Thảm cảnh kinh hoàng
Trận chiến hấp dẫn và đầy kịch tính giữa Indonesia và Malaysia tại chung kết môn bóng đá nam SEA Games 26 đêm thứ Hai đã mất đi vẻ đẹp bởi sự cố chen lấn đáng tiếc dẫn tới cái chết của hai CĐV của đội chủ nhà. "Khi chúng tôi phát hiện ra các nạn nhân thì họ đã chết rồi", Abdul Majid một thành viên của đội y tế cho biết.
Dù có sức chứa lên tới hơn 80.000 chỗ ngồi nhưng trước sức nóng của trận chung kết với đội ĐKVĐ Malaysia, hàng nghìn CĐV đã kéo về SVĐ Bung Karno để có thể dự khán trận đấu này. 88.000 chiếc vé đã được bán sạch nhưng rất nhiều CĐV không mua được vé vẫn cố chen lấn để có thể vào sân. Bất chấp nguy hiểm và sự trấn áp từ phía lực lượng an ninh, hàng trăm CĐV đã xông vào cửa số 15, phá rào chắn, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau.
CĐV cố thoát ra ngoài bằng cách leo lên rào chắn
"Chúng tôi đang vào sân, đám đông xô đẩy nhau để tiến về phía trước. Em trai tôi và tôi bị đẩy cách xa nhau. Sau đó tôi nghe nói có người bị ngã và đã chết, tôi chạy tới xem thì phát hiện ra đó chính là em mình", Helmi, anh trai của nạn nhân Reno Alvino, 20 tuổi, hãi hùng kể lại. Nạn nhân còn lại được cảnh sát xác nhận là Kusmanto, ở Cililitan, đến từ một quận ở phía Bắc Jakarta. Thi thể của hai nạn nhân sau đó được đưa tới bệnh viện Cipto Mangunkusumo ở trung tâm Jakarta.
Tái hiện Hillsborough
Cảnh các CĐV cố gắng bám lấy hàng rào để có thể thoát ra chảo lửa Bung Karno gợi nhớ đến hình ảnh của thảm họa Hillsborough cách đây 20 năm. Thảm họa xảy ra vào ngày 15/4/1989 ở sân vận động Hillsborough, Sheffield (Anh), đã cướp đi sinh mạng của 96 CĐV Liverpool đến xem trận đấu bán kết của cúp FA với Nottingham Forest. Vào lúc đó hầu hết các SVĐ ở Anh đều được bao quanh bởi những hàng rào thép kiên cố nhằm phòng tránh cũng như hạn chế những cổ động viên quá khích. Lượng CĐV ào vào sân lúc đó quá đông khiến BTC không thể kiểm soát nổi và nhiều CĐV đã bị đẩy dần về phía hàng rào thép ngăn cách giữa khán giả và cầu thủ trên sân. Rất nhiều Liverpudlians đã cố tìm cách thoát thân bằng cách leo lên hàng rào chắn hoặc leo lên trên cao. Thảm kịch này đã dẫn đến việc những rào chắn ở các trận đấu tại Anh được dỡ bỏ.
Nhưng ở bóng đá Đông Nam Á và cụ thể là sân Bung Karno, những rào chắn bằng thép cao vút này vẫn đang được sử dụng. Ngay đến cả lực lượng an ninh dù đã được trang bị mọi kiến thức về giải cứu cũng phải sử dụng đến những cái thang lớn và thậm chí là cả giàn giáo chỉ dùng trong xây dựng nhà cao tầng mới leo qua được rào chắn này để sơ tán những người bị ngất, đa số là phụ nữ và trẻ em ra ngoài.
May mắn là BTC đã có sự giải cứu kịp thời để tránh khỏi bi kịch đã diễn ra phía bên ngoài cổng nhưng cảnh tượng ở trận chung kết này đã làm dấy lên câu hỏi: Liệu đã đến lúc những nhà quản lý bóng đá Đông Nam Á nên ngồi lại để bàn về vấn đề dỡ bỏ rào chắn ở các SVĐ tại đây để những thảm họa không còn xảy ra?
Cảnh tượng tại trận chung kết SEA Games 26
Và tại Hillsborough 20 năm trước
(Theo TT&VH)