Mổ xẻ đội U23 qua SEA Games 26

Thứ ba, 22/11/2011, 03:33
Đằng sau những thất bại rất đáng buồn của ĐT U23 Việt Nam tại SEA Games 26, nhiều vấn đề của Bóng đá Việt đang cần được phân tích và mổ xẻ.


U23 Việt Nam rời SEA Games 26 với thất bại ê chề


Có thể thấy, thất bại 0-2 trước chủ nhà Indonesia tại trận bán kết và thất bại 1-4 trước Myanmar ở trận tranh HCĐ là sự phản ánh một cách chân thực nhất về hình ảnh của ĐT 23 VN tại SEA Games năm nay.

Mặc dù may mắn nằm trong bảng đấu vô cùng nhẹ ký, nhưng chặng đường lọt vào tới bán kết của ĐT U23 VN đã không diễn ra thuận lợi như người ta nghĩ. Nhìn vào các trận đấu tại vòng bảng, có thể nhận xét phong độ cũng như sự thể hiện của ĐT U23 VN là kém ấn tượng hơn so với các kỳ SEA Games gần đây và với chừng đó thì quả là thật khó để chúng ta có thể nghĩ tới chức vô địch lần đầu tiên trong lịch sử.

Quay trở lại với những trận thua trước Indonesia và Myanmar, rõ ràng các cầu thủ U23 VN đã thể hiện bộ mặt thiếu bản lĩnh của các cầu thủ và sự bế tắc trên băng ghế chỉ đạo. Thực tế, chúng ta thua (đặc biệt là trận thua trước Myammar ở trận tranh HCĐ) không phải do trình độ của ta yếu kém hơn, mà do sự đổ vỡ của yếu tố tinh thần.

Trước SEA Games 26, ĐT U23 VN được đặt mục tiêu giành HCV. Rất có thể, hàng triệu người hâm mộ cũng rất kỳ vọng, cũng đặt “mục tiêu ngầm” trong tâm thức là ĐT sẽ giành HCV để giải tỏa cơn khát bấy lâu nay. Điều này cũng vô tình tạo nên áp lực cực lớn đè lên đôi vai của những tuyển thủ và cả HLV Goetz. Cũng chính vì thế, khi mà áp lực này không thể biến thành sức mạnh tinh thần thì ngược lại, nó đã biến thành những trở ngại, khiến cho các đôi chân trở nên nặng trĩu, để rồi bị nhấn chìm trên mảnh đất Jarkatar.

Điều này cũng đặt ra một câu hỏi là liệu chúng ta có nên đặt mục tiêu quá cao, luôn luôn phải là mục tiêu vô địch cho đội tuyển mỗi khi bước vào các kỳ SEA Games? Điều này có liên quan tới cái gọi là căn bệnh thành tích hay không?

Người xưa cũng đã nói “cần biết người biết ta thì mới trăm trận trăm thắng”. Hiện tại trong bối cảnh Bóng đá VN vẫn chưa thể hiện sự trưởng thành và tiến bộ so với các thế hệ đàn anh, thì ở một số quốc gia khác như Malaysia hay Indonesia, thậm chí cả ĐT đã thất bại thảm hại tại SEA Games 26 là Thái Lan thì ở những quốc gia này, trình độ bóng đá đang ngày càng được nâng lên. Cộng thêm với việc chúng ta phải thi đấu trên đất khách thì việc đặt chỉ tiêu phải giành HCV có thể coi là một sự khiên cưỡng.

Bên cạnh đó, giống như ý kiến của nguyên TBT báo Bóng đá – Vũ Mạnh Hải nhận xét thì để cổ vũ tinh thần cho các cầu thủ U23 VN, chúng ta vẫn thường xuyên đưa ra các khoản treo thưởng rất lớn và hậu hĩnh. Điều này liệu có nên hay không và có phải là cách làm duy nhất để động viên và kích thích tinh thần thi đấu của các tuyển thủ hay không khi mà họ là đại diện của cả một dân tộc, mà đáng lẽ việc thi đấu quyết tâm vì màu cờ sắc áo, vì niềm tự hào của Tổ quốc mới là yếu tố quan trọng nhất.

 


Bên cạnh đó, điều dễ dàng nhất mà mỗi người hâm mộ đều có thể nhận thấy đó chính là sự sa sút về trình độ của Bóng đá VN, không chỉ với các đối thủ trong khu vực mà còn với cả những thế hệ đàn anh.

Nhìn vào thành phần ĐT U23 VN tại SEA Games năm nay, chỉ một một vài cầu thủ đã phần nào thể hiện được phẩm chất cũng như đẳng cấp của mình, tuy nhiên “một cánh én chẳng thể làm nên mùa xuân”. Hầu hết những nhân tố trong đội tuyển đều có chất lượng chuyên môn không cao và hoàn toàn chưa thể đáp ứng được yêu cầu.

Nếu so sánh với các thế hệ đàn anh, có thể thấy lứa U23 VN ở SEA Games năm nay thua cả về bản lĩnh, sự quyết tâm và thua cả về trình độ chuyên môn. Trên băng ghế chỉ đạo, HLV Goetz mặc dù được kỳ vọng nhiều tuy nhiên ông cũng chưa thể đem lại sự thay đổi tích cực nào. Trong khi đó, những đối thủ trong khu vực như Indonesia hay đặc biệt là ĐKVĐ của SEA Games – Malaysia thì rõ ràng họ đã thể hiện sự tiến bộ đáng kể và điều này chắc chắn phải bắt nguồn từ một quá trình đầu tư hợp lý và chuyên nghiệp.

Như vậy vấn đề được đặt ra là công tác đào tạo cầu thủ, đào tạo bóng đá trẻ của VN hiện nay đang phát triển ở trình độ nào và liệu công tác này đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa, đã hợp lý và bài bản để tạo nên hiệu quả hay chưa… tất cả đều đang rất cần câu trả lời.

Tạm biệt một kỳ SEA Games buồn! Hiện tại, việc chỉ trích ĐT hay mỗi cá nhân, mỗi tuyển thủ, hay HLV Goetz… không phải là điều quan trọng. Tuy nhiên việc phân tích một cách khách quan, chân thực để nhìn ra nguyên nhân của những thất bại để từ đó tìm hướng khắc phục lại hết cần thiết. Hy vọng sau thất bại đáng trách và đáng quên tại SEA Games 26, bóng đá VN sẽ có thể “nhìn thẳng” để cải cách, để thay đổi mà có thay đổi, bóng đá Việt mới hy vọng chinh phục được những thành công!

 

(Theo Cinet)

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn