Bóng ở chân ai?

Thứ tư, 23/11/2011, 08:51
Quả bóng trên sân thì coi như xong rồi. Không có gì có thể cứu vãn. Thế còn quả bóng ngoài sân, quả bóng TRÁCH NHIỆM, ai là người phải chụp lấy?


U23 VN thất bại toàn diện tại SEA Games 26


Lúc này, mọi cặp mắt đều đang đổ dồn về phía Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ - với tư cách “là cha là mẹ” của Bóng đá VN - chỉ nói đại ý “(ĐT) có tiến bộ nhưng các đội khác… tiến bộ hơn, và (ĐT) thua vì sai sót cá nhân (cầu thủ) ”. Một phát biểu rất là… vê ép ép! Người ta có thể suy ra câu nói đó có nghĩa là “(ĐT) thất bại là tại vì thiên hạ người ta bỗng dưng… giỏi quá thôi, chứ không phải ĐT tồi !?”. Và như thế, VFF muốn nói luôn rằng: quả bóng trách nhiệm không phải đang ở trong tay VFF. Vậy thì quả bóng đó nằm ở đâu?


Thông thường, khi ĐT thi đấu kém, bất cứ liên đoàn bóng đá nào chứ không riêng gì VFF cũng sẽ rũ bỏ trách nhiệm bằng cách “phạt thẻ đỏ” HLV trưởng. Song, hiển nhiên là có quá nhiều lý do khiến VFF không thể làm được việc này. VFF đã “khổ công” trong 3 tháng ròng để chọn ra “người thích hợp nhất” - HLV người Falko Goetz nên lẽ nào họ lại sa thải chỉ sau 2 tháng trời. Nhưng dường như VFF chẳng tiếc công hay tiếc của gì cho lắm bởi có vẻ họ vẫn đang chờ đợi điều gì đó trước khi hành động.

 

Mấy ngày nay, dư luận và báo chí dường như cũng đang chĩa mũi dùi vào ông Goetz. Sự chỉ trích đó là có thể hiểu được, có điều dường như nó hơi dễ dàng và đơn giản. Không khéo, dư luận lại tự gắn mình vào mục tiêu của VFF bởi việc chỉ trích ông Goetz chỉ có lợi cho VFF. Tại sao ư, bởi rất có thể VFF sẽ “té nước theo mưa” mà đá luôn quả bóng trách nhiệm sang ông Goetz. Trong khi, rõ ràng là quả bóng trách nhiệm phải ở trong chân VFF. VFF phải chụp lấy quả bóng đó và không được chuyền đi đâu cả!
 

Goetz có lỗi hay không?

HLV Falko Goetz vừa đưa ra lời xin lỗi và người hâm mộ, một cách công bằng, phải chấp nhận lời xin lỗi đó. Nhưng vị chỉ huy người Đức cũng phải gánh một phần trách nhiệm trước “thành tích” của ĐT.

U23 VN trong tay HLV Goetz không có sự cải thiện đáng kể nào về mặt lối chơi, thể lực, cũng như tâm lý thi đấu. Trái với sự “năng động đôi khi tới mức kích động” bên ngoài đường biên của ông Goetz, các cầu thủ thi đấu trên sân dường như chẳng có chút tác động nào. Nghe nói Goetz có nhiều cách “lạ” để giao tiếp với các cầu thủ, song những gì xảy ra cho thấy cái uy của ông không được là bao. Nếu so sánh với người tiền nhiệm Calisto thì rõ ràng về khoản “tâm lý chiến”, ông Goetz thua kém rất nhiều.
 

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Vị chỉ huy người Đức mới tới đây vài tháng, có thể còn chưa thạo việc cầm đũa, chưa dám đi bộ băng qua đường, nói chi tới việc hiểu văn hóa bóng đá, văn hóa ứng xử của người Việt. Hơn nữa, các cầu thủ U23 đa phần đều thiếu kỹ năng chơi bóng: đón bóng không chuẩn, chuyền bóng không có điểm rơi, sút bóng không có lực,… nên làm sao thực hiện được cái gọi là chiến thuật. Chính vì vậy, không có cơ sở để phân tích xem phương án chiến thuật của ông Goetz có thích hợp cho ĐT hay không?.
 

Đầu bếp dù có ba đầu sáu tay cũng không thể biến trứng cá chép thành trứng cá hồi, biến vây cá ngừ thành vây cá mập. Với thành phần cầu thủ như vậy, ĐT chơi cách gì cũng không ổn: tấn công cũng không ổn, phòng thủ phản công cũng không ổn, chơi bóng dài cũng khó mà chơi bóng ngắn cũng không xong. Đó là còn chưa kể, HLV Goetz không có được nhiều sự chủ động trong công việc: không được chủ động chọn lựa cầu thủ hay trợ lý. Thời Calisto, ông HLV người Bồ có lúc bị dư luận nghi ngờ khi rất thích dùng “người quen, người nhà” nhưng nhờ vậy mà ĐT có tính tổ chức cao.
 

Không có lúc nào chín muồi như lúc này để làm một cuộc đại phẫu bóng đá nước nhà. Đừng sợ những vết cắt. Đừng sợ những nỗi đau. Đừng sợ sự thật. Bởi những đắng cay ngày hôm nay sẽ là mật ngọt của ngày mai. Hơn ai hết, VFF phải là người lĩnh ấn tiên phong trong cuộc cách mạng này. Là người cầm lái, VFF liệu có đủ dũng khí để thay đổi vận mệnh của bóng đá Việt Nam?
 

Theo TT&VH

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn