Dấu hiệu đầu tiên và lớn nhất, đó chính là sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp, trong khi sức tiêu thụ chậm lại và hàng tồn kho tăng cao. Có thể, mức tồn kho tại thời điểm 1/1/2012 của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3% không hẳn là cao, nếu so với con số 23% cùng thời điểm 1/12/2011, nhưng khi mà câu chuyện tồn kho cao dai dẳng từ năm trước sang năm sau, bất chấp thông lệ là những tháng Tết, tiêu thụ tăng mạnh, thì đó lại là điều đáng lo. Trong bối cảnh ấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, trừ yếu tố giá cả, tăng rất thấp - 4%.
Sức mua thấp, tiêu thụ chậm tất yếu sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến việc một lượng lớn doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ngừng hoạt động hoặc thậm chí phải đóng cửa. Những quan ngại về nguy cơ đình đốn sản xuất đã xuất hiện. Nỗi lo về một kịch bản lặp lại của năm 2009 - năm mà nền kinh tế suy giảm - cũng đang hiện hữu.
Một dấu hiệu khác, rất đáng lưu tâm, đó việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đăng ký thành lập doanh nghiệp mới trong tháng đầu của năm sụt giảm khá mạnh. Trên trang 10 số báo này, Báo Đầu tư cũng đã có bài viết đề cập vấn đề trên.
Câu chuyện cần được nhắc tới là, các chuyên gia kinh tế không hề sai khi đề cập “nội hàm tích cực” của sự suy giảm này, rằng đó là dấu hiệu cho thấy sự cân nhắc, thận trọng trong các quyết định kinh doanh, đầu tư trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Cũng rất đúng khi nhiều ý kiến cho rằng, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ là chỉ tiêu thô, quan trọng là chất lượng doanh nghiệp thế nào, hiệu quả sản xuất - kinh doanh ra sao… nhưng nếu đặt con số về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới sụt giảm bên cạnh những số liệu thống kê về tồn kho, về những khoản lỗ lớn, hay số doanh nghiệp phải đóng cửa và ngừng hoạt động, thì rõ ràng rằng, cần phải có một lời cảnh báo sớm về viễn cảnh vô cùng khó khăn của nền kinh tế trong năm 2012. Thậm chí, một cách chính xác, đây chỉ là chuyện “viết tiếp” những lời cảnh báo mà thôi.
Trong bối cảnh ấy, lạm phát vẫn là nguy cơ lơ lửng, lãi suất bao giờ hạ nhiệt vẫn là câu hỏi chưa thể có lời giải đáp chính xác. Và chuyện sức tiêu thụ tăng mạnh xem ra cũng không mấy khả quan. Chính vì vậy, hệ thống doanh nghiệp sẽ lại có một năm vất vả. Tự cứu mình bằng cách tái cơ cấu, cân nhắc lại các kế hoạch vay vốn, sản xuất - kinh doanh… là điều hiển nhiên mà các doanh nghiệp phải làm, song các cơ quan quản lý cũng cần tính toán giải pháp mở đường thoát hiểm cho hệ thống doanh nghiệp - động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Báo Đầu Tư