Những cầu thủ ngoại sang Việt Nam đều ôm mộng, nhưng không phải ai cũng được ký hợp đồng.
Họ tới Việt Nam với khát vọng đổi đời. Nhiều người đã có được điều mình muốn. Nhưng cũng có không ít cầu thủ, nhà môi giới phải rơi lệ, thậm chí phá sản vì không hiểu mình có gì và chẳng biết “thiên đường” cần gì để đáp ứng.
Những ngày này, tại nhiều đội bóng tấp nập cảnh đón - thử việc và tiễn cầu thủ ngoại ra về. Đôi khi, người ta chỉ cần tuyển một vị trí trong đội hình nhưng có đến hàng chục ngoại binh xin thi. Thế nên, nếu bạn đến sân tập của một đội bóng nào đó mà phải chứng kiến cảnh “ta” chẳng thấy đâu toàn “tây” lố nhố thì cũng đừng ngạc nhiên.
Không hiểu từ đâu và vì sao mà làn sóng ngoại binh đổ bộ vào Việt Nam nhiều đến vậy. Có thể, do những khoản lót tay và lương cao ngất ở Việt Nam khiến các nhà môi giới cả tây lẫn ta quyết tâm nuôi mộng làm giàu.
Nhưng như đã nói, thiên đường không chỉ có giấc mơ màu hồng mà còn đầy rẫy những cạm bẫy. Cạm bẫy đến từ cảnh “chen bán” giữa các nhà môi giới. Bây giờ, với nhiều nhà môi giới, có cơ hội được thử việc đã là niềm hạnh phúc lớn lao chứ nói gì đến chuyện được ký hợp đồng. Mà giữa cảnh xô bồ thử việc ngoại binh, ai dám đảm bảo các cuộc sát hạch, tuyển chọn sẽ diễn ra một cách công bằng?
Bi kịch đáng sợ nhất của các nhà môi giới là “trăm người bán nhưng chỉ có một kẻ mua”. Mà không bán được “hàng” thì chỉ có đường sập tiệm, bởi một ông bầu thường ôm cả chục cầu thủ ngoại sang Việt Nam và chỉ nguyên tiền vé quốc tế, di chuyện nội địa và ăn ở đã ngốn hàng chục ngàn USD.
Thế nên, với những nhà môi giới lọc lõi, thì bài học đầu tiên mà họ cần phải thuộc lòng khi đến Việt Nam làm ăn là “nói thế mà không phải thế” và “muốn làm giầu thì đừng ôm hàng rởm”.
Theo Bongdaplus