Kinh tế Myanmar liệu có tìm lại hào quang?

Thứ tư, 08/02/2012, 10:58
Có lý do để hy vọng một ngày nào đó Myanmar lại có được vị thế giàu nhất Đông Nam Á của 50 năm trước đây.


 

Thời gian gần đây chính phủ Myanmar đã đưa ra một số biện pháp tích cực, trong đó bao gồm thả tù nhân chính trị, nới lỏng một số quy định về xã hội, cải cách kinh tế cũng như sẵn sàng thực hiện nhiều thay đổi dựa trên tư vấn từ quốc tế.

Niềm tin của quốc tế vào Myanmar đang cải thiện, doanh nghiệp nhiều nước đã rất hào hứng tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Myanmar – một thị trường lớn và còn chưa được khai phá nhiều tại châu Á, nơi nhiều lĩnh vực của nền kinh tế chưa phát triển.

Mỹ đã khôi phục quan hệ ngoại giao và Liên minh Châu Âu ngừng hạn chế cấp visa với một số quan chức chính phủ Myanmar. Cả chính phủ Mỹ và Liên minh châu Âu đã phát đi tín hiệu họ sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nếu Myanmar tiếp tục điều chỉnh chính sách.

Chính phủ Singapore cũng kết hợp với Myanmar để hối thúc chính phủ Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Tổng thống Singapore khẳng định chính quyền thành phố sẽ củng cố hợp tác kinh tế và các mối liên kết kinh doanh với Myanmar cũng như hỗ trợ cho Myanmar sau nhiều thập kỷ cô lập chính trị và kinh tế.

Trong khi chính phủ các nước phương Tây xem xét giỡ bỏ biện pháp trừng phạt và doanh nghiệp nước ngoài dõi theo biện pháp cải tổ, chính phủ Myanmar cần phải chuẩn bị sẵn sàng để đón dòng vốn đầu tư và du khách từ nước ngoài.

Myanmar giàu tài nguyên thiên nhiên, trong đó bao gồm vàng, khí đốt, gỗ, đá quý cũng như lực lượng lao động giá rẻ. Myanmar cũng hấp dẫn du khách với nhiều công trình kiến thúc cổ, đền tháp tráng lệ và bãi biển xinh đẹp.

Tầm ảnh hưởng về kinh tế của Singapore rộng khắp Đông Nam Á. Singapore đầu tư mạnh vào Thái Lan đến nỗi nhiều người Thái đùa rằng Bangkok là thành phố của người Singapore. Việc Thái Lan bán tập đoàn Shin Corporation, một trong những tập đoàn lớn nhất Thái Lan, cho Singapore vào năm 2006 gây ra rất nhiều tranh cãi, nó còn cho thấy Singapore có tác động lớn thế nào đến doanh nghiệp tại Thái Lan.

Người Singapore cũng đóng vai trò tư vấn kỹ thuật cho phần lớn công ty công nghệ thông tin của Brunei và rất nhiều hàng nhập khẩu vào Brunei đi qua cảng của Singapore. Không giống phần lớn các nước Đông Nam Á khác, phần lớn các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Brunei được điều hành từ văn phòng ở Singapore.

Singapore đầu tư nhiều vào Indonexia đến nỗi đầu tư của Singapore chiếm 1/3 tổng FDI vào Indonexia. Năm 2012, đầu tư của Singapore vào Indonexia dự kiến còn tăng thêm 50%, điều khiến Indonexia hết sức hài lòng. Chính phủ Indonexia đã tuyên bố Singapore hiện được coi như đối tác kinh tế quan trọng của Indonexia trong khu vực.

Sau 50 năm, kinh tế Myanmar liệu có thể “đứng dậy”?

Sau thời kỳ công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh, Singapore đang đầu tư vào khoảng 973 dự án tại Việt Nam, Singapore trở thành nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Việt Nam đã công nhận Singapore là đối tác kinh tế quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. Singapore đồng thời đầu tư, dù không quá nhiều, vào bất động sản, bán lẻ, du lịch khách sạn tại Philippin. Singapore cho đến nay đang cân nhắc về việc liệu có nên đầu tư thêm bởi kinh tế Philippin dường như vẫn khó bứt phá sau nhiều năm.

Người Philippin, tuy nhiên, lại coi thành tựu kinh tế của Singapore như điều đáng để học tập. Ngân hàng Trung ương Philippin khẳng định nước này phải mất đến 45 năm để đạt được vị thế về kinh tế như Singapore hiện tại.

Nghiên cứu gần đây của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Myanmar có thể tăng trưởng khoảng 5,5% vào năm 2012. Nếu so sánh mức tăng trưởng dự báo này với nhóm nước láng giềng trong khu vực, có thể thấy 5,5% là con số khá lớn xét đến triển vọng kinh tế toàn cầu tăng trưởng kém. Dù vậy, Myanmar còn có tiềm năng tăng trưởng cao hơn.

Myanmar có một dân số khá lớn, khoảng 54 triệu, nhiều trong số này thuộc độ tuổi lao động và luôn sẵn sàng tìm việc làm. Dù vậy, Myanmar còn nhiều việc phải làm, trong đó bao gồm giải quyết vấn đề tham nhũng, nâng cao chất lượng hạ tầng.

Myanmar cần phải giải quyết tốt cả vấn đề ổn định tỷ giá đồng tiền. Trên thị trường chính thức, 1USD đổi 6 kyat của Myanmar. Thế nhưng trên thị trường chợ đen, tỷ giá biến động quanh mức khoảng 750 kyat và những năm gần đây có lúc lên mức 1.250 kyat. Chỉ bằng cách quản lý ngành tài chính hiệu quả, Myanmar mới có thể tự do hóa được đồng tiền và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Theo TTVN

Các tin cũ hơn