Ông bầu phố núi vốn giỏi kinh doanh nhưng hễ cứ “lao” vào phát biểu ở bóng đá là lại quên mất rằng phải phát biểu sao cho thật kín kẽ mà bằng chứng là ông luôn có những phát ngôn như người ngoài cuộc, dù rằng hiện tại ông Đức đang là đương kim Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF.
Mới đây khi chỉ trích về trọng tài, yêu cầu dẹp trọng tài để giải quyết vấn đề cốt lõi của bóng đá Việt Nam, ông Đức cũng quên mất rằng ông từng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mời đến làm việc vì "mừng tuổi" trọng tài.
Bầu Đức thuộc nhóm doanh nhân tiên phong đổ tiền vào bóng đá và những gì mà ông Đức làm được cho bóng đá Việt Nam là đáng để ghi nhận nhưng cũng chính bầu Đức và nhóm người bạn doanh nhân ấy đã góp phần “thổi” luồng gió của cơ chế thị trường vào bóng đá, đẩy lên một loạt giá trị ảo và cuối cùng là V.League phát triển phi mã nhưng chỉ là bong bóng xà phòng.
Trước đây HAGL từng là mảnh đất màu mỡ không chỉ của giới cầu thủ mà còn của giới trọng tài và câu chuyện bầu Đức “mừng tuổi” các trọng tài, có lẽ không phải là hiếm. Thế nên trọng tài hư là do ai?
Bầu Đức từng nhiều lần muốn thay thế người đứng đầu Ban trọng tài VFF nhưng số người ủng hộ ông trong ban chấp hành VFF rất ít. |
Nếu không phải là các đội bóng? Nếu các đội bóng trước đây không lót tay cho các trọng tài, không chăm bẵm các trọng tài thì có lẽ một số trọng tài đã không sa ngã.
Và trong nội bộ V.League vẫn râm ran câu chuyện đội nào, đội nào chơi đẹp với trọng tài và được trọng tài hay nâng đỡ và mùa nào cũng vậy những nghi án này cứ nối tiếp làm cho nỗi nghi ngờ về các trọng tài ngày càng tăng cao, dài như một cuốn tiểu thuyết không có hồi kết. Tuy nhiên nói đi thì phải nói lại, trọng tài sa ngã cũng do bản lĩnh của họ chưa đủ để “đạn” bắn không thủng!
Thế nên muốn dẹp trọng tài để cho bóng đá Việt Nam phát triển thì trước tiên các đội bóng phải thay đổi, bởi chính họ là nhân tố cấu thành quan trọng nên một giải đấu, chứ không phải ai khác.
Có lẽ đã rút được kinh nghiệm đau xót từ bài học của chính mình nên trong những năm gần đây, bầu Đức đã chủ trương xây dựng một đội bóng sạch và đẹp. Phải chăng vì thế bầu Đức mới mạnh miệng phát biểu mà quên mất một phần của quá khứ đã từng góp phần làm cho các trọng tài “hư”.
Thôi thì dẫu sao bầu Đức cũng đã biết sai và biết sửa. Và nếu các đội bóng khác cũng đều thay đổi, biết xây dựng một CLB theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng của đạo đức và văn hóa như thế, thì tương lai bóng đá Việt Nam sẽ khác.
Tất nhiên phát biểu của bầu Đức cũng đúng một phần bởi có một thực tế phải thừa nhận là trong thời gian qua, có một bộ phân trọng tài chưa đáp ứng được chuyên môn nên để xảy ra tình trạng sai sót khiến dư luận bức xúc.
Cải thiện chất lượng trọng tài là cần thiết nhưng điều đó chưa đủ cho một V.League còn quá nhiều khiếm khuyết. |
Nhưng như lời phân tích của Cựu Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông VFF Nguyễn Lân Trung thì không thể vì thế mà cứ đổ hết lỗi trọng tài là căn nguyên của mọi điều tiêu cực khiến bóng đá Việt Nam không thể phát triển. Một giải đấu tốt đâu chỉ cần mỗi trọng tài tốt là đủ, để bóng đá Việt Nam phát triển cần giải quyết rất nhiều vấn đề, từ việc nâng cao đạo đức sân cỏ cho các cầu thủ, đến khâu đào tạo trẻ, rồi chuyện cổ vũ chuyên nghiệp... và rất nhiều vấn đề liên quan khác.
“Tôi ví dụ, trong thời gian qua, nhiều cầu thủ, nhiều đội bóng có cách phản ứng trọng tài thái quá và thiếu sự tôn trọng khán giả. Họ lấy lý do vì trọng tài sai nên họ phản ứng, như vậy là không đúng. Ở môi trường bóng đá phát triển, các đội bóng thường rất tôn trọng và tuân thủ các quyết định của trọng tài, tôn trọng người hâm mộ chứ hiếm khi có những hành vi phản ứng khó có thể chấp nhận”, ông Trung phân tích.
Thế nên “dẹp” trọng tài chưa thể xong. Nếu muốn bóng đá Việt Nam phát triển thì mọi yếu tố cấu thành nên nó đều cùng phải thay đổi, đều phải phát triển dựa trên nền tảng vững chắc là văn hóa và đạo đức. Và vì thế mọi việc sẽ chỉ đang bắt đầu từ ngày hôm nay…
Theo Zing