Hạn chế của cầu thủ Việt Nam

Thứ hai, 20/10/2014, 11:36
Chiều cao và thể hình của bóng đá Đông Nam Á luôn là điểm yếu rất lớn trong việc phát triển nền tảng và hội nhập với khu vực.

Đấy là một trong những nguyên nhân lớn khiến chưa cầu thủ Đông Nam Á nào thành công ở châu Âu dù được đánh tiếng và tuyển chọn lẫn thử việc không ít.

Ngay cả việc cầu thủ Đông Nam Á bước ra sân chơi châu Á cũng là cả một vấn đề. Biểu đồ dưới được dựa trên con số thống kê cho thấy cầu thủ Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung khi va đập với những nền bóng đá trong khu vực châu Á cũng đã gặp nhiều thua thiệt.

Và để bù lại phần thể lực, thể hình thì yếu tố kỹ thuật đã được chú trọng nhiều nhưng rõ ràng là bấy nhiêu thôi vẫn chưa tạo ra sự phát triển đồng bộ ở môn chơi có tính đối kháng cao này.

Biểu đồ chỉ số trung bình của cầu thủ Việt Nam và cầu thủ các nước. Đồ họa: BB

Những nhà làm bóng đá Việt Nam từng than phiền nghịch lý đó là khi kinh tế, xã hội có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, chiều cao trung bình của người Việt có tăng nhưng thế hệ cầu thủ trẻ thì dường như lại… lùn đi. Con số đấy được chính các bác sĩ bệnh viện dinh dưỡng công bố chỉ số của các cầu thủ U-19 Việt Nam khiến nhiều người giật mình vì quá khiêm tốn.

Nếu so với các cầu thủ cùng khu vực Đông Nam Á thì phải thừa nhận thế hệ U-19 Việt Nam còn “mỏng cơm” hơn những cầu thủ U-19 Myanmar, Thái Lan. Thậm chí cũng có ý kiến đặt ra với công tác tuyển chọn của Arsenal JMG không chú trọng yếu tố hình thể mà chỉ nhắm đến tố chất thông minh, tư duy chơi bóng như cái cách họ từng làm với những cầu thủ châu Phi.

Có một thực tế mà những nhà làm bóng đá Việt Nam thừa nhận là ở những địa phương lớn có điều kiện về dinh dưỡng thì gia đình thường hướng con theo những ngành nghề khác nên công tác tuyển chọn đầu vào rất khó khăn. Ngược lại ở những địa phương hẻo lánh, nghèo thì có con vào đội bóng là cơ hội đổi đời nhưng nghiệt nỗi đa phần các cầu thủ nhí đấy hồi bé đều bị suy dinh dưỡng.

Theo con số thống kê, trong khi chiều cao trung bình ở các nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc sau 10 năm tăng từ 5cm đến 7cm thì ngay ở khu vực Đông Nam Á chiều cao trung bình của Thái Lan, Malaysia, Singapore tăng 3-4cm, còn Việt Nam chỉ tăng có 1cm cũng là số liệu cần tham khảo.

Chuyện tăng trưởng cầu thủ vì thế không phải khi lên năng khiếu hay tham gia học viện thì “vỗ béo” và bồi bổ là cải thiện được ngay mà là phần việc lớn mang tính chiến lược của cả một quốc gia.

Vì thế mà trong điều kiện hiện nay thì cứ tạm hài lòng với phần kỹ thuật của cầu thủ mà chưa thể yên tâm với thể hình, thể lực bởi nó còn là câu chuyện rất rất dài.

Theo Pháp luật TP.HCM

Các tin cũ hơn