Kịch…

Thứ bảy, 24/12/2011, 23:55
Ông Tổng Thư ký VFF Trần Quốc Tuấn bị dư luận chỉ trích, xin từ chức, rồi bất ngờ được ban chấp hành biểu quyết tín nhiệm 100% .

 

Vụng nhất là ở chỗ bản thân người bị chỉ trích và đưa đơn từ chức nếu thật lòng và thật tình muốn từ chức thì không ai có thể níu lại được. Đằng này, ông Tuấn gửi đơn chờ dư luận phản ứng rồi chờ đến phiên họp và mọi người tín nhiệm rồi vui vẻ ở lại. Nên nhớ đây là từ chức vì sức ép, vì cảm thấy không hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải là bầu bán nên tín nhiệm thì ở mà không tín nhiệm thì mới được từ chức.

Ông Tuấn vốn là người của Tổng cục TDTT, trực thuộc Bộ VH-TT&DL, được cấp trên làm công tác tư tưởng nên từ nhiệm, tạm thời về lại giữ ghế vụ trưởng đúng hạn ngạch (phụ trách bóng đá hoặc phát triển thể trạng người Việt Nam). Thế nhưng sau đó ra hội nghị không biết do hào hứng với không khí tín nhiệm 100% nên ông quay ngược 180 độ và ở lại.

Vụng còn ở chỗ thời điểm. Đó là nếu thật lòng muốn từ chức vì kém hay vì sức ép thì ngay sau SEA Games 26, khi mà người hâm mộ bức xúc với thất bại của U-23 Việt Nam thì ông từ chức ngay đi. Đằng này mọi cái đều “núp”, đến sát hội nghị ban chấp hành mới tung chiêu.

Trên sàn diễn hay trên bàn hội nghị? Ảnh: QUANG THẮNG

Những người hiểu về nội tình VFF đã nói rằng họ không lạ với trò mèo này bởi nó có khác gì những bài móc ngoặc hoặc lật kèo trong bóng đá đâu.

Chuyên gia bóng đá Lê Thế Thọ, Phó Chủ tịch Hội đồng HLV Việt Nam, cho biết: “VFF đã sai về nguyên tắc tổ chức hành chính với việc mượn ban chấp hành để bác đơn từ chức tổng thư ký của ông Trần Quốc Tuấn. Chủ tịch VFF chứ không phải thường vụ ban chấp hành, mới là cấp có quyền quyết định bãi hay miễn nhiệm chức danh tổng thư ký. Việc VFF lấy ý kiến của ban chấp hành làm lý do giữ ông Tuấn ở lại chỉ là một biểu hiện bao che cho cấp dưới và trốn tránh trách nhiệm”.

Ông Thọ từng là tổng thư ký và phó chủ tịch VFF đã có những nhận định xác đáng về vai trò cá nhân của Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn tại SEA Games 26: “Ông Tuấn có thể không chịu trách nhiệm chính về chuyên môn trong thất bại ở SEA Games 26.

Nhưng ở cương vị trưởng đoàn, ông Tuấn phải chịu trách nhiệm về công tác chính trị tư tưởng cho các cầu thủ và khi cần có thể tư vấn cho HLV Goetz - một HLV mới đến và đang còn lạ nước lạ cái với môi trường bóng đá Việt Nam để ông này có những quyết sách hợp lý hơn. Những sai sót vừa nêu chứng tỏ VFF đã có nước đi quá vụng về trong câu chuyện giữ ông Trần Quốc Tuấn ở lại chiếc ghế tổng thư ký, định lấy ý kiến số đông để né tránh trách nhiệm cá nhân. Điều mà VFF vẫn dùng để đối phó với dư luận…”.

Cuối cùng, VFF lấy HLV trưởng Falko Goetz làm “chốt thí”. Việc sa thải vị HLV người Đức dư luận không phản bác nhưng cách sa thải lại tạo mối hoài nghi về lập trường của VFF trong việc đánh giá. Mới tháng trước, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã lên tiếng bênh vực ông Goetz: “Nên cho ông ta thêm thời gian”; “Ông ấy mới nắm đội U-23 vài tháng nên còn lạ nước, lạ cái”; “Ông Goetz là HLV có tài, có thực lực”…

Rồi đùng một cái, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã nhận định ngược lại: “Căn cứ vào các phân tích, đánh giá và kiểm điểm xoay quanh thất bại của đội U-23 Việt Nam tại SEA Games 26, quan điểm của ban chấp hành là trách nhiệm chính thuộc về HLV trưởng Falko Goetz” (!?).

Cả câu chuyện tại hội nghị Ban chấp hành VFF không khác gì một màn kịch, có kịch bản và đạo diễn nhưng đáng tiếc là nó quá… vụng về.

Và chắc chắn nó còn những tập sau nữa.

Theo Phapluattp.

 

 

Các tin cũ hơn