh nhau 6 tuổi, kể như chẳng có gì đáng nói. Song cách đây gần nửa thế kỷ, chuyện lệch tuổi cộng với hoàn cảnh riêng của hai người, khiến tình yêu và quyết định gắn bó của họ như một “sự kiện không thể hiểu nổi”: “Có cái gì đột ngột với nhiều người: Xuân Quỳnh yêu Lưu Quang Vũ. Hai người sống với nhau những ngày đầu của một tình yêu còn lại. Anh bỏ vợ có một con và chị cũng đã chia tay chồng, có một con. Quan trọng hơn là mấy năm rồi Vũ không có việc làm ổn định”, trong sổ tay ghi chép ngày ấy, Ngô Thảo đã viết như thế. Áp lực của dư luận cũng khiến người trong cuộc mệt mỏi ít nhiều: “Gặp mọi người, Xuân Quỳnh đều có ý né tránh, không đon đả, niềm nở hồn nhiên như vốn thế”, nhà văn Ngô Thảo nhớ lại.
Tác giả của những câu thơ tình nổi tiếng “Em trở về đúng nghĩa trái tim/Là máu thịt, đời thường ai chẳng có/Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”, là một người vui vẻ, nói năng hoạt bát ở ngoài đời. Điều này, trái ngược với “một nửa” của chị, Lưu Quang Vũ lại kiệm lời giữa đám đông.
Năm 1982, trong một chuyến đi công tác, Ngô Thảo tình cờ gặp Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh ở Huế. Lúc này thơ Xuân Quỳnh đang nổi, thơ Lưu Quang Vũ cũng đã bắt đầu được đăng lại trên các báo. Biết cặp đôi đang ở Huế, bạn vè văn nghệ như họa sỹ Bửu Chí, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhạc sỹ Trần Hữu Pháp ghé chơi. Đương nhiên, cuộc vui không thể thiếu Ngô Thảo. Nhà phê bình cứ tưởng có một đêm được nghe Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh đọc thơ, nói chuyện nhưng không ngờ suốt đêm đó Bửu Chí, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Hữu Pháp “cướp diễn đàn”. Họ nói chuyện trên trời dưới bể, đến sáng mới chịu ra về, cặp đôi cũng nhẫn nại ngồi xuyên đêm cùng bạn. Nhà phê bình Ngô Thảo ghi nhận: “Chiều bạn bè là nét đáng quí ở đôi vợ chồng này”.
Những người yêu thích kịch Lưu Quang Vũ băn khoăn ở câu hỏi: Lưu Quang Vũ đến với kịch như thế nào? Ai là người “đẩy thuyền”? Hãy nghe giai thoại được Ngô Thảo kể lại: “Trong một lần sau chiến tranh, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ nằm trong một căn phòng nhỏ. Đúng vị trí ngôi tiên chỉ của mình, Đỗ Chu phán cho Vũ: “Văn cậu viết được nhưng cả đời cũng chẳng bằng tớ. Thơ thì cậu chả bao giờ có cái sĩ khí, vinh quang của cậu Duật. Giờ chỉ còn mảng kịch là chưa có ai. Cậu phải chọn viết kịch mới mong lập thân được”. Tất nhiên, nếu không có tài năng và có duyên với mảng kịch thì lời phán của Đỗ Chu cũng không ích gì.
“Sống mãi tuổi 17” là vở kịch đầu tiên của Lưu Quang Vũ (dựa trên kịch bản cũ của Đào Duy Kỳ). Nhưng nếu Lưu Quang Vũ không đến với kịch, thì anh vẫn là một tên tuổi lớn của làng văn nghệ. Dù rằng, thơ Lưu Quang Vũ không có “cái sĩ khí, vinh quang của cậu Duật” như Đỗ Chu nói. Song thơ Lưu Quang Vũ lại lại có những “cái” không thể tìm thấy ở thơ Phạm Tiến Duật: “Mưa cướp đi ánh sáng của ngày/Đường chập choạng trăm mối lo khó gỡ/Thức chẳng yên dở dang giấc ngủ/Hạnh phúc con người mong manh mưa sa”(Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa- Lưu Quang Vũ, thơ tình, NXB Văn học, 2002).
Trong kho kỷ niệm của Ngô Thảo về Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, có một kỷ niệm khiến người ta yêu và thương Xuân Quỳnh nhiều hơn, yêu và thương người nghệ sỹ trong cuộc sống đời thường còn nhiều khó khăn ngày trước. Lúc này Lưu Quang Vũ công tác ở Tạp chí Sân khấu. Nhờ sự quảng giao của nhà viết kịch Xuân Trình, cứ dịp Tết đến, tạp chí và cơ quan Hội lại có thịt lợn và gạo nếp ngoài tiêu chuẩn tem phiếu chia cho anh em: “Trưa ấy, đi đâu về muộn, Xuân Quỳnh sang nhận phần thịt dành cho Vũ. Chợt thấy, nồi cháo lòng còn một ít, Xuân Quỳnh thật thà: “Sao các ông phí thế này! Cho tôi mang về nhá”. Nói thế mà làm thật. Xuân Quỳnh vội đạp xe về 96 Phố Huế mang cái xoong nhỏ sang lấy nốt phần cháo còn lại. Nét mặt rạng rỡ, dáng đi xăm xắn của nữ sĩ đẹp nhất, tài hoa nhất trong vai người vợ tần tảo, chịu thương chịu khó buổi chiều giáp Tết ấy, mỗi lần nhớ lại, tôi lại thấy mắt mình nhòa đi”, Ngô Thảo viết. Lại nhớ những câu thơ thấm vị đời thường thiết tha của Xuân Quỳnh: “Anh yêu ơi, hãy tha lỗi cho em/Nếu đôi lúc giận hờn anh vô cớ/Những bực dọc trong ngày vất vả/Làm anh buồn mà em có vui đâu/Chỉ riêng điều được sống cùng nhau/Niềm sung sướng với em là lớn nhất/Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực/Giây phút nào tim đập chẳng vì anh”.