Ngân hàng lương "khủng": Nghịch lý "kẻ ăn không hết..."

Thứ tư, 08/02/2012, 14:24
Trong khi hàng chục ngàn doanh nghiệp lao đao phá sản thì các ngân hàng lại đua nhau công bố doanh thu, lợi nhuận khá... hoành tráng, cùng với đó là mức thu nhập “khủng” khiến nhiều ngành khác phát “thèm”.


 

Nghịch lý “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng năm 2011 muốn chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cần phải có “liều thuốc đắng” và chịu đau, chịu đắng nhất của liều thuốc này chính là các doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp gần đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đánh giá năm 2011 là năm khó khăn nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Số doanh nghiệp bi quan về tình hình kinh doanh trong năm vừa qua cũng như năm nay vẫn tăng lên.

Đợt “trị bệnh” cho nền kinh tế vĩ mô bao gồm có những “liều thuốc” kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ khiến rất nhiều doanh nghiệp chịu tác động rất tiêu cực. Ngân hàng Nhà nước đưa ra hạn mức tín dụng, khiến các ngân hàng không thể mạnh tay cho các doanh nghiệp vay như trước. Trong khi nguồn vốn càng hẹp dần thì lãi suất lại bị đẩy cao quá sức chịu đựng.

Ảnh hưởng xấu nhất là nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Đã có tới gần 50 nghìn doanh nghiệp rơi vào khả năng vỡ nợ, phá sản. Bên cạnh đó rất nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cầm cự qua giai đoạn khó khăn.

Trong khi đó, gắn liền với những hoạt động của doanh nghiệp là các ngân hàng thương mại lại thi nhau báo lãi, cũng như mở rộng quy mô. Mức thu nhập “khủng” trên đầu người tại các ngân hàng cho thấy dường như kinh tế càng khó khăn các ngân hàng lớn càng có cơ hội kiếm tiền. Theo thông tin từ Bộ Lao động và TBXH, tiền lương của nhóm doanh nghiệp ngân hàng, tài chính đạt trên 10 triệu đồng/tháng, cao gấp 4,32 lần nhóm doanh nghiệp không có lợi thế.

Với kết quả thu thập từ báo cáo của các ngân hàng mới đây cho thấy, trong số 19 ngân hàng, có 7 ngân hàng có mức thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng. Vietinbank là một trong những ngân hàng có thu nhập năm 2010 cao nhất -18,5 triệu đồng/người/tháng. Tính riêng thưởng Tết năm 2010 được tiết lộ với mức cao ngất ngưởng gần 100 triệu đồng (mức này vẫn chưa phải là cao nhất trong hệ thống của vietinbank bởi còn tùy thuộc vào vị trí công việc và số năm công tác). Vietcombank có mức lương gần 17 triệu đồng/người/tháng.

Số lượng nhân viên của nhiều ngân hàng trong năm 2010 vẫn tăng hơn nhiều so với năm trước. Baoviet bank có thu nhập gần 13 triệu đồng/người/tháng, số lượng nhân viên tính đến cuối năm 2010 so với năm trước tăng tới hơn 100%. BIDV thu nhập hơn 11 triệu đồng/người/tháng, số lượng nhân viên cũng tăng tới 13.5% so với năm 2009.

SHB thu nhập bình quân khoảng hơn 10 triệu đồng/người/tháng, số lượng người đầu quân vào hệ thống ngân hàng này cũng tăng mạnh hơn năm cũ tới 50%.

Hiện kết quả hoạt động kinh doanh trong năm 2011 của các ngân hàng chưa được công bố nhiều, nhưng theo báo cáo tài chính riêng lẻ các tháng trong năm 2011 của một số ngân hàng cho thấy hoạt động kinh doanh vẫn khá tốt so với năm cũ.

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay 2011 so với cùng kỳ năm trước của Vietinbank tăng tới 68%. Báo cáo mới nhất của SHB (ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội) mức lợi nhuận sau thuế lũy kế đến cuối quý IV/2011 đạt  trên 735,790 tỷ đồng.

 Vietinbank có mức thu nhập"khủng" nhất 18,5 triệu đồng/người/tháng.

Chi lương cao chưa cần chờ lợi nhuận

Theo báo cáo của NHNN, nợ xấu chung của hệ thống ngân hàng ở mức 3,3% tổng dư nợ, cao hơn so với mức 2,14% vào cuối năm 2010. Tính sơ sơ hiện đã có khoảng gần chục ngân hàng khác có tình trạng nợ xấu gia tăng trong năm 2011 so với năm 2010.

Thông tin mới đây cho thấy Habubank có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 2,39% năm 2010 lên 4,69% năm 2011. Quý 4/2011, lợi nhuận sau thuế ngân hàng mẹ đã để "âm" 41,7 tỉ đồng.

Tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) vũ Thị Hồng cho rằng, để đánh giá hoạt động kinh doanh của một tổ chức tín dụng sau một năm không thể cứ hêt tháng 12 là đánh gía hết được. Các tổ chức tín dụng đều phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro và lãi công bố chỉ thể hiện ở chênh lệch thu chi chứ chưa hẳn thể hiện hết phần lợi nhuận thu về.

Với đặc trưng là tổ chức trung gian nên chắc chắn bị ảnh hưởng và tiềm ẩn những rủi ro từ nợ xấu bất động sản,các doanh nghiệp nên lợi nhuận thực tế không thể cao như công bố ban đầu được. Kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng còn phải chờ thêm một thời gian nữa, khi báo cáo tài chính được chính thức công bố.

 

Theo Vnmedia

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn