|
Trong giai đoạn 1996 – 2000, ĐT Pháp sở hữu một hàng phòng ngự thuộc hàng xuất sắc nhất lịch sử. Bộ tứ Lilian Thuram, Laurent Blanc, Marcel Desailly, Bixente Lizarazu được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp Les Bleus đăng quang tại World Cup 1998 và EURO 2000. Sau gần 2 thập kỷ, đoàn quân của Deschamps có thể lên ngôi ở nước Nga bằng một bộ tứ vệ tài năng không kém.
BỘ TỨ SIÊU ĐẲNG
Thuram, Blanc, Desailly và Lizarazu đều xứng đáng được gọi là huyền thoại không chỉ của bóng đá Pháp. Khi họ kết hợp với nhau, đó đơn giản là một hàng phòng ngự không thể đánh bại. 4 con người với xuất phát điểm khác nhau: một người gốc Guadeloupe (Thuram – sinh năm 1972), một người gốc Ghana (Desailly – 1968), một người Pháp chính hiệu (Blanc – 1965), một người gốc xứ Basque (Lizarazu – 1969) đã tạo nên một tấm lá chắn thép đáng mơ ước mà bất cứ đội bóng nào cũng muốn sở hữu.
Trong giai đoạn từ 19/6/1996 đến 6/9/2000, họ cùng nhau ra sân 28 lần cho ĐT Pháp và Les Bleus bất bại trong các trận đấu đó! Dĩ nhiên không thể bỏ qua tài năng của thủ thành Fabien Barthez và các tiền vệ phòng ngự xuất sắc như Deschamps, Vieira, Petit, Karembeu; nhưng phải nói rằng chính hàng phòng ngự được kết hợp bởi 4 cái tên nói trên mới là nền tảng thành công của Les Bleus, đưa họ lên đỉnh cao của thế giới.
|
ĐT Pháp từng sở hữu "bộ tứ siêu đẳng" ở hàng phòng ngự gồm Blanc, Thuram, Lizarazu và Desailly (ảnh nhỏ |
28 trận bất bại khi “bộ tứ” ra sân cùng nhau, ĐT Pháp chỉ thủng lưới 13 bàn. Đó là các pha lập công của Hristo Stoichkov (Bulgaria) – 1996; Dennis Bergkamp (Hà Lan) – 1997; Davor Suker (Croatia) – 1998; Igor Yanovsky và Aleksander Mostovoi (Nga) – 1998; Karapet Mikaelyan và Armen Shakhgeldyan (Armenia) – 1999; Eyjolfur Sverrisson và Brynjar Gunnarsson (Iceland) – 1999; Hiraoki Morishima (Nhật Bản) – 2000; Gaizka Mendieta (Tây Ban Nha) – 2000; Nuno Gomes (Bồ Đào Nha) – 2000; Marco Delvecchio (Italia) – 2000.
Có hai bàn thắng khác cũng được ghi ở các trận đấu mà bộ tứ cùng nhau ra sân, nhưng ở những thời điểm mà một trong số họ đã bị thay ra, đó là các pha lập công của Nishizawa (Nhật Bản) vào tháng 5/2000 (Leboeuf thay Desailly trước đó) và Michael Owen (Anh) tháng 9/2000 (Leboeuf thay Blanc trước đó).
Trong giai đoạn nói trên, ĐT Pháp để thua 5/58 trận và tất cả những thất bại đó đều đến khi bộ tứ không cùng có mặt.
Tháng 8/1994 đánh dấu lần đầu tiên mà 4 cầu thủ này cùng xuất hiện trong một trận đấu của Les Bleus. Đó là trận gặp CH Czech ở Bordeaux. Thuram ra sân trong sơ đồ 3 hậu vệ cùng Blanc và N’Gotty, trong khi Desailly chơi ở vị trí tiền vệ trụ. Lizarazu chỉ vào sân trong hiệp 2.
Phải mất hai năm để “bộ tứ siêu đẳng” thực sự được tạo ra. Đầu năm 1996, trong trận đấu với Đức, HLV Aime Jacquet sử dụng bộ tứ hậu vệ gồm Thuram, Desailly, Blanc, Eric Di Meco. Di Meco được thay ở phút 66, bởi Lizarazu. Đây là lần đầu tiên 4 cầu thủ này chơi cùng nhau.
|
Trong trận đầu tiên của EURO 1996 đá với Romania, Di Meco vẫn được trọng dụng ở vị trí hậu vệ trái trước khi Lizarazu vào thay người ở phút 68. Đến trận thứ 2 gặp Tây Ban Nha, Lizarazu chiếm chỗ Di Meco nhưng Thuram lại phải ngồi dự bị cho Angloma. Phải đến trận thứ 3 gặp Bulgaria, “bộ tứ” mới chính thức có lần đầu tiên cùng có tên trong đội hình xuất phát.
Kể từ thời điểm đó, không ai có thể chen chân vào hàng phòng ngự ĐT Pháp trừ khi có biến cố đặc biệt. Trận chung kết World Cup 1998 là một biến cố như thế khi Blanc nhận thẻ đỏ trong trận bán kết với Croatia. Leboeuf là người thay thế để đá cặp với Desailly (người cũng bị truất quyền thi đấu trong trận chung kết).
Blanc từ giã đội tuyển tháng 9/2000. Desailly và Lizarazu chia tay Les Bleus sau EURO 2004. Người cuối cùng của “bộ tứ” là Lilian Thuram chấm dứt sự nghiệp quốc tế sau World Cup 2006. Cả 4 người đều có tên trong danh sách những cầu thủ khoác áo ĐT Pháp nhiều lần nhất: Thuram ở vị trí số 1 (142 trận), Desailly ở vị trí số 3 (116 trận), còn Blanc và Lizarazu đồng hạng 8 (97 trận).
Đội tuyển Anh đã lần đầu tiên vào bán kết 1 kỳ World Cup sau 28 năm mòn mỏi chờ đợi. Góp công không nhỏ...
NHỮNG HẬU DUỆ TÀI BA
Bóng đá Pháp sau thời “bộ tứ” không thiếu những hậu vệ tài ba. Sagnol, Sagna, Gallas, Abidal, Evra, Clichy, Koscielny… đều là những cái tên đình đám, tuy nhiên sự kết hợp giữa họ lại không tạo ra một lá chắn thép như những đàn anh huyền thoại.
Trước World Cup 2018, không nhiều người đánh giá cao hàng thủ ĐT Pháp như tuyến giữa và hàng công của họ. Deschamps có cặp trung vệ tốt khi Varane và Umtiti đã có chỗ đứng vững chắc ở Real Madrid và Barcelona, nhưng ở hai bên cánh, những lựa chọn tốt nhất là Sidibe và Mendy lại gặp vấn đề về thể lực.
HLV của Les Bleus buộc phải sử dụng Benjamin Pavard và Lucas Hernandez, những cầu thủ còn rất trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm ở đấu trường quốc tế. Nhưng sự lựa chọn có phần khiên cưỡng này vô tình đã tạo nên một bộ tứ hậu vệ mang hình ảnh của những huyền thoại cách đây gần 2 thập kỷ.
|
Tại World Cup 2018, Les Bleus đã trình diễn 1 bộ tứ mới tài năng không kém gồm Pavard, Varane, Umtiti và Lucas Hernandez |
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. 20 năm trước, bộ tứ vệ của ĐT Pháp bước vào World Cup trên sân nhà khi đều đã ở độ chín với kinh nghiệm dày dạn và bản lĩnh thi đấu được rèn luyện qua nhiều năm tháng chơi bóng đỉnh cao. Trong khi đó hàng phòng ngự của Les Bleus năm nay gồm 2 cầu thủ sinh năm 1993 và 2 cầu thủ sinh năm 1996, sự non nớt là không thể tránh khỏi.
Nhưng giữa hai thế hệ có nhiều điểm chung kỳ lạ. Bên cánh phải, Pavard và Thuram đều là những hậu vệ toàn năng. Pavard cả mùa giải vừa rồi đá trung vệ ở Stuttgart nhưng lại chơi cực kỳ ấn tượng ở hành lang cánh tại World Cup. Thuram trước đây cũng vậy, không ai dám chắc rằng ông đá trung vệ hay hậu vệ cánh tốt hơn (ở EURO 2004 và World Cup 2006, Thuram đều chơi trung vệ).
Bên cánh trái, Lucas Hernandez và Bixente Lizarazu không chỉ giống nhau ở sự nhanh nhẹn, linh hoạt. Lizarazu người gốc xứ Basque, là cầu thủ quốc tịch Pháp đầu tiên chơi cho Bilbao. Lucas Hernandez thì sang Tây Ban Nha từ năm 4 tuổi và vào lò đào tạo Atletico năm 11 tuổi, anh thậm chí nói tiếng Tây Ban Nha còn lưu loát hơn tiếng Pháp.
Cặp trung vệ Varane và Umtiti cũng rất giống Blanc và Desailly. Varane và Blanc đều cao lớn, thể hình lý tưởng nhưng sở hữu lối đá điềm tĩnh, tỉnh táo cùng khả năng đọc tình huống và chọn vị trí cực tốt. Umtiti, gốc Cameroon lại giống Desailly, gốc Ghana ở sự dũng mãnh, nhanh nhẹn và những cú tắc bóng rất quyết đoán.
|
Họ đang trên đường tái lập lịch sử như các bậc đàn anh |
Hai “bộ tứ” còn giống nhau ở khả năng tỏa sáng khi đội bóng cần. Năm 1998, khi Guivarch và Dugarry gây thất vọng ở vị trí trung phong, những hậu vệ Pháp đã làm thay công việc ghi bàn của họ. Blanc ghi bàn thắng vàng giúp Les Bleus vượt qua Paraguay ở vòng 1/8, còn Lilian Thuram lập cú đúp trong trận bán kết với Croatia.
Thế hệ năm nay còn làm tốt hơn thế. Pavard lập một siêu phẩm trong trận đấu với Argentina, Varane là người phá vỡ thế bế tắc trước Uruguay còn Umtiti là người ghi bàn thắng duy nhất trận gặp Bỉ. Họ thậm chí còn làm tốt hơn Olivier Giroud, trung phong của ĐT Pháp ở giải lần này.
Nếu Les Bleus đăng quang năm nay; Pavard, Varane, Umtiti, Lucas Hernandez sẽ trở thành một “bộ tứ siêu đẳng” mới của bóng đá Pháp. Ở độ tuổi của mình, họ còn có thể sát cánh bên nhau một khoảng thời gian lâu hơn những bậc tiền bối của mình rất nhiều.
Theo bongdacuocsong