Thực tế, tần số xuất hiện “thần đồng” trong mọi lĩnh vực ở Việt Nam có lẽ chẳng thua quốc gia nào, thậm chí còn có thể gọi “loạn thần đồng”.
Có điều, các thần đồng cứ rơi rụng vào hư vô, nhiều trường hợp phát triển không bình thường, cuối cùng không ít trở thành... “thằng đần”, theo nhiều nghĩa.
Họ là nạn nhân của chính họ, và người lớn. Nhiều trường hợp trẻ phát triển sớm so với lứa tuổi, có vài tố chất đặc biệt, đã được thổi thành thần đồng với sự hỗ trợ đắc lực của cộng đồng mạng và giới truyền thông. …
Thể thao loạn thần đồng
Trong dăm năm trở lại đây, thể thao Việt Nam rất ít thần đồng, đấy là những tài năng kiệt xuất, thiên bẩm, chói sáng, trước hết trong những giải đấu trong nước. Từ những năm 2004 trở về trước, cứ gọi là loạn thần đồng, từ bóng đá đến thể thao đỉnh cao.
Nhưng tiếc rằng, đấy là sản phẩm của một nền thể thao nhà nhà chạy theo thành tích, làm mọi cách, kể cả tiêu cực, để nhào nặn nên những thần đồng, hơn là chú trọng đào tạo những tài năng, hay nói cao siêu hơn là những thần đồng thể thao đúng nghĩa.
Nguyên Chủ tịch Liên đoàn điền kinh đồng thời là nguyên Giám đốc Sở Thể dục thể thao Khánh Hòa, ông Trần Vĩnh Lộc, từng có câu nói nổi tiếng: “Người ta ăn gian, mình không ăn gian sẽ chịu thiệt, là dại!”. Gian lận tuổi đã đành, người ta còn hô biến vận động viên này đội lốt người khác.
Bóng đá thời điểm đó, nhức nhối nhất là các giải thiếu niên, nhi đồng. Những “thần đồng” như Trang Hồng Sơn, Trần Thế Vọng, Đậu Sỹ Điệp, Minh Ngọc, Văn Chung... đã tiêu tốn không biết bao thời gian dư luận, giấy mực của báo chí. Đến nay, các thần đồng đó đã đi vào “bảo tàng”!
Thủ tướng Chính phủ lúc đó đã phải ban hành chỉ thị 15 về chống gian lận trong thể thao. Năm 2003, Ủy ban Thể dục thể thao đã có công văn gửi đến các Sở Thể dục thể thao địa phương với nội dung kêu gọi tự giác khai báo những trường hợp lỡ gian lận ở các giải trẻ. Lãnh đạo ngành thể thao “thề” rằng sẽ không phạt. Kết quả, địa phương nào cũng gian lận, hàng trăm vận động viên đã được trả lại tuổi và tên.
Khi việc chống gian lận tuổi tốt lên, thì dẫn đến thực trạng thể thao Việt Nam và bóng đá nói riêng khủng hoảng thần đồng là chuyện dễ hiểu. Lúc đó mới vỡ ra vấn đề nghiêm trọng: Công tác đào tạo, chăm sóc vận động viên tài năng ở Việt Nam quá bất cập.
Môi trường thiếu lành mạnh, những tác động của xã hội, công tác giáo dục tư tưởng, công tác quản lý, chưa tạo điều kiện để các thần đồng phát triển toàn diện, dẫn đến rất nhiều tài năng thể thao đã “gãy cánh giữ lưng trời”. Bóng đá thì có Phạm Văn Quyến. Thể thao đỉnh cao có đô cử Hoàng Anh Tuấn. Giờ đây, dư luận đang lo thon thót cho sự phát triển của thần đồng bơi lội Hoàng Quý Phước...
Thần đồng ngoại cũng... “đần”
Đời sống bóng đá Việt Nam vừa sôi lên với sự kiện “thần đồng” triệu đô Emil Lê Giang, người từng được Liverpool và Juventus theo đuổi, về tìm chỗ đứng ở V-League. Dân ta nhanh nhẩu, chưa kiểm chứng, chưa biết “ngô