4 lý do nên xem bom tấn "Người dơi"

Thứ tư, 18/07/2012, 14:39
Phần cuối cùng trong series 3 tập về người dơi của đạo diễn Christopher Nolan sẽ ra mắt khán giả Việt Nam ngày 27/7. Đây được xem là một trong những siêu phẩm được mong đợi nhất trong năm.


>>4 phim kinh dị Hàn đặc sắc tấn công màn ảnh mùa hè
>>Hàng loạt sao thích xem 'phim người lớn'
>>Joo Jin Mo đóng phim Quỳnh Dao
>>Thêm hai nhân viên đoàn làm phim "Liz & Dick" nhập viện
 

Đối với một bộ phim bom tấn, người xem thường dựa vào nhiều yếu tố để dự đoán độ thành, bại. Còn The Dark Knight Rises lại nằm trong trường hợp đặc biệt, bởi khán giả đặt toàn bộ hy vọng lên tài năng của đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất Christopher Nolan.

Nolan ghi dấu ấn trong nhiều phim nổi tiếng như Memento (2000), Prestige (2006), Inception (2010); series về siêu anh hùng người dơi là Batman Begins (2005), The Dark Knight (2008), The Dark Knight Rises (2012).

Với thành công vang dội của phần trước là The Dark Knight (2008), phần 3 sẽ ngân lên những nốt nhạc cao trào, hay chìm nghỉm như số phận của phần lớn những bộ phim 3 tập khác là câu hỏi của nhiều người yêu thích series phim này.

1. Câu chuyện ma trận
 

Christian Bale vai người dơi - Bruce Wayne.

Kịch bản lắt léo, cách kể chuyện khiến người xem phải "cân não", tập trung đến từng chi tiết nhỏ là sở trường của đạo diễn Christopher Nolan. Nét độc đáo riêng này đã giúp ông nổi trội hơn so với dòng phim hành động thuần túy thiên về đánh đấm hoặc phim khoa học viễn tưởng thiên về kỹ xảo.

Năm 2008, The Dark Knight đã khiến tất cả khán giả phải ngả mũ thán phục Nolan khi ông coi trọng câu chuyện - phần nội dung và kỹ xảo phô diễn - phần hình ảnh. Các cao trào, diễn biến trong phim liên tục diễn ra, đôi khi còn gây khó hiểu nếu khán giả không bắt kịp nhịp. Nút thắt - mở cũng được ông xử lý gọn gàng, tinh tế.

Trong khi đó, một số bộ phim hành động khác thường bị khán giả chê tơi bời về mặt nội dung, thậm chí, họ quên ngay phim nói về cái gì sau khi rời khỏi rạp. Nguyên nhân là khoản kinh phí lớn hầu hết rót vào phần hậu kỳ, dàn dựng, cát-xê cho ngôi sao. Đặc biệt, nếu phim định dạng 3D, thì miếng bánh này còn bị chia nhỏ hơn.

Với Nolan, ông đặc biệt quan tâm và vận dụng tốt kỹ thuật suspend (trì hoãn, gây hồi hộp) trong kịch bản phim hành động hoặc kinh dị. Ông đã vài lần sử dụng kỹ thuật cắt dựng 2 hoặc 3 hành động diễn ra song song để tăng thêm sự căng thẳng.

Phân cảnh cao trào cuối phim là sự kết hợp xen kẽ giữa 3 cảnh: khủng bố ở bến phà, người dơi tấn công Joker và màn cân não giữa Harvey Dent - James Gordon - người dơi.
 

The Dark Knight 2008.

Đối với một câu chuyện phức tạp, nhiều chi tiết lớn nhỏ, nhân vật phụ và ý nghĩa, người làm phim rất dễ bị lạc lối trong chính ma trận của mình. Tất nhiên, The Dark Knight đã thành công ngoài sức tưởng tượng khi kể một câu chuyện trọn vẹn bằng ngôn ngữ điện ảnh, giàu kịch tính và không thiếu ý nghĩa nhân văn.

Liệu điều này có lặp lại khi phần tiếp theo được công chiếu? Câu trả lời của nhiều người may mắn xem buổi chiếu thử đã phần nào làm yên lòng số đông người hâm mộ series phim này. 
 

2. Cái bóng của Joker  
 

Joker trong tạo hình quái dị.

Một câu hỏi khiến ai cũng phải háo hức là vai phản diện trong tập cuối này có vượt qua được ấn tượng quá mạnh của nhân vật Joker trong The Dark Knight? Bởi cái chết đột ngột của nam diễn viễn Heath Ledger - người đóng Joker - trước khi phim được công chiếu càng làm tăng tính huyền thoại cho nhân vật thằng hề quái dị này.

Nolan đã có một chọn lựa thông minh khi chọn nam diễn viên Tom Hardy vào vai Bane. Ông chia sẻ: "Tôi muốn một ai đó hoàn toàn trái ngược với Joker, phải là một kẻ có sức mạnh tàn bạo, thuần túy".
 

