Thưa nhà văn, xin cho biết ông đang làm gì trong thời điểm hiện tại ?
- Xin đừng gọi tôi là nhà văn mà hãy gọi tôi là người viết văn, tôi thích cách gọi sau hơn. Tôi đang tập trung viết thêm khoảng 10 truyện ngắn để bổ sung vào “Tuyển tập Mạc Can” sẽ được tái bản trong năm 2013. Bên cạnh đó, tôi cũng đang chuẩn bị hoàn tất tuyển tập truyện ngắn viết về những năm tháng tôi sống xa quê hương, và đồng thời cũng đang trên hành trình viết một tiểu thuyết mới.
Mạc Can với album ảnh do ông tự thiết kế và photoshop. |
Ông được giải của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005, cách đây vài năm ông cũng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM. Vì sao ông không muốn được gọi là nhà văn, thưa ông?
- Tôi thấy mình không xứng đáng như thế. Tôi vốn không được học hành tử tế nên trong tác phẩm đầu tiên của mình, câu chữ còn ngô nghê cần biên tập rất nhiều.
Điều này vẫn còn tiếp diễn đến bây giờ. Tôi nghĩ thế mạnh trong tác phẩm của tôi là cái tứ của câu chuyện, còn kỹ thuật viết không thể so sánh với ai nên cảm thấy hổ thẹn khi được gọi là nhà văn. Tuy nhiên, tôi mê viết và xem việc viết văn là một điều không thể thiếu trong cuộc đời mình.
Ông tự xem mình viết câu không hay, nhưng nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng nhận xét ông có những câu văn không thể ngờ. Điều này có được nhờ đâu, thưa ông ?
- Nhiều khi tôi cũng không ngờ mình có thể viết được những câu văn độc đáo theo nhận xét của nhiều bạn hữu. Tôi có cảm tưởng như lúc đó, đầu óc tôi được một đấng khai sáng nào đó soi rọi vào, nên bật ra được những câu văn hơn bình thường. Có khi tôi nghĩ lại, có phải là vì mình đã nghiền ngẫm điều gì đó quá lâu nên đến một lúc nào đó ngộ ra một cách bất ngờ?!
Có bao giờ ông nghĩ cần phải thay đổi phong cách viết để tránh nhàm chán không, thưa ông?
- Có chứ. Tôi đang tự rèn luyện một lối viết mới. Viết truyện theo kiểu không có cốt truyện. Kiểu viết không có một dàn bài với một bố cục theo quy tắc thông thường mà người đọc sau khi chiêm nghiệm sẽ ngộ ra nhiều điều thú vị. Tôi nhìn thấy nhà văn Lê Văn Thảo rất giỏi trong thủ pháp này. Câu chuyện của ông mênh mang, lạ lẫm nhưng thông điệp chuyển tải rất sâu sắc.
“Tôi có chiếc xe cánh én và rong ruổi khắp nơi với nó. Hôm nay tá túc nhà người này, ngày mai tạm trú nhà người khác, có khi ngủ luôn tại phim trường. Cuộc đời rồi cũng qua”. Nhà văn Mạc Can |
- Lúc đầu tôi cảm thấy đau nhói, nhưng cái đầu của tôi mau quên nên không còn nhớ gì cả. Hơn nữa, tôi vốn không muốn trở thành đối thủ của bất cứ ai nên không muốn đối đầu vì bất cứ chuyện gì. Cuộc đời vốn có quá nhiều thứ khiến người ta mỏi mệt, nên tôi không muốn mình phải muộn phiền thêm, tôi chạy trốn tất cả những gì gọi là hỷ nộ ái ố.
Vậy đâu là nơi trú ẩn mỗi khi ông gặp những nỗi buồn, thưa ông?
- Đến giờ này tôi vẫn không có một căn nhà nương tựa, bạn bè nghệ sĩ ai cũng bận rộn nên tôi cũng không biết tìm ai để trải lòng mình. Nhưng tôi có một nơi, tôi xin không nói ra địa chỉ, mỗi khi thấy trong lòng có nhiều tâm sự tôi sẽ về đó viết và trốn cái ồn ào bon chen của cuộc sống.
Điều này đồng nghĩa thu nhập của nghề diễn viên, nghề viết văn không cho ông một cuộc sống ổn định?
- Tôi rất nghèo bạn ạ. Có thể nói là một trong số những người nghèo nhất trong giới nghệ sĩ. Thu nhập của tôi thấp và không ổn định chứ không phải tôi sống phung phí và trác táng. Gần đây, tôi định bán bột chiên vì tôi có thể nấu món này, nhưng một người bạn khuyên tôi: Ông khổ nhưng chưa đến mức đó. Người bạn này gợi ý tôi học nghề photoshop để kiếm thêm. Tôi làm khá đẹp mắt nên nhiều người trong và ngoài giới nghệ sĩ đặt hàng nhưng đến giờ tôi mới nhận được 70.000 đồng tiền thù lao.
Ông đã từng có một người yêu là người Úc, một người vợ Nhật có với ông một con gái đang sinh sống tại Mỹ, và vô số người tình là người Việt Nam. Ông có nghĩ rằng ông cần đến sự giúp đỡ của họ vào tuổi xế chiều?
- Tôi là kẻ đào hoa nhưng khờ khạo trong tình yêu. Người ta thấy tôi vui vẻ nên cảm giác an tâm khi sống với tôi. Nhưng rồi sau đó người ta phát hiện ra tôi là một gã không có tiền và uy tín để bảo bọc gia đình. Thế là lần lượt hết người này đến người khác bỏ tôi đi. Tôi đã quyết định mình sẽ ở vậy đến lúc về với đất mẹ.
Có một ông chủ nghĩa trang tại Bình Dương đã hứa cho tôi một nấm mồ trong nghĩa trang của ông. Ông ấy nói với tôi, nơi tôi nằm sẽ rất gần các nghệ sĩ khác ở một con đường được đặt tên là Đường Nghệ Sĩ. Nếu ông ấy giữ lời thì tôi sẽ chọn nơi này làm chốn yên nghỉ của mình.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet