Cựu thủ môn Nguyễn Thế Anh: 'Tôi muốn trả ơn bóng đá'

Thứ ba, 07/07/2020, 12:59
Công việc kinh doanh giúp Nguyễn Thế Anh - hiện tại là HLV thủ môn của các ĐTQG Việt Nam - không còn phải nặng gánh lo kinh tế, nhưng anh luôn canh cánh trong lòng "món nợ" với bóng đá.

- Là gương mặt quen thuộc trong giới thủ môn Việt Nam khoảng 15 năm trước, lại đang là trợ lý cho HLV Park Hang Seo, nhưng anh chỉ bắt đầu theo nghiệp bóng đá khi đã 17 tuổi. Tại sao anh lại "khởi nghiệp" muộn như thế?

- Tôi mê bóng đá từ nhỏ. Mới 5, 6 tuổi đã biết ngồi trước TV đen trắng xem bóng đá rồi. Ngày ấy tôi thần tượng Maradona và cứ nhớ mãi trận chung kết World Cup 1990 khi Argentina thua Đức. Có điều, tôi cũng không xác định mình sẽ theo con đường chuyên nghiệp mà cứ đá ở đội phường, đội lớp cho vui thôi. Sức học của tôi ngày ấy khá lắm, bố mẹ làm cán bộ, nhà lại có mỗi tôi là con trai, nên gia đình muốn tôi học lên đại học như các chị. Ngày bé đi đá giải, có vài lần lò SLNA cũng mời về tập thử, nhưng tôi không đi.

Lên trung học, tôi thi đỗ vào trường Huỳnh Thúc Kháng, một trường cũng có tiếng ở Vinh, Nghệ An. Tôi vẫn chăm chỉ học hành và thỉnh thoảng đi đá bóng với bạn cho khỏe người thôi. Tình cờ đến hè lớp 11, tôi đi theo bạn bè xuống thi tuyển ở lò Quân khu 4. Tôi đi theo kiểu cho vui, nhưng không ngờ lại trúng tuyển. Về báo cáo phụ huynh, tôi cũng lo lắm, nhưng may mà bố mẹ chiều ý, bảo thôi cũng được, vào môi trường quân đội để rèn luyện cho chững chạc lên.

- Ngã rẽ nào khiến anh gắn liền với khung gỗ?

- Ban đầu tôi vào đội để đá tiền đạo. Nhưng tình cờ đến một buổi tập, hai thủ môn chính bận đi đá giải toàn quân, thủ môn còn lại thì chấn thương. Thế là HLV bảo tôi xỏ găng vào bắt. Các thầy thấy tôi bắt được, nên bảo xuống thử tập thủ môn thêm xem thế nào. Mà ngày đó cũng không có HLV thủ môn đâu. Tôi chủ yếu tự tập rồi xem băng, hoặc có CLB nào về tập ở sân Quân khu 4 thì ra ngồi xem để học theo.

Rồi có vài đội hỏi mượn tôi để đá giải trẻ. Cả Thể Công, Công an Hà Nội đều hỏi, nhưng tôi chọn SLNA. Năm 1999, tôi vô địch ở giải U18 quốc gia. Năm 2000 dự giải U21 quốc gia, tôi vô địch tiếp, được bầu chọn là thủ môn hay nhất giải, và được gọi lên U23 Việt Nam nữa. Nhưng thực tình, lúc đó tôi bắt mà không hề có kỹ thuật cơ bản. Chỉ đến khi lên tuyển, tôi mới được bố Khánh - cựu thủ môn Trần Văn Khánh - rèn và sửa cho rất nhiều. Rồi cứ thế, qua mỗi lần lên tuyển học với các thủ môn kỳ cựu khác nhau, tôi lại trau dồi được những kỹ năng khác nhau cho bản thân.

Tôi may mắn được bố Khánh rèn cơ bản, chú Dương Ngọc Hùng rèn sức bật, phản xạ nhanh, còn thầy Nguyễn Văn Hùng rèn khả năng ra vào, phán đoán tình huống. Ba người thầy đó giúp tôi rất nhiều trong tư duy chơi bóng. Ở CLB, chỉ có người hỗ trợ thôi, chứ HLV thủ môn hay các bài tập chi tiết thì không có.

Một kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi là sau khi vô địch U21 quốc gia năm 2000, đến đầu năm 2001, một nhóm khoảng hơn 20 cầu thủ hay nhất của giải đó được bầu Thắng đài thọ cho sang Argentina tập huấn hai tuần. Tôi, Minh Phương, Tài Em, Huy Hoàng... đều đi chuyến đó. Sang đấy, tôi lại được ở đúng trung tâm mà trước kia Maradona từng tập luyện, cách thủ đô Buenos Aires chừng 15, 20 phút lái xe. Bên cạnh tập luyện và đá giao hữu, chúng tôi còn được đi xem vài trận ở giải VĐQG Argentina. Tôi ngồi xem thấy thích lắm, đặc biệt khi thấy thủ môn phát kiểu nghiêng người chém bóng phát động tấn công thì mê không tả nổi. Thích quá nên tôi cố xem và học theo cho bằng được.

- Từ trải nghiệm cá nhân, anh lên tuyển khi còn chưa hoàn thiện cơ bản. Để chỉnh sửa được những lỗi sai đó, anh cần bao nhiêu thời gian?

- Khi được lên đội U23 Việt Nam năm 2000, tôi được tập với bố Khánh, và thực sự gặp nhiều khó khăn vì phải sửa lại các động tác kỹ thuật cơ bản nhiều. Đó cũng là điều cực kỳ may mắn cho tôi, vì bố Khánh là thủ môn huyền thoại rồi, kỹ thuật cơ bản cực tốt. Tôi được bố Khánh chỉ bảo, rồi về cứ rèn giũa thêm thôi. Mất khoảng sáu tháng thì tôi sửa được những lỗi cơ bản. Chủ yếu vì ở tuổi 19, 20 mình còn trẻ, mới đi bắt được cỡ ba năm thôi, nên cơ bản là còn sửa được.

Nhưng lên tuyển trẻ là một chuyện, được bắt chính ở CLB hay không lại là chuyện khác. Mùa 2000-2001, SLNA vô địch V-League, nhưng tôi chỉ là thủ môn số 3, dự bị cho các anh Võ Văn Hạnh và Nguyễn Đức Thắng. Năm sau tôi ra bắt cho Hà Nội ACB theo dạng cho mượn và giúp đội lên hạng. Cũng năm ấy, HLV Henrique Calisto lại dẫn Đồng Tâm Long An ở hạng Nhất, nên ông có dịp quan sát tôi khi hai đội đối đầu. Tất nhiên, cũng có sự tư vấn của Liên đoàn, nên sau đó, tôi được gọi đi dự Tiger Cup 2002 cùng tuyển Việt Nam, dù chỉ bắt ở hạng Nhất thôi.

Thực ra, với các cầu thủ trẻ, qua một giải đấu lớn, ai cũng sẽ trưởng thành hơn nhiều. U23 Việt Nam vào giải với kỳ vọng lớn lao, nhận được rất nhiều sự quan tâm. Bóng đá có thắng có thua, không ai muốn thua cả, nhưng vượt qua được một giải đấu như thế giống như một cú huých, một bước tiến trong sự nghiệp của mình. Như SEA Games 30 vừa rồi cũng thế. Dù vẫn có những sai sót, qua một giải đấu trẻ các cầu thủ thu lại được rất nhiều kinh nghiệm cho mình.

- Nói đến sai sót, bàn thua ở trận bán kết SEA Games 22 trước Malaysia do lỗi của anh đến giờ thỉnh thoảng vẫn được nhắc lại như một "thảm họa". Điều gì đã xảy ra ở tình huống đó?

- Nếu xem lại cả 90 phút, người ta sẽ hiểu vì sao lại có tình huống diễn ra bàn thua. Hôm đó, trời mưa và gió rất lớn. Thủ môn Malaysia khi được ở bên lợi gió luôn chủ động phát bóng dài. Tôi bắt bài bằng cách băng ra đón lõng, chờ bóng đập đất nảy lên để chụp luôn.

Đến pha để thua, tôi không nghĩ thủ môn bên kia lại phát được mạnh thế, cộng với sức gió đẩy bóng đi rất xa, đến sát vạch 16m50 luôn làm bóng nảy qua quá cả điểm dự tính, qua đầu tôi vào đi vào lưới. Nếu xem cả trận, mọi người sẽ thấy rất rõ ở nhiều tình huống trước đó, tôi đều lao ra đón như thế và bắt được.

- Đấy có lẽ là vấn đề lớn nhất mà các thủ môn gặp phải: Dù bao nhiêu lần đúng không ai nhớ nhưng chỉ cần sai một lần thì dư luận mãi không quên. Anh nghĩ sao về việc này?

- Áp lực của thủ môn như thế nào thì ai xem bóng đá cũng đều hiểu cả. Nhưng thi đấu, lúc nào tôi cũng thích phải có chút áp lực. Ra sân, không cần biết sân nhà sân khách, nhưng nhìn các khán đài chật kín là tôi thích. Càng đông khán giả, tôi càng thấy tự tin hơn. Bản thân tôi cũng không phải rèn luyện quá nhiều và rất ít khi bị tâm lý. Mà muốn thành một thủ môn giỏi, đầu tiên phải vững tâm lý trước đã. Thủ môn phải kiểm soát, nắm bắt được những gì diễn ra trên sân, giữ cho mình sự tập trung. Chuyên môn có thể tập luyện, rèn giũa thêm, còn về bản lĩnh, tôi nghĩ đó là tố chất sẵn có trong người rồi.

- Trở về sau SEA Games 22, anh rời SLNA để đầu quân cho Ngân Hàng Đông Á. Nhưng sau hai năm, đội bóng này lại vướng vào những lùm xùm và giải thể. Đã bao giờ, anh hối hận vì quyết định này?

- Tôi vốn là người của lò Quân khu 4 và được SLNA lấy về. Giữa tôi và SLNA chỉ là hợp đồng lao động ký từng năm thôi, chứ không phải hợp đồng đào tạo. Vì thế, chuyện tôi rời đi cũng không có vấn đề gì cả. Nếu tôi có đi theo dạng cầu thủ tự do, SLNA cũng không cản được tôi. Về luật là như thế, nhưng tôi luôn nghĩ có SLNA thì mới có mình, nên bảo phía CLB Ngân Hàng Đông Á rằng nếu thực sự muốn có tôi, họ hãy làm việc với SLNA. Khi tôi rời đi, SLNA cũng nhận được một khoản không nhỏ, và tôi thấy vui vui vì điều đó.

Còn với Ngân Hàng Đông Á, thực ra ban đầu tôi rất thích ra Bắc thi đấu, nhưng làm việc với chú Vũ Tiến Thành, chú bảo một đội bóng mới gây dựng cũng có cái hay. Thấy có cơ hội nên tôi nhận lời.

Ban đầu, lãnh đạo nói sẽ xây dựng đội bóng với bộ khung gồm những ngoại binh giỏi của Thái Lan, cộng với dàn cầu thủ cũ. Nhưng vào rồi, tôi mới thấy bóng đá không phải đơn giản mà có rất nhiều vấn đề. Năm đầu tiên của tôi ở đó thực sự khá vất vả, còn đội thì xuống hạng.

Năm sau, lãnh đạo mới làm một cuộc thanh lọc toàn bộ, đưa HLV Nguyễn Thành Vinh về. Lúc ấy Bình Dương liên hệ mời tôi về với họ, nhưng khi chú Vinh vào, chú nói muốn gây dựng lại đội với nòng cốt từ những người như tôi. Nếu tôi mà đi nữa thì thiệt thòi cho CLB. Vì thế, tôi từ chối Bình Dương, và hứa rằng, nếu sau này tôi có đi thì họ sẽ là lựa chọn đầu tiên.

Mùa ấy, Ngân Hàng Đông Á thăng hạng nhưng lại vướng vào lùm xùm trọng tài. Nhiều lãnh đạo đội bị tạm giam điều tra, còn đội bóng thì chuyển giao, coi như giải thể. Nhưng Chủ tịch Đặng Phước Dừa vẫn đối xử rất tốt với chúng tôi. Đội bóng có lùm xùm như thế, nhưng mọi chế độ vẫn giải quyết hết cho anh em. Lương, thưởng, kể cả tiền thưởng lên hạng như đã hứa trước đó, chú Dừa đều giữ lời, chi đủ cả.

Đến lúc ấy Bình Dương lại liên hệ. Tôi lên gặp chú Dừa, hỏi ý kiến xem chú có tính phát triển bóng đá nữa không hay phương hướng tương lai của đội mình như thế nào? Chú bảo: "Nếu Bình Dương mời, con nên về đó, chú sẽ duyệt cho". Bắt ở Bình Dương gần sáu mùa, tôi hai lần vô địch V-League và vào bán kết AFC Cup 2009. Sau đó, khi về Navibank Sài Gòn, tôi có thêm một Cup Quốc gia. Nói chung, nhìn lại sự nghiệp, tôi cũng có nhiều thứ để hài lòng.

Thế Anh (trái) từng cùng Bình Dương thống trị V-League hai mùa giải. Ảnh: Đức Đồng.

- Vốn liếng từ đá bóng giúp anh kinh doanh thành công. Anh nghĩ sao khi trong nghề hay gọi anh là "tỷ phú đi đá bóng"?

- Mọi người nhiều khi hay nói quá lên thế. Ít hay nhiều, ai cũng đều có tài sản tích lũy cả thôi. Người nào có năng lực thì thu nhập tốt hơn một chút, cộng với việc biết giữ gìn, sử dụng đồng vốn mình có để nhân đồng tiền đó nhân lên, sinh lời thì sẽ có một chút tài sản, tích lũy cho tương lai. Tôi là kiểu như thế. Còn tất nhiên dù làm cầu thủ hay nghề nào khác, mỗi người một cách chi tiêu. Có người tiêu pha, sử dụng đồng tiền quá tay thì khi giải nghệ lưng vốn không có nhiều, gần như phải làm lại. Cuộc sống là vậy. Mỗi người có một hướng đi riêng, không ai giống ai cả.

- Không ít cầu thủ từng đánh mất mình khi có trong tay những khoản lót tay, lương thưởng khổng lồ. Còn với anh, ai đã định hướng cho anh về việc dùng thu nhập từ bóng đá để kinh doanh không?

- Bố mẹ đều là công nhân viên chức cả, nên cũng không định hướng gì, tôi thích thì tôi làm thôi. Tự bản thân mình nhận thấy việc đó có lợi cho tương lai, nên tôi bắt tay vào.

Mỗi lần ra nước ngoài thi đấu, tôi cũng hay tìm tòi, thấy cái này cái kia hay hay, giá lại rẻ hơn ở trong nước, thì thử lấy một ít về bán xem sao. Như đợt sang Singapore, thấy sân cỏ nhân tạo khá ổn, mình mới tự hỏi tại sao mình không thử về làm cái này? Việt Nam khi ấy cũng có nhưng sân cỏ nhân tạo cho thuê ít lắm. Thế là tôi bắt tay vào làm, mở sân cỏ nhân tạo cho thuê ở Bình Dương, rồi Vinh. Việc kinh doanh sân bóng cũng không ảnh hưởng gì đến chuyện tập luyện thi đấu vì sau khi bỏ ra một khoản ban đầu để gây dựng, tôi thuê người làm và quản lý từ xa thôi.

Tính tôi không tham, có bao nhiêu tiền thì làm chứ không bao giờ vay ngân hàng để làm. Làm sân cỏ nhân tạo chừng năm, bảy năm, thấy thị trường bão hòa rồi thì thôi, chuyển hướng sang làm cái khác. Giờ tôi kinh doanh bất động sản cùng một số anh em, nghiên cứu thăm dò thị trường, cảm thấy hợp lý thì bán, chứ cũng không tham mà ôm nhiều làm gì.

Thế Anh sớm yên bề gia thất và chịu khó đầu tư kinh doanh ngay từ lúc còn thi đấu.

- Đam mê kinh doanh là thế nhưng cuối cùng anh vẫn chọn con đường huấn luyện sau khi giải nghệ. Anh xây dựng lộ trình nào cho công việc chuyên môn trong tương lai?

- Tính tôi thích cập nhật những cái mới. Năm 2006, lúc còn ở đỉnh cao phong độ, tôi đã bắt đầu đăng ký học đại học rồi. Tôi cứ đi đi về về giữa Bình Dương và TP HCM để học ở Trường TDTT tại Thủ Đức. Nếu phải nợ điểm, đến hết giải, tôi lại trả. Từ lúc còn đang thi đấu, tôi đã vạch ra lộ trình của mình rồi. Học đại học bốn năm, rồi sau đó tiếp tục học dần lên để lấy các bằng HLV. Cứ hết giải là tôi đi học, xong bằng A HLV, thì học tiếp các lớp level về thủ môn của FIFA.

Trước SEA Games 30 có vài đội ở V-League liên hệ, nhưng tôi đã tính kế hoạch cho mình trong năm 2020 là phải đi học. Ngoài việc huấn luyện, tôi còn hướng đến việc làm giảng viên thủ môn của AFC. Có những lần đi hội thảo, tôi gặp các giảng viên từ nhiều nước, còn Việt Nam chỉ có một mình tôi đi. Tôi tự hỏi vì sao một số nước bóng đá không thực sự mạnh, nhưng vẫn có những giảng viên tốt, còn nước mình thì lại không có?

Nhưng cái khó nhất để làm được giảng viên của AFC là ngoại ngữ phải tốt, như thế mới đi dạy ở các nước châu Á được. Ngoại ngữ là điều khó nhất, còn về chuyên môn thì tôi không ngại, vấn đề là phải quyết tâm. Vì thế, sau SEA Games 30, tôi sắp xếp để quay lại Philippines học tiếng Anh, nhưng không may gặp đúng đợt dịch Covid-19. Học được hơn một tháng, mọi thứ đều bị tạm dừng, chẳng đi đâu được, chỉ ở trong phòng. Đến ngày về cũng bị kẹt lại hơn 20 ngày. Nhưng ở đó hơn ba tháng cũng giúp tôi biết nhiều thứ. Tất nhiên trong một thời gian ngắn, tiến bộ chỉ một phần nhỏ thôi, vì học là chuyện cả đời.

- Anh bảo không muốn về làm việc tại CLB vì cần thời gian học tập. Vì sao năm 2016, anh lại nhận làm HLV thủ môn cho U16 Việt Nam và rồi sau đó là các lứa U18, U20, U22?

- Sau khi giải nghệ năm 2015, tôi chưa nhận lời làm ở bất kỳ CLB nào cả. Đá bóng bao năm trời, đi xa quá nhiều rồi, nên tôi cũng muốn dành thời gian cho gia đình. Ngày ấy học xong bằng A HLV và level 2 giảng viên thủ môn, tôi tự nhủ "Thôi tạm cất bằng ở đó đã, ba năm sau sẽ quay lại với bóng đá".

Nhưng đầu năm 2016, phòng đội tuyển của LĐBĐ Việt Nam (VFF) gọi tôi. Chú Dương Nghiệp Khôi bảo VFF đang thiếu HLV thủ môn cho các đội tuyển trẻ, mọi người tìm trong danh sách những người đi học bằng HLV thấy có tôi nên liên hệ mời ra làm ở đội U16 Việt Nam. Tôi mới trao đổi với gia đình, thì bà xã bảo một câu: "CLB thì có thể suy nghĩ, nhưng quốc gia gọi thì anh nên đi".

Thế là tôi ra làm đội U16 rồi dần dần lên U18, U20 và năm vừa rồi thì đến đội U22 Việt Nam. Bao năm tôi chỉ làm cho các cấp tuyển trẻ. Làm việc với các HLV, chuyên gia ở tuyển giúp mình tích lũy được nhiều thứ. Dù chỉ là giải trẻ, đó vẫn là kinh nghiệm quý báu cho mình.

- Làm việc cùng nhiều HLV ở các cấp độ đội tuyển, nội ngoại đủ cả, theo anh đâu là sự khác biệt giữa các HLV Việt Nam và nước ngoài?

- Khác biệt thì tất nhiên rất nhiều. HLV nước ngoài nguyên tắc, làm việc với tính kỷ luật rất cao. Họ đến từ môi trường tiên tiến, bóng đá phát triển hơn mình nên làm việc rất khoa học. Với các HLV nội, nhiều thầy cũng rất tích cực học hỏi theo phong cách nước ngoài, muốn cải thiện mọi thứ để tốt lên, nhưng đôi khi người Việt với nhau vẫn có những yếu tố tình cảm nhất định chi phối, tạo ra sự xuề xòa.

Nhưng không thể phủ nhận cái hay của các HLV trẻ. Bây giờ họ là rất chịu cập nhật. Đó là sự khác biệt so với 10 năm trước. Họ áp dụng công nghệ mới vào cả tập luyện lẫn chỉ đạo chiến thuật. Ví dụ là việc tích cực dùng các công cụ hỗ trợ của máy tính để giảng giải trực quan, dễ hiểu, chứ không phải chỉ cầm sa bàn và nói như hồi xưa.

Từ bốn năm nay, Thế Anh gắn bó với vai trò HLV thủ môn ở các đội tuyển trẻ quốc gia. Ảnh: Đức Đồng.

- Vậy với HLV Park Hang-seo, bên cạnh khả năng chuyên môn, điều anh ấn tượng với ông thầy người Hàn Quốc là gì?

- HLV Park Hang-seo là một nhà tâm lý rất giỏi. Thi đấu trên sân, nếu có lỗi xảy ra, ban huấn luyện chúng tôi không đề cập đến vấn đề đó nhiều nữa vì giải đấu còn diễn ra, cầu thủ vẫn còn phải chơi tiếp nữa. Tất nhiên, bóng đá phải có phân tích, mổ xẻ để sửa lỗi, nhưng phải bỏ lại tâm lý nặng nề ở phía sau thì cầu thủ mới tiến lên trước được.

Từ cả kinh nghiệm bản thân lẫn quan sát cách HLV Park làm việc với cầu thủ, tôi thấy điều quan trọng là chặng đường rất dài ở phía trước của các em. Cầu thủ mắc lỗi chắc chắn phải là người cảm thấy đau khổ nhất. HLV cũng mệt mỏi lắm, suy nghĩ mất ăn mất ngủ, nhưng học trò có khi còn nghĩ nhiều hơn, mệt hơn. Vì thế, HLV phải luôn hướng đến sự thoải mái tâm lý nhất cho cầu thủ của mình. Chơi môn này là phải chấp nhận áp lực, phải có bản lĩnh để không chùn bước và bỏ cuộc, vượt qua được mới có thể thành công.

- Nói về áp lực tâm lý, ở cả SEA Games 30 và VCK U23 châu Á 2020, thủ môn của đội đều mắc phải những sai lầm. Là một HLV thủ môn , anh đã làm thế nào để học trò lấy lại được tinh thần?

- Sai số trong bóng đá là điều không thể tránh khỏi. Khi phân tích nguyên nhân một tình huống để thua thì có nhiều yếu tố: hoặc tâm lý, hoặc phán đoán sai, hoặc mắc lỗi cơ bản.

Nhưng ngay cả những thủ môn thành danh cũng có điểm mạnh điểm yếu. Nếu có lỗi sai nào hay lặp lại, thì tức là nó đã thành tính hệ thống, muốn sửa phải từ từ chứ không nhanh được. Ai cũng muốn mọi thứ tốt lên lắm chứ, nhưng trong bóng đá nhiều vấn đề không phải muốn nhanh là được. Bản thân thủ môn họ cũng cầu tiến, chăm chỉ tập luyện lắm. Thủ môn cơ bản yếu thì vẫn có thể sửa được, nhưng quan trọng phải có thời gian. Ở tuổi 19-20 đổ lại thời gian còn nhiều, nhưng khi lên 22= 23, chơi đỉnh cao ở V-League, lên tuyển rồi thì rất khó để sửa, để hoàn thiện. Vì lúc đó, thủ môn vào thi đấu là bắt theo kinh nghiệm rồi, giải lại đá liên tục nữa nên không dễ chút nào.

Hơn nữa lúc thi đấu, thủ môn cần phải có tâm lý vững, không chỉ lo lắng đâu, mà đôi khi hưng phấn quá cũng có thể dẫn đến sai số. Vì thế, với bất kỳ thủ môn nào, khi huấn luyện tôi cũng luôn nói rằng phải cân bằng được mọi vấn đề trên sân: không sợ hãi, nhưng cũng không được hưng phấn quá. Cầu thủ có thể bị cuốn theo trận đấu, nhưng thủ môn thì không bao giờ để bị như thế. Trong bóng đá hiện đại, việc tấn công được triển khai ngay từ thủ môn, nên thủ môn phải đọc được nhịp độ để ứng biến.

Còn tất nhiên việc thủ môn trẻ bị cảm xúc chi phối cũng là bình thường. Kinh nghiệm là thứ mà họ phải trải qua thời gian mới tích lũy được. Có trận họ bắt tốt đến kinh ngạc, nhưng cũng có lúc mắc lỗi khó hiểu.

Tôi vẫn luôn xây dựng tâm lý cho thủ môn rằng đối phương muốn đá được vào khung thành của mình đâu có dễ. Họ phải vượt qua được 10 cầu thủ bên mình, sau đó lại còn đối mặt với mình, kể cả khi sút qua thủ môn rồi vẫn còn ba cái cột ở khung thành nữa. Nghĩ như thế để tự tin mà bắt. Thủ môn ra sân lúc nào cũng phải lạnh, chơi phải quyết đoán, không e sợ.

- Với cá nhân, đâu là trận đấu khiến anh cảm thấy vất vả, áp lực nhất ở SEA Games 30? Kể cả trong khâu chuẩn bị trước trận lẫn làm tâm lý sau trận?

- Áp lực ở một giải đấu lớn là điều cả đội đều phải chịu. Cứ hai ngày lại đá một trận, đủ kiểu áp lực cứ dồn lên, từ chấn thương, sai số trong thi đấu rồi đến cả chuyện sân bãi, thời tiết, ăn uống.

Trận đấu vất vả nhất ở SEA Games 30 với tôi là gặp Thái Lan, và phải thừa nhận rằng U22 Việt Nam lúc ấy quá bản lĩnh. Lúc mà đội bị dẫn hai bàn, tôi vẫn có niềm tin rằng chúng ta sẽ gỡ được. Cảm giác lúc ấy khác với quá khứ lắm, vì tôi biết bản lĩnh học trò của mình rồi.

Hòa 2-2 xong, chúng tôi rất vui, nhưng về phòng thì vẫn suy nghĩ nhiều, vì đội chơi tốt nhưng còn nhiều điểm chưa như ý. Đội bóng là một tập thể, khi có sự cố xảy ra thì tất cả đều phải có trách nhiệm để cùng nhìn nhận. Ban huấn luyện cũng phải tự động viên nhau rằng làm sao để khích lệ tinh thần học trò lên. Tuy có sai sót, cơ hội vẫn đang ở trước mắt chúng ta, hãy coi nó là bài học, là động lực cho trận tiếp theo. Tôi đã nói với các học trò như vậy và cũng may khi sau đó mọi thứ đều tốt.

Việc làm tâm lý cho cầu thủ đã khó, với thủ môn thì càng phức tạp. Ở Việt Nam, gần như không có bác sỹ tâm lý thể thao, mà HLV và các trợ lý đảm nhận luôn. Bản thân mình cũng chỉ đúc kết từ kinh nghiệm, đọc tâm lý học trò xem ai lo lắng, ai hưng phấn, dựa vào biểu hiện ở khuôn mặt, hành động của họ để đưa lời khuyên, xem phải kích họ lên hay tạm kìm xuống.

Bây giờ ngồi đây thì rất khó diễn tả, nhưng khi vào tình huống thì chúng tôi bật ra nhanh lắm. HLV thủ môn không thể vào bắt thay cho học trò được, nhưng phải biết cách giúp họ làm tốt hơn, quên đi sai sót. Đó cũng là cái máu nghề nghiệp của mình, khi làm thì rất máu và cuốn theo guồng công việc.

- Năm nay vẫn dành thời gian để học và làm việc ở tuyển theo từng đợt tập trung, anh dự tính khi nào sẽ nhận lời làm việc ở một CLB, hay vẫn muốn giữ guồng công việc như hiện tại để có thời gian kinh doanh?

- Thu nhập từ chuyên môn hiện tại của tôi không nhiều, vì tôi chỉ làm theo từng đợt ở tuyển thôi chứ không làm cho CLB nào. Tất nhiên tham gia giải có thành tích tốt thì cũng được thưởng, nhưng giờ tôi không đặt nặng chuyện kinh tế ở bóng đá.

Bóng đá đem đến cho tôi quá nhiều. Phải nhờ bóng đá, tôi mới có tích lũy ban đầu để bước chân vào kinh doanh. Vì thế không thể nói rằng mình tâm đắc với cái nào hơn, ưu tiên cái nào hơn. Bản thân mình cũng muốn lấy bóng đá trả lại cho bóng đá, như một sự trả ơn.

Còn đi làm, ai chẳng thích chỗ lương cao, đãi ngộ tốt. Ai cũng phải kiếm tiền để chăm lo cho gia đình, nhưng tôi có thể cân đối được việc đó. Hơn nữa tôi năm nay 40 tuổi, nhưng vẫn thấy mình còn trẻ lắm, phải học hỏi nhiều nữa, chứ chưa phải lúc vội nghĩ đến chuyện phải tìm một nơi để cày cuốc kiếm tiền. Mình cứ tích lũy chuyên môn thật tốt đã, rồi thời điểm sẽ đến.

Hiện tại tôi cũng mở một trung tâm bóng đá cộng đồng ở TP.HCM. Vừa giúp các cháu cấp 1, cấp 2 rèn luyện kỹ năng chơi bóng, vừa trau dồi khả năng tiếng Anh vì giáo viên nước ngoài ở trung tâm cũng nhiều. Chi phí để thuê sân bãi, HLV, dụng cụ tập luyện cũng lớn, nhưng tôi chưa đặt kỳ vọng gì về lợi nhuận lúc này. Đó là một dự án dài hơi.

Hướng đi của tôi có thể hơi khác nhiều người, nhưng tôi tin dù muốn thành công ở lĩnh vực nào, ngoài đam mê cũng đều cần có những tính toán phù hợp nhất với bản thân, chứ không thể nóng vội. Có lẽ cũng vì xuất phát điểm là thủ môn, tôi luôn giữ cho mình sự điềm tĩnh như vậy.

Theo VNE

Các tin cũ hơn