Nhân vật Bane tàn bạo.

Joker khiến người xem rùng mình vì sự điên cuồng, quái dị lẫn tác động về mặt ngoại hình. Nhân vật Bane là kẻ khủng bố thiên về sức mạnh thô ráp, hoang sơ, nhưng hắn lại đi kèm với một cái đầu thông minh hoàn hảo. Hai yếu tố này gộp lại biến Bane thành một đối thủ đáng sợ của người dơi.

Nếu như nhân vật phản diện này thất bại, chắc chắn The Dark Knight Rises cũng không thể thành công trọn vẹn.

3. Kỹ xảo và bộ sưu tập siêu xe  
 

Đạo diễn Nolan bên máy quay IMAX.

Với số tiền đầu tư 250 triệu USD, phần kỹ xảo là một yếu tố không thể thiếu trong phim bom tấn này. Thay vì chọn định dạng 3D, Nolan tiếp tục thử nghiệm và nâng cao chất lượng hình ảnh bằng máy quay IMAX. Tổng cộng đoạn phim sử dụng máy IMAX trong tập này kéo dài hơn 1 tiếng, trong khi ở phần trước là 28 phút.

Nolan là người theo chủ nghĩa hoàn mỹ, dù cảnh đánh nhau hay bạo lực, thì cái đẹp vẫn được ông đặt lên hàng đầu.

Qua các trailer đã phát hành, người xem hoàn toàn có thể thấy rõ những cảnh quay hoành tráng, trau chuốt như chiếc cầu bắc qua sông sụp gẫy, sân bóng bầu dục nổ tung hay những cảnh bay lượn của người dơi và chiếc Batwing.
 

Cảnh chiếc cầu nối hai bờ sông bị gãy.

Giới hâm mộ phim hành động viễn tưởng còn háo hức chờ đón những siêu xe hay còn gọi là "đồ chơi" của người dơi.

Bởi trong phim, anh chàng tỷ phú Bruce Wayne sẽ "lên đời" bằng Lamborghini Aventador màu bạc, thay vì Lamborghini Murcielago LP640. Còn khi hóa thân thành hiệp sĩ bóng đêm, khán giả được mãn nhãn với Batpod hay chiếc Tumbler,  Batmobile được tân trang bề ngoài khác hẳn các bậc tiền bối.

Chiếc máy bay siêu đặc biệt Batwing từng xuất hiện trong phiên bản Batman (1989, đạo diễn Tim Burton) cũng xuất hiện hầm hố không kém.
 

Batpod tái xuất.

Tumbler phiên bản 2012.

Batwing hầm hố.

4. Cái kết của Christopher Nolan dành cho một huyền thoại
 

Series phim người dơi không đơn thuần là tác phẩm được chuyển thể từ truyện tranh nguyên gốc thành phim. Đạo diễn Nolan còn chắp bút với anh trai nhào nặn cuộc đời người dơi gần như thành một câu chuyện mới, tròn trĩnh, vừa đủ và không quá sa đà vào chi tiết.

Truyện tranh Batman trải dài mấy chục năm, chia tách thành nhiều tập nhỏ, thậm chí còn bị ngắt quãng. Nhưng trong series phim của Nolan, ông đã mang tạo thành một sợi chỉ xuyên suốt cho hình ảnh riêng ông muốn khắc họa.
 

Christian Bale và Anne Hathaway - The Dark Knight Rises.

Cả 3 tập phim đều hướng vào nhân vật Bruce Wayne, lý giải tại sao một tỷ phú có vẻ ngoài lãng tử lại đêm đêm đeo mặt nạ đi tìm công lý, chống lại cái ác bằng nắm đấm của mình.

The Dark Knight khép lại với một kết cục dang dở và cay đắng cho người dơi khi anh phải chạy trốn vào bóng đêm, bị xua đuổi, xa lánh, kết tội vì thành phố Gotham chưa cần một hiệp sĩ ngoài vòng pháp luật.

Phần 3 của series phim này là khoảng thời gian 8 năm sau sự kiện đó, khi Gotham đang sống yên bình bị khuấy động bởi kẻ khủng bố tàn bạo Bane.
 

Trận chiến cuối cùng của người dơi dưới thời Nolan.

Thực ra, với kiểu truyện tranh theo tập lẻ như Batman, hãng phim có thể sáng tạo không ngừng nghỉ. Còn Nolan, ông nghĩ 3 phần là đủ. Ông đã làm sống lại một huyền thoại, có mở đầu với Batman Begins và có một cái kết xứng đáng.

Người hâm mộ Việt Nam sẽ có câu trả lời chân thật nhất khi The Dark Knight Rises ra rạp ngày 27/7.



Theo Infonet

Các tin cũ hơn