Đột quỵ trong bóng đá: Bài học lớn cho thể thao Việt Nam

Thứ ba, 17/04/2012, 10:43
Những vụ đột quỵ liên tiếp xảy ra ở các giải đấu hàng đầu châu Âu mà mới mất là cái chết thương tâm của cầu thủ Piermario Morosini đang thi đấu tại Serie B được xem là đám mây đen bao phủ lên nền thể thao toàn thế giới. Sự ra đi của Morosini cùng với hàng loạt vụ đột quỵ xảy ra cách đó không lâu gióng lên hồi chuông cảnh báo cho thể thao Việt Nam, mà đặc biệt là bộ môn bóng đá.


Tin liên quan
>>
Cựu tuyển thủ Nhật Bản đột quỵ trên sân tập
>>Cầu thủ đột quỵ giữa chừng trận Tottenham-Bolton
>>Hoãn tất cả các trận đấu ở Italia sau cái chết của Piermario Morosini
>>VĐV bóng rổ Sóc Trăng đột tử tại sân đấu
 

Cái chết của Morosini nhuốm màu tang thương cho bóng đá thế giới

Dấu hỏi về công tác y tế

Đã từ lâu thể thao Việt Nam, đặc biệt là bộ môn bóng đá, công tác y tế chưa bao giờ được xem trọng. Hầu hết các giải bóng đá lớn nhỏ bộ phận y tế được phân công nhiệm vụ một cách sơ sài cho có theo quy định. Bởi thế, sự cố cái chết của cầu thủ bóng rổ Diệp Phước Lộc khi đổ gục trên sàn đấu tại giải đấu tại Sóc Trăng vào cuối tháng 3/2012 thì những người làm công tác tổ chức mới giật mình về sự thờ ơ của mình.

Cái chết đột ngột của Diệp Phước Lộc được xem là lời cảnh báo đối với ngành thể thao Việt Nam còn quá nhiều yếu kém như hiện nay.

Riêng với đặc thù một bộ môn đòi hỏi nhiều thể lực như bóng đá thì tại Việt Nam từ trước đến nay vẫn chưa có trường hợp cầu thủ nào đột quỵ trên sân. Bởi thế hầu như không một CLB nào tại V-League và hạng Nhất thực hiện công việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho cầu thủ vào mỗi tháng cũng như trước mỗi trận đấu.

Đội ngũ y tế tại CLB chỉ có theo quy định của bắt buộc của BTC giải và họ cũng không phải là những bác sỹ thể thao chuyên trách, nhiệm vụ của các bác sĩ này chủ yếu đảm nhiệm vai trò chữa trị chấn thương liên quan đến cơ và xương, chứ về các vấn đề khác có lẽ không thuộc chuyên môn của họ. Chính vì thế, nếu xảy ra trường hợp cầu thủ bị đột quỵ, đội ngũ y tế này sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho việc sơ cứu.

Với những trường hợp đột quỵ như Muamba ( Bolton) thì công tác sơ cứu ban đầu vô cùng quan trọng. Chính vì có đội ngũ y tế chuyên sâu nên mạng sống của Muamba mới được đảm bảo. Theo như các bác sĩ tại bệnh viện London Chest thì sự sống của Muamba được bảo toàn là do công tác sơ cứu hô hấp rất tốt của các bác sĩ CLB Bolton.

Nếu so sánh công tác y tế của bóng đá chuyên nghiệp châu Âu so với bóng đá chuyên nghiệp kiểu nửa vời như Việt Nam thì còn một khoảng cách khá xa. Không được đào tạo bài bản, chuyên sâu về y học thể thao sẽ rất khó cho những bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại các CLB ở giải quốc nội.

Quay lại với trường hợp cầu thủ bóng rổ Diệp Phước Lộc bị trụy tim nếu đội ngũ bác sĩ của đội Sóc Trăng có chuyên môn tốt, có lẽ cầu thủ này đã có thêm hi vọng sống sót.

 

Diệp Phước Lộc bị trụy tim và chết trên đường đi cấp cứu là một bài học lớn cho
công tác y tế của thể thao Việt Nam

Theo quy định của LĐBĐ VN, trước khi các CLB chốt đăng ký danh sách thi đấu đều phải gửi kèm giấy kiểm tra sức khỏe của cầu thủ. Hầu hết các CLB đều làm công tác này rất sơ sài, miễn sao có nộp lên Liên đoàn và được chấp nhận theo kiểu thủ tục là xong. BTC giải cũng chỉ xem ra rồi duyệt chứ hoàn toàn không kiểm tra.

Đây được xem là một việc vô cùng nguy hiểm, bởi những trường hợp cầu thủ có tiền sử bệnh tim đều được trót lọt qua vòng kiểm tra và hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ trụy tim khi áp lực thi đấu quá lớn.

Không ai có thể đảm bảo 100%  rằng tất cả cầu thủ của CLB ở giải quốc nội đều đảm bảo sức khỏe để thi đấu. Sẽ có những người chưa biết hoặc biết về bệnh tình của cầu thủ nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ bởi nếu loại ra sẽ ảnh hưởng đến thành tích lẫn chất lượng chuyên môn của CLB.

Sự thờ ơ của CLB chủ quản được thể hiện theo kiểu đối phó, thậm chí nhiều nơi còn làm qua loa bằng cách đóng dấu xác nhận của bộ phận y tế phường xã, mà ai cũng biết những nơi như thế này thì làm sao đủ điều kiện và phương tiện kiểm tra sức khỏe cầu thủ.

Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học TDTT, cả nước có chưa đến 10 bác sỹ được đào tạo chuyên ngành y học thể thao, trong đó chỉ còn 2/3 còn tham gia công tác chữa trị, số còn lại đã chuyển sang công tác khác. Tính cả V-Leagua và hạng Nhất có tới 28 CLB tham gia thi đấu, điều này đồng nghĩa phải có ít nhất 28 bác sỹ. Nhưng thử nhìn đội ngũ bác sỹ CLB ở V-League được mấy người chuyên sâu về y học thể thao và đủ trình độ sơ cứu trong những trường hợp khẩn cấp.

Liên đoàn và CLB cần phải siết chặt hơn

Trước cái chết liên tiếp của nhiều cầu thủ, các CLB của các giải bóng đá châu Âu đều có phần kiểm tra y tế rất gắt gao với mỗi cầu thủ của đội cũng như cầu thủ mới ký hợp đồng. Hầu hết các CLB đều sử dụng công nghệ đỉnh cao Milan Lab của Milan để kiểm tra tất cả thông số sức khỏe của một cầu thủ. Từ nhịp thở oxy trong máu đến khả năng vận động, sức bền cơ và nhịp thở.

Tại Việt Nam hiện vẫn chưa CLB nào áp dụng được công nghệ này bởi chi phí quá tốn kém và mất thời gian. Tuy nhiên, với những nguy hiểm luôn rình rập cầu thủ mỗi khi thi đấu, thiết nghĩ LĐBĐ Việt Nam nên có những quy định bắt buộc để có thể áp dụng công nghệ này vào các giải đấu trong hệ thống của Liên đoàn.

Phía Liên đoàn và CLB nên cùng nhìn về một hướng trong vấn đề bảo vệ tính mạng cho cầu thủ. Hai phía nên có những sự kết hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra rà soát tình hình sức khỏe của cầu thủ trước mỗi giải đấu để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Đây là một việc làm cần thiết để nâng bóng đá Việt Nam lên một tầm cao mới.

Minh Phước

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích