Huy động vốn trong dân để tránh "trao" cao tốc Bắc - Nam vào tay nhà thầu Trung Quốc?

Thứ tư, 05/06/2019, 16:40
Huy động vốn trong dân để tránh ‘trao’ cao tốc Bắc - Nam vào tay nhà thầu Trung Quốc?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể sáng 5.6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) gửi câu hỏi về cao tốc Bắc - Nam đến cả Bộ trưởng và Chính phủ.
Theo đại biểu Nghĩa, vừa qua nhiều cử tri, trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế, kỹ thuật của nước ta, rất bức xúc về thông tin chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam.
Cử tri cho rằng, đây là hiểu sai, là do chúng ta xúc tiến chưa tốt. Cử tri đề nghị dự án cao tốc Bắc - Nam phải là công trình tiêu biểu của các thế hệ hiện nay để lại cho con cháu hàng trăm năm sau, do đó, con đường này cần phải là một dự án chất lượng cao, bền vững, bảo đảm các yêu cầu chính trị, kinh tế - xã hội và đặc biệt là bảo đảm về an ninh, quốc phòng.
Nếu có cách làm tốt, công khai, minh bạch, hợp lý thì sẽ huy động được nguồn vốn chủ yếu từ các doanh nghiệp Việt Nam và hàng chục triệu người dân qua phát hành trái phiếu các loại, qua đó giảm gánh nặng nợ công và nợ nước ngoài.
Cử tri còn hỏi rằng, Chính phủ có biện pháp gì bảo đảm không lặp lại những vấn nạn và hệ lụy của việc chọn thầu dựa vào giá rẻ, cuối cùng đội vốn nhiều lần, công nghệ thấp, chất lượng kém, chưa kể các hậu quả khác, nếu lại xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa khuyến nghị nên huy động vốn trong dân để làm cao tốc Bắc - Nam
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết ông rất hoan nghênh ý tưởng của đại biểu, vì hiện nay nguồn lực trong dân, cả vàng và ngoại tệ, đều rất lớn.
“Nếu chúng ta tổ chức được gói tín dụng huy động từ dân thì dự án này sẽ có ý nghĩa một cách toàn diện hơn, chúng ta đỡ phải vay nợ nước ngoài”, Bộ trưởng nói.
Riêng về trách nhiệm, theo ông Thể, hiện chúng ta có đầy đủ cơ quan pháp luật, cơ chế pháp lý để xử lý trách nhiệm, do đó, “cá nhân tổ chức nào vi phạm quy định về đấu thầu và xây dựng cơ bản thì sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện Bộ Giao thông vận tải đã bán được 81 hồ sơ mời thầu 8 dự án thành phần của cao tốc này, với 34 doanh nghiệp (trong đó có 10 doanh nghiệp nước ngoài, 24 doanh nghiệp trong nước) tham gia. Bộ Giao thông vận tải cố gắng khoảng tháng 8 mở thầu để sơ tuyển, tháng 9 sẽ cung cấp cho Quốc hội các nội dung có liên quan đến việc đấu thầu.
Trước đó, báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, nếu quá trình lựa chọn nhà đầu tư “không phát sinh các tình huống phải xử lý”“có sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành liên quan” thì có thể khởi công các dự án PPP này trong tháng 4.2020.
Tuy nhiên, bằng cách dùng từ “không phát sinh tình huống phải xử lý”, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã khéo léo né đi thực tế là các nhà đầu nước ngoài, ngoài Trung Quốc, đang không mặn mà với dự án này.
Báo cáo trước Ủy ban Kinh tế vào tháng 4 năm nay, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, các nhà đầu tư từ các nước phát triển như Pháp, Anh, Mỹ, Nhật… chưa thấy ai tìm hiểu các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam, chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc vào nhiều nhất.
Do đó, ông Nhật khẩn thiết đề nghị Quốc hội phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật PPP, vì hiện nay các văn bản ở tầm nghị định, thông tư kêu gọi nhà đầu tư rất khó khăn. Trao đổi bên lề với phóng viên, một lãnh đạo khác của Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, tuy đang bán hồ sơ mời thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam, nhưng đúng là các nhà đầu tư Nhật Bản đã “chạy” hết, các nhà đầu tư G7 cũng vậy.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích