Hình thức các nhóm người dùng cùng chung mua hàng qua các mạng
thương mại điện tử, hiện đang trở nên khá phổ biến.
Trả lời phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, bà Đoàn Đỗ Ngọc Thi, trưởng phòng truyền thông và đối ngoại VNG, cho biết nguyên nhân chính là vì chiến lược của VNG sẽ tập trung vào các sản phẩm công nghệ. “Bài học vận hành Zing Deal có thể ứng dụng cho những mô hình mới của VNG, nhất là ở mảng thương mại điện tử – một trong những mảng đầu tư trong những năm tới”.
Có cộng đồng chưa phải là tất cả
Sự chấm dứt của Zing Deal lại đặt ra bài toán về mô hình kinh doanh theo nhóm đang nở rộ trong hơn năm qua đang ra sao. Khi VNG đóng cửa hoặc chuyển đổi một số dịch vụ vốn có cộng đồng lớn hơn như Zing Chat, Zing Search, Zing Movie thì thị trường không mấy quan tâm… trong khi Zing Deal lại trở thành “tâm điểm”? Lý giải đơn giản nhất vẫn là do dịch vụ mua theo nhóm năm qua phát triển rầm rộ và tạo ra một lượng doanh thu lớn, Zing Deal ngay khi ra mắt đã đặt mục tiêu dẫn đầu thị trường và người dùng cũng kỳ vọng vào lợi thế của họ bởi đang sở hữu nhiều mảng dịch vụ web.
Ngay từ đầu VNG đã kỳ vọng tận dụng lượng cộng đồng trên các cổng Zing như nghe nhạc trực tuyến, mạng xã hội, người chơi game… và liên kết chúng phục vụ cho phương thức kinh doanh này, từ các chương trình marketing, trả quyền lợi cho khách hàng bằng chương trình PR, quảng cáo trên trang Zing… Nhưng kết cục của Zing Deal đã cho thấy việc có cộng đồng lớn cũng không dễ thành công trong kinh doanh thương mại điện tử vốn đòi hỏi nhiều yếu tố khác biệt. Những năm qua VNG có vẻ “chênh vênh” ở thị trường này so với các dịch vụ khá thành công khác như game, cộng đồng hay cổng thông tin.
VNG không công bố doanh thu dịch vụ này nhưng cho biết chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nên việc đóng cửa là không bị ảnh hưởng. Theo thống kê của website độc lập về dịch vụ mua hàng theo nhóm tại dealcuatui.com thì năm 2011, zing.deal.vn có doanh số hơn 6,6 tỉ đồng từ 120 deal, xếp thứ 9 nhưng chỉ chiếm 0,99% thị phần. VNG đang làm nhiều thứ và rõ ràng họ đã không tập trung nguồn lực cho mảng dịch vụ này, việc loại bỏ và tập trung vào các mảng lợi thế, có thể cho lợi nhuận nhanh hơn cũng là chuyện hợp lý.
Sắp xếp lại vị trí
Không chỉ zing.deal.vn mà hàng trăm trang web mô hình này sắp tới sẽ từ bỏ thị trường này như là sự sàng lọc tất yếu để có một thị trường bền vững hơn. Người mới sẽ gia nhập cuộc chơi, các công ty nhỏ thiếu chiến lược sẽ bị loại khỏi. Trong kinh doanh mạng thắng thua một cách không chừng, có những dịch vụ dù đơn giản vẫn không phải là cuộc chơi của những công ty lớn. Thực tế cho thấy không phải các công ty có cộng đồng lớn và nguồn lực mạnh là làm thương mại điện tử thành công. Những công ty dẫn đầu thị trường hiện nay như nhommua, hotdeal, cungmua vì ít cộng đồng hơn nên toàn tâm cho dịch vụ này, đã bứt phá nhanh hơn.
Cũng số liệu thống kê của dealcuatui.com cho thấy doanh số toàn thị trường năm 2011 của dịch vụ mua hàng theo nhóm đạt hơn 670 tỉ đồng với hơn 4,6 triệu voucher và 7.600 deal. Top 5 công ty lần lượt là nhommua.com, hotdeal.vn, muachung.vn, cungmua.com và runhau.vn nắm hơn 95% thị phần, trong đó nhommua dẫn đầu 35% và cách biệt xa với công ty có vị trí thứ 5 là runhau.vn (2,07%). Ở bốn công ty dẫn đầu, trung bình đạt trên dưới 100 deal hàng ngày, lúc cao điểm như cuối năm có lúc đạt 200 sản phẩm và dịch vụ hàng ngày.
Theo ông Hồ Quang Khánh, tổng giám đốc công ty cổ phần Cùng Mua, đơn vị sở hữu cungmua.com, thách thức lớn là doanh nghiệp phải đạt được quy mô đủ lớn để giải quyết bài toán kinh doanh. Muốn thế phải có đủ nhân sự, việc điều hành tập trung và hiệu quả để tiết giảm chi phí đến mức thấp nhất. Nhà đầu tư cũng phải trường vốn ít nhất trong 3 – 5 năm, khi thanh khoản tăng lên mới tạo sự cách biệt lớn để đạt hiệu suất cao. Nếu lượng hàng bán hàng ngày lên đến 500 – 1.000 deal doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí nhiều lần. “Việc đạt được ngưỡng trong nhóm dẫn đầu là khó nhưng nếu các công ty đã làm được sẽ giúp tăng trưởng thêm chứ không giảm đi”.
Về việc bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, VNG cho biết, những khách hàng đã mua deal thành công, vẫn sử dụng các dịch vụ bình thường cho đến khi hết hạn theo phiếu mua. Đối với các đối tác, Zing Deal vẫn tiếp tục thanh toán theo đúng cam kết trong hợp đồng. Riêng các khách hàng còn tiền trong ví điện tử Zing Deal, sẽ được hoàn tiền kể từ ngày 9.2 cho đến hết ngày 27.2.
Theo SGTT