Những sự kiện đình đám trên TTCK năm 2011 (phần 1)

Thứ ba, 13/12/2011, 05:20
Năm 2011 dần khép lại, thị trường chứng khoán lâm vào tình cảnh ảm đạm, hàng loạt sự kiện đình đám liên tục xảy ra càng khiến cho thị trường trở nên xấu hơn bao giờ hết. Vietstock cùng bạn đọc điểm lại những sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận trong năm.


 


 

Ảnh minh họa

1. Hiện tượng mang tên... KLS

Những câu chuyện về CTCP Chứng khoán Kim Long (HNX: KLS) đã trở thành đề tài nóng bỏng để báo chí khai thác trong năm 2011, đồng thời cũng mang lại không ít những bài học chua xót cho nhà đầu tư.

Mở đầu cho những lùm xùm năm 2011 là việc KLS bất ngờ công bố kế hoạch từ bỏ mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh chứng khoán để chuyển sang mô hình công ty đầu tư mà lĩnh vực chủ đạo là bất động sản. Động thái này đã khiến giá cổ phiếu KLS trên sàn đã lao dốc mạnh chỉ trong thời gian ngắn. Sự việc này cũng dấy lên một trào lưu về tái cơ cấu các công ty chứng khoán trên thị trường trong bối cảnh ảm đạm về kinh tế lẫn chứng khoán.

Tuy nhiên sự việc chưa dừng lại ở đó. Hai lần triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thành do số lượng tham dự không đáp ứng được quy định của Luật Chứng khoán. Đến lần thứ 3, HĐQT lại bất ngờ rút lại kế hoạch chuyển đổi hoạt động khiến cả thị trường một lần nữa ngỡ ngàng. Giá cổ phiếu KLS cò những biến động thất thường gây nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, việc KLS huy động cả ngàn tỷ đồng tăng vốn điều lệ trong năm 2010 chỉ để "nằm im" càng làm cho nhà đầu tư mất niềm tin.
 


2. SME và khủng hoảng niềm tin

 

SME và hai lần thiếu hụt thanh khoản

Sự khó khăn của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán đã đẩy không chỉ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà cả các công ty chứng khoán lâm vào cảnh túng quẩn, thậm chí mất khả năng thanh toán.

Sự kiện Công ty Chứng khoán SME hai lần thiếu hụt thanh khoản, không thể thanh toán bù trừ với Trung tâm Lưu Ký khiến giao dịch của một số nhà đầu tư bị hủy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín công ty cũng như niềm tin của khách hàng.

Không dừng lại tại SME, việc mất khả năng thanh toán được dự báo có thể lan rộng và trở thành làn sóng đối với các công ty chứng khoán gây hoang mang và rúng động thị trường.
 

3. Xuất hiện cổ phiếu dưới 1,000 đồng

Những bất ổn về kinh tế trong và ngoài nước, ngân hàng thắt chặt tín dụng, doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, tâm lý nhà đầu tư bi quan… tất cả làm cho thị trường chứng khoán rơi vào vùng xoáy giảm điểm.

VN-Index dù chưa chạm mức đáy từng thiết lập vào đầu năm 2009 do bị méo mó bới các cổ phiếu trụ cột, nhưng mặt bằng chung thị trường đã giảm rất mạnh so với thời điểm đó. Mức giảm 30%, 40% thậm chí 70%, 80% là điều không hiếm đối với nhiều cổ phiếu.

Thống kê đến hết tháng 11, trong số hơn 700 chứng khoán niêm yết ở hai sàn, có đến 395 mã dưới mệnh giá, chiếm 56%; 202 mã có giá từ 10,000 – dưới 20,000 đồng/cp, chiếm 29%; và chỉ có vỏn vẹn 102 mã đạt mức giá trên 20,000 đồng/cp.

Nếu đi sâu hơn, trên cả hai sàn có gần 150 mã dưới 5,000 đồng/cp, tương ứng 21% và 247 mã có mức giá từ 5,000 – dưới 10,0000 đồng/cp, tương đương 35% toàn thị trường. Thậm chí có lúc một vài cổ phiếu rơi xuống mức giá mà không ai ngờ tới là 600 đồng/cp.
 

4. Chứng khoán "xanh vỏ, đỏ lòng"

Năm 2011, thị trường chứng khoán chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi các mã cổ phiếu lớn, đặc biệt là các mã thuộc nhóm tứ trụ tại HOSE gồm BVH, MSN, VIC và VNM cùng nhiều mã cổ phiếu khác. Sự dịch chuyển của các mã này có thể làm thay đổi hoàn toàn biến động của VN-Index.

Góp phần vào sự méo mó này là do các quỹ EFT, hay quỹ đầu tư theo chỉ số với danh mục là các cổ phiếu chủ chốt tại HOSE. Chính các quỹ này đã từng khiến VN-Index tăng vọt lên trên 500 điểm.

Việc đầu tư các mã cổ phiếu lớn cũng thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư trong nước đua theo các quỹ. Kết quả là VN-Index càng trở nên méo mó, không phản ánh đúng thực chất của thị trường. Trạng thái xanh vỏ đỏ lòng hoặc ngược lại liên tục xảy ra.

Ngay cả sàn HNX, dù không chịu ảnh hưởng bởi các quỹ đầu tư chỉ số, tuy nhiên sự biến động của những mã cổ phiếu lớn như KLS, VND, PVX, VCG… cũng tác động lớn đến tâm lý của nhà đầu tư, và hòa toàn có thể thay đổi cục diện của thị trường.

Cơ quan quản lý, mà ở đây là Sở GDCK TPHCM (HOSE) cũng từng có ý định xây dựng chỉ số VN-30, đại diện cho 30 công ty niêm yết tại HOSE có giá trị vốn hóa và tính thanh khoản cao nhất trên thị trường nhằm phản ánh thực chất hơn diễn biến của thị trường, tuy nhiên đến nay việc này vẫn chưa chính thức được triển khai.

Để “đối phó” với tính trạng này, các công ty chứng khoán hoặc các tổ chức tài chính đều tự đứng ra xây dựng bộ chỉ số riêng nhằm giúp nhà đầu tư, khách hàng của mình có cái nhìn chính xác hơn về thị trường.
 

5. Làn sóng hủy niêm yết

Đối lập với hiện tượng đua nhau đưa cổ phiếu lên sàn trước đây, trào lưu huỷ niêm yết "nở rộ" trong năm 2011.

Ngoài những doanh nghiệp bị bắt buộc phải hủy niêm yết do sai phạm và tình hình kinh doanh thu lỗ, hoặc tiến hành sáp nhập vào công ty khá, điển hình là trường hợp của DVD, VTA, FPC, YSC, GHA... , nhiều doanh nghiệp tiến hành xin hủy niêm yết tự nguyện như SQC, SGT, TBC, CSG, TRI, V11, S27, DCC, IFS... . Nhiều lý do được doanh nghiệp đưa ra, nhưng chung nhất là tình trạng giá cổ phiếu giảm thê thảm trên sàn, thị trường đóng băng khiến khả năng huy động vốn trở thành con số 0.

Thị trường ảm đạm, niềm tin xói mòn, cổ phiếu dù tốt hay xấu đều đua nhau lao dốc, rút tên khỏi bảng điện của chứng khoán niêm yết cũng là một giải pháp nhằm chống bị thâu tóm mà một số doanh nghiệp lựa chọn.

Các nhà lãnh đạo có lẽ đã phải trăn trở rất nhiều trước các lựa chọn giải pháp "cứu" cổ phiếu của doanh nghiệp mình. Kết quả của phép toán "được hay mất" khi huỷ niêm yết vẫn chưa được kiểm chứng...

(Còn tiếp...)


Theo VietStock

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích