Khi ông Văn Sỹ tuyên bố dọa “bỏ giải”, câu chuyện trọng tài lại nóng lên thêm lần nữa. Và sức nóng ấy đã đạt tới đỉnh điểm ở trận CLB TP.HCM gặp CLB Hà Nội tại sân Thống Nhất.
Hai tình huống chạm tay Thành Chung đã khiến cổ động viên TP.HCM nổi giận. Ngay sau đó, truyền thông cả chính thống lẫn không chính thống cũng đã “nhao” vào cuộc mổ xẻ trọng tài. Cùng với các sự kiện khác nữa, quả bom V.League đã nổ để lật tung diện mạo một nền bóng đá kỳ dị và không giống ai.
Trận đấu giữa CLB TP.HCM và CLB Hà Nội để lại những tranh cãi không có hồi kết về công tác trọng tài. Ảnh: Quang Thịnh. |
Những tranh cãi về các quyết định của trọng tài Văn Trọng ở trận CLB TP.HCM và CLB Hà Nội xoay quanh 2 tình huống bóng chạm tay thực sự là “câu chuyện hay” của bóng đá.
Nên nhớ, không chỉ ở V.League mà ngay cả các giải vô địch hàng đầu của châu Âu, chuyện có thổi phạt đền khi bóng chạm tay hay không vẫn là chuyện gây tranh luận gay gắt. Đơn giản, các điều luật xoay quanh bóng chạm tay vẫn còn là một “vùng tối” (theo đúng ngôn ngữ của các quan chức kỹ thuật của FIFA).
Chính vì quy định thế nào là lỗi để bóng chạm tay còn mập mờ, nên FIFA đã mất nhiều năm để nghiên cứu cải thiện điều luật này ngõ hầu khiến nó mạch lạc hơn, giúp các trọng tài có thước đo chuẩn mực hơn để ra quyết định. Và trong điều luật cập nhật mới nhất của mình, FIFA đã có một số thay đổi để nhằm làm rõ hơn. Tuy nhiên, những thay đổi đó cũng vẫn chưa đủ để bóng chạm tay thoát hẳn ra khỏi vùng tối.
Tình huống Thành Chung để bóng chạm tay trong vùng cấm giữa hiệp 2 để lại những tranh cãi không hồi kết. |
Trong quy định mới của FIFA, 2 khái niệm cố ý hay vô ý dùng tay chơi bóng và bóng chạm tay tự nhiên hay không tự nhiên đã bị xóa sổ. Mặc định như vậy có nghĩa là bóng chạm tay có thể sẽ là lỗi. Song, chạm tay thế nào mới cấu thành lỗi lại có các chỉ dẫn cụ thể hơn. Và trước tiên, để hiểu thế nào là lỗi chơi bóng bằng tay, chúng ta phải nắm rõ “khi nào bóng chạm tay thì không có lỗi”.
Cầu thủ để bóng chạm tay sẽ không có lỗi trong 3 trường hợp. Thứ nhất, tay ép sát cơ thể. Thứ hai, bóng chạm nhịp một vào một phần nào đó của cơ thể (đầu, đùi, bụng…) rồi bật vào tay. Và thứ ba, bóng chạm nhịp một vào một cầu thủ khác rồi bật vào tay. Với quy định này, có vẻ ở cả hai tình huống của Quang Hải và Thành Chung, trọng tài Văn Trọng đã bắt đúng.
Tuy nhiên, cũng trong quy định của FIFA, lỗi chạm tay cấu thành cũng có 3 chỉ dẫn cụ thể. Thứ nhất, bóng chạm tay khi tay cầu thủ ấy làm cho phần chiếm diện tích không gian của cơ thể lớn hơn một cách bất thường. Thứ hai, khi tay cầu thủ vươn lên trên vai, cao hơn khỏi vai. Cuối cùng, nếu bóng chạm nhịp hai (tức là bật vào tay sau khi chạm nhịp một ở phần khác của cơ thể hay từ cầu thủ khác) mà tay của cầu thủ mắc vào điểm 1 hoặc 2 kể trên.
Với quy định đó, tình huống chạm tay thứ hai của CLB Hà Nội rõ ràng gây tranh cãi. Tay của Thành Chung có vươn cao hơn vai hay không là câu hỏi hóc búa. Nói chưa vươn trên khỏi vai rồi cũng đúng. Nói đã vươn lên khỏi vai cũng chẳng sai.
Và khi xem đi xem lại đoạn video đó, chúng ta còn cãi nhau như mổ bò về chuyện đúng - sai, thì chúng ta nên hiểu, trọng tài Văn Trọng không được xem video trong lúc làm nhiệm vụ và anh ta chỉ có đúng 1 giây để quyết định mà thôi.
Vùng tối vẫn còn là ở chính điểm này. Song, cái vùng tối đó dù gì đi nữa có xuất hiện thì cũng chỉ trong các tình huống buộc trọng tài phải ra quyết định từ nhận định riêng của mình. Mà nếu đã là nhận định, không ai có khả năng đúng 100% ở mọi lúc.
Tất cả giải thích trên đây có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế nào là lỗi chạm tay, thế nào là không phải lỗi chạm tay. Nhưng câu hỏi đặt ra là “Đã có luật lệ cụ thể, tại sao các cầu thủ, HLV, lãnh đội vẫn phản ứng trọng tài đến mức đó?”. Trả lời xong câu hỏi này, chúng ta bóc tách lần thứ nhất diện mạo kỳ dị của V.League, một nền bóng đá chẳng giống ai.
Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền nhận định ông Trần Văn Trọng có trận đấu tốt. Ảnh: Quang Thịnh. |
Hôm 1/3/2020, VFF tổ chức đợt tập huấn trọng tài để phổ biến điều luật cập nhật này. Cũng trước đó, BTC V.League cũng đã có những buổi phổ biến luật mới cho tất cả đội bóng tham dự giải.
Theo lời một cựu trọng tài uy tín (giấu tên), nhiều lãnh đội, HLV của đội bóng không lưu tâm. Chính vì họ không lưu tâm nên họ không phổ biến lại cho cầu thủ. Từ đó, khi cầu thủ phản ứng, lập tức kéo theo phản ứng của khán giả. Đó là còn chưa kể cả một hệ thống truyền thông phục vụ giới chủ các CLB nhảy vào cuộc và coi trọng tài như tội đồ.
Cái kỳ dị của V.League nằm ở đây. Đó là ai cũng thích nói luật, thích chơi đúng luật nhưng khi cần học luật thì chẳng quan tâm. Kết quả là khi cầu thủ không nắm chắc luật mới bổ sung, sự giận dữ của họ là tham chiếu lớn để khán giả trở nên giận dữ.
Nực cười thay, những người chịu trách nhiệm chính (giới chủ CLB, lãnh đội…) lại lên tiếng một cách tiêu cực bằng cách chỉ trích đích danh ông Dương Văn Hiền, trưởng ban trọng tài.
Trên sân Thống Nhất hôm 24/7, có vài người đã khá ngạc nhiên với một “con choi choi” bên đường biên. Đấy chính là trợ lý ngôn ngữ của HLV trưởng Chung Hae-Seong, có tên là Yang Jae-mo.
Yang Jae-mo có phản ứng kỳ lạ trên sân Thống Nhất. |
Cậu trợ lý điển trai người Hàn Quốc này có những phản ứng khiến những người không biết về CLB TP.HCM sẽ phải nghĩ cậu mới là HLV trưởng. Đơn giản, cứ bức xúc với trọng tài là cậu hướng lên khu VIP, nơi có ông Dương Văn Hiền, ông Cao Văn Chóng dự khán để thể hiện thái độ.
Lần thứ nhất, cậu giang hai tay ra với ngầm ý của ngôn ngữ hình thể là “Chuyện gì xảy ra thế này? Hãy giải thích”. Phản ứng này là bình thường. Thậm chí, nó còn thú vị vì sự sinh động được biểu hiện ra bên đường biên.
Lần thứ hai, phản ứng nặng hơn, cậu chỉ thẳng tay thẳng vào mặt ông Dương Văn Hiền, như thể cảnh cáo, hoặc đe doạ, hoặc trút giận… Và chính kiểu phản ứng của cậu đã khiến nhiều khán giả phải để ý xem cậu làm gì tiếp theo.
Và ở lần thứ ba thì đúng nghĩa là đỉnh điểm. Cậu hướng lên chỗ ông Dương Văn Hiền ngồi, lấy ngón cái và ngón trỏ tay phải làm động tác đếm tiền. Có vài khán giả đã sốc trước hành vi ấy. Có nhiều khán giả lại đồng tình.
Trợ lý Yang Jae-mo có những cư xử không đúng mực với đội ngũ trọng tài. Ảnh: Thế Anh. |
Chỉ có trọng tài Văn Trọng là không biết gì. Nhưng thực sự, trọng tài Văn Trọng đã mắc lỗi ở trận cầu này khi không rút thẻ xử lý Yang Jae-mo vì liên tục làm phiền trọng tài vượt quá quyền hạn của mình. Nếu có thẻ đỏ từ lần thứ hai Yang Jae-mo phản ứng, có thể trận cầu sẽ căng thẳng, nhưng chắc chắn hành vi phỉ báng ban tổ chức sẽ không tồn tại.
Câu chuyện kể trên cho thấy cái kỳ dị nữa của V.League. Ai được quyền lên tiếng trong các tình huống bức xúc với trọng tài, với ban tổ chức? Tất nhiên, ai cũng có quyền lên tiếng cả, ít ra là ở vai trò khán giả. Tuy nhiên, thể hiện sự búc xúc theo kiểu một kháng nghị thì chỉ có lãnh đội và HLV mà thôi.
Trợ lý ngôn ngữ nắm vai trò gì trong đội bóng mà có quyền như thế? Và mỉa mai thay là VFF vẫn chưa có án phạt lập tức cho hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác của cậu trợ lý ngôn ngữ này. Phản ứng chậm chạp ấy cũng đáng coi là kỳ dị lắm chứ.
Không chỉ vụ Yang Jae-mo là vụ duy nhất của lối phản ứng không đúng vai trò tồn tại trong bóng đá nội. Tuyên bố của Nguyễn Văn Sỹ về chuyện “bỏ giải” cũng là dạng phản ứng không đúng vai trò như thế.
Tất nhiên, chúng ta cảm thông với những bức xúc, đặc biệt là từ những người trực tính. Tuy nhiên, không thể lấy bức xúc và cá tính riêng để biện minh cho cái sai của mình. Bóng đá là xã hội thu nhỏ. Và trong xã hội, cứ dùng cảm tính mà xử thì nát bét.
Nhắc đến chuyện xúc phạm người khác, có lẽ chúng ta chưa quên vụ một ông bầu một đội bóng đã bị ghi âm lại những câu nói như dân chợ búa với một quan chức trọng tài cách đây vài năm.
Thậm chí, trong đoạn ghi âm ấy còn có cả những câu đe dọa đầy tính đao búa. Chẳng có án phạt nào dành cho chủ nhân của những câu thoại ấy cả. Và chính vì thế, nó dẫn tới tập quán “muốn nói gì thì nói” của giới chủ đội bóng, bởi họ nghĩ “VFF sợ mình”.
Hay là chuyện một ông bầu khác đăng đàn miệt thị cầu thủ là “lũ mất dạy” chẳng hạn. Cái cách xúc phạm ấy nó trở nên quá bình thường ở bóng đá Việt thì phải. Và nó làm bật lên bản chất đúng nhất của xã hội. Khi kẻ làm chủ mạt sát, người làm công nhiều khi chỉ biết ngậm đắng nuốt cay chứ không còn phản ứng nào khác.
Sức mạnh của đồng tiền nó hiển thị rất rõ trong lối hành xử này. Thử đổi vai xem nếu người mạt sát không phải là ông chủ, mà cũng chỉ là người làm thuê khác, như trợ lý HLV chẳng hạn. Lúc ấy, có khi cầu thủ nổi xung lên cho lĩnh no đòn.
Ngay sau trận CLB TP.HCM thua CLB Hà Nội 0-3, báo chí đưa tin lãnh đạo CLB TP.HCM đã gọi điện cho ông Dương Văn Hiền trước khi bóng lăn, với mục đích động viên trọng tài bắt tốt.
Nhiều người nghĩ vị lãnh đội này chính là ông Nguyễn Văn Hùng, ông bầu của đội bóng, người mà một số trong giới thể thao vẫn gọi vui là “Hùng Pasteur”.
Ở đâu ngoài Việt Nam có chuyện ông bầu gọi điện đề nghị tăng lương cho trọng tài để bắt đúng? Ảnh: Quang Thịnh. |
Một ông Hùng khác lại chơi đòn ngã ngửa. Đó là ông Phạm Thanh Hùng, ông chủ của CLB Quảng Ninh. Khi chỉ còn 2 vòng đấu nữa là hết giai đoạn 1 của V.League 2020, CLB Quảng Ninh coi như đã chắc suất top 8 với 19 điểm sau trận thắng SLNA 2-0.
Và dù họ vẫn còn khả năng cạnh tranh thứ hạng, ông Hùng vẫn mang 2 cầu thủ trụ cột là Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú cho CLB Hải Phòng “mượn”, đồng thời trả lại Fagan cho Hải Phòng sớm hơn thời hạn nửa năm.
Lý do mà ông Hùng “than” đưa ra là: “Chuyện đội bóng cho Hải Phòng mượn cầu thủ là bình thường. Chúng tôi muốn tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ thể hiện nên để Fagan, Hồng Quân và Xuân Tú ra đi. Tôi đã nhận thấy tiềm năng của các cầu thủ rất trẻ như Vũ Hồng Quân hay Nguyễn Hữu Khôi. Họ sẽ chơi tốt khi có cơ hội thay các trụ cột kia”.
Lý do ấy không có gì là sai cả, thậm chí còn rất “đường dài”. Nhưng, vì đường dài thì có cần vội vàng vậy không, khi CLB Quảng Ninh còn nhiều cơ hội đua tranh danh hiệu ở giai đoạn 2?
Muốn trả lời câu hỏi ấy, phải xem CLB Hải Phòng đang ở đâu? 10 điểm sau 11 vòng, đội Hải Phòng đứng áp chót bảng xếp hạng và khả năng cực lớn họ sẽ phải chơi giai đoạn 2 trong nhóm 6 đội đua tranh trụ hạng. Vị trí ấy của CLB Hải Phòng đã khiến không ít người hâm mộ đặt ra câu hỏi lớn hơn: “Liệu có chuyện liên minh CLB Quảng Ninh và Hải Phòng? Đội Quảng Ninh quyết định "đá cho vui" để cứu đồng đội bằng pha ôm cua cực gắt này chăng?”.
Không biết điều gì xảy ra nhưng người trong cuộc thì đã chán nản tới mức văng tục. Fagan khi được biết phải trở về Hải Phòng sớm đã đăng tải trên trang cá nhân thái độ rất sốc của mình. Sau đó, Fagan gỡ bỏ dòng trạng thái nhưng hình ảnh chụp lại màn hình đã được chia sẻ quá nhiều rồi.
Chuyện một CLB cho một CLB khác mượn cầu thủ, hay trả lại cầu thủ đã mượn sớm hơn thời hạn là bình thường trên thế giới. Tuy nhiên, chẳng đội bóng nào lại đẩy đi một lúc 3 trụ cột của mình khi mùa giải vẫn còn một nửa chặng đường.
Vậy mà ông Hùng “than” vẫn mạnh tay dám làm. Phải thừa nhận là ông quá bản lĩnh. Và nếu ở giai đoạn 2, các cầu thủ trẻ ông nhắc tới mà chơi tốt hơn hẳn các trụ cột bị đầy đi thì có lẽ, giới bóng đá Việt nên phong thánh cho ông.
Tuy nhiên, bản lĩnh của ông Hùng “than” có lẽ có được cũng nhờ cái tài “bói cá” của ông Trần Mạnh Hùng, chủ tịch CLB Hải Phòng. Người ta gọi vui ông bằng biệt danh Hùng “bói cá” nhưng có lẽ ông “bói bóng đá” mới là thần.
Con chim bói cá một cú lặn chỉ bắt được một con mồi. Còn ông Hùng của CLB Hải Phòng, chưa lặn cú nào ba con mồi đã sẵn. Chỉ trớ trêu là, nghe đồn, khán giả Hải Phòng không ưa Mạc Hồng Quân và Nghiêm Xuân Tú. Về Lạch Tray, với áp lực khán giả lớn như thế, Tú “ngựa” và Quân “mạc” liệu có cứu nổi đội bóng của HLV Phạm Anh Tuấn?
Cái kỳ dị này mới là cái kỳ dị đáng nhắc tới của bóng đá Việt. Có lẽ, chưa nền bóng đá nào có tình anh em hữu hảo như V.League. Phàm ở các nước khác, các CLB ở chung một vùng địa lý hay là kình địch của nhau. Thế mà các CLB ở vùng Đông Bắc Việt Nam, thì bóng đá lại thể hiện tình hữu nghị vĩ đại vươn tầm nhân loại.
Sau 1 đêm, Mạc Hồng Quân và Nghiêm Xuân Tú từ vị thế cạnh tranh ngôi vô địch cùng CLB Quảng Ninh bỗng tham gia cuộc đua trụ hạng cùng CLB Hải Phòng. Ảnh: Quang Thịnh. |
Cuối cùng, dù khán giả ngày một kéo đến sân đông hơn, như một dấu hiệu khởi sắc dành cho V.League, người ta vẫn không hiểu thực sự bóng đá nội đang dành cho ai, thuộc về ai? Nó có phải là thứ bóng đá thuần thành hướng đến người hâm mộ hay không, hay nó là quân cờ trên bàn cờ dự án của các ông chủ.
Và nếu để ý kỹ, địa phương nào bắt đầu có xu hướng phát triển du lịch, đô thị hoá tốt, ở đó sẽ xuất hiện ngay các ông bầu. Họ đến, trống giong cờ mở là làm bóng đá phục vụ quần chúng nhưng thực chất, dự án, đất đai… mới là câu chuyện.
Vẫn biết, bóng đá nội khó có thể sống nổi nếu không có những ông bầu nhưng để sống nổi, V.League rõ ràng phải chấp nhận hình hài kỳ dị.
Theo Zing