FIFA chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc

Thứ ba, 22/11/2011, 09:56
Bóng đá luôn được gọi là môn thể thao vua và cái đẹp trong môn thể thao này luôn được đặt lên hàng đầu. Nhưng giống với tất cả những sự vật, sự việc khác, bóng đá vẫn có những khía cạnh khác và một trong số đó chính là vấn đề phân biệt chủng tộc.


FIFA đã sớm nhận ra rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng khi mà thế giới bóng đá ngày càng mở rộng, sự tiếp xúc của các nền văn hóa khác nhau thông qua môn thể thao vua ngày càng nhiều. Ngày 7.7.2001, tại Buenos Aires, thủ đô của Argentina, FIFA đã tổ chức cuộc họp lớn và một Nghị quyết về vấn đề phân biệt chủng tộc đã được đưa ra. Đến nay đã là hơn 10 năm kể từ ngày đó và tất nhiên tất cả các cam kết và những hành động cụ thể vẫn chưa thể xoá đi toàn bộ vấn nạn trên nhưng nó cũng đã chứng minh cho chúng ta thấy những nỗ lực này trong suốt 10 qua của FIFA không phải là không có tác dụng. Ngày càng nhiều các thế hệ cầu thủ rời xa quê hương của mình đến với một đất nước có trình độ bóng đá phát triển để tìm cơ hội đổi đời. Chính sự gia tăng nhanh chóng này đã dẫn đến các vụ việc phân biệt chủng tộc ở các mức độ khác nhau. Chính sự mạnh tay của FIFA về việc sử lý các cầu thủ và cá nhân có những hành động trên trong suốt thời gian qua đã giúp bóng đá đang dần hoàn thiện mình.

Kể từ khi đưa ra nghị quyết tại Buenos Aires vào năm 2001, các sự kiện liên tiếp được tổ chức và đây chính là những sự kiện đáng nhớ nhất trong việc chống phân biệt chủng tộc của FIFA trong 10 năm qua: 

Năm 2002: FIFA bắt đầu tổ chức ngày thế giới chống phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc. 

Năm 2002: Sự kiện người nổi tiếng tham gia cuộc chiến đấu chống phân biệt chủng tộc - FIFA đã tìm được sự giúp đỡ, ủng hộ của một số nhân vật nổi tiếng trong thế giới bóng đá như Sir Bobby Charlton, Thierry Henry, Mia Hamm, Pele, Michel Platini và Lilian Thuram.

Năm 2004: Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đã được thông qua bởi Uỷ Ban điều hành FIFA. Trong đó quy định rõ hành động phân biệt đối xử, đặc biệt là liên quan đến sắc tộc, chủng tộc, văn hóa, chính trị, tôn giáo, giới tính hoặc ngôn ngữ dưới bất cứ hình thức nào liên quan đến bóng đá sẽ bị xử phạt.

Năm 2006: Ủy ban điều hành FIFA đã quyết định sửa đổi Điều 55 của luật FIFA kỷ luật theo đề nghị của Chủ tịch S.Blatter, cho phép để xử phạt nặng hơn với các hành vi phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt đối xử trong bóng đá.
Năm 2006: FIFA đã phát động phong trào "Nói không với phân biệt chủng tộc” vào tháng 4.2006.

Năm 2007: Tổ chức trận đấu “90 phút dành cho Mandela" giữa hai đội tuyển châu Phi và đội phần còn lại của Thế giới. Đã có trên 35.000 người có mặt tại sân cùng với hàng triệu người xem qua truyền hình tại hơn 150 quốc gia trên khắp thế giới, chứng kiến các ngôi sao như Ruud Gullit, George Weah, Emilio Butragueño, Samuel Eto'o cùng chơi bóng. 

Năm 2010: Ngày chống phân biệt đối xử tại Nam Phi 2010 - Đội trưởng của các đội tuyển châu Phi đọc các cam kết chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Và gần đây nhất trong chuyến công tác tới Nam Phi, Chủ tịch FIFA Joseph S. Blatter lại có một tuyên bố mạnh mẽ hơn. Ông muốn thực hiện điều này một cách triệt để và cam kết sẽ làm hết sức để đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt đối xử trong bóng đá cũng như trong xã hội dưới bất cứ hình thức nào. Chủ tịch Joseph S. Blatter sẽ đích thân đứng đầu phong trào mà FIFA đã đấu tranh trong suốt nhiều năm, thông qua các chiến dịch trong các trận đấu diễn ra dưới sự điều hành của tổ chức này. Tình trạng phân biệt đối xử vẫn tiếp tục diễn ra và chúng ta phải hiểu đây là một cuộc chiến lâu dài. Bởi đây là vấn đề lớn của toàn xã hội nói chung và thể thao nói riêng. Chủ tịch S. Blatter hy vọng rằng sự đoàn kết của tất cả mọi nguời có trách nhiệm sẽ có thể diệt trừ hoàn toàn căn bệnh này.

 

Theo VFF

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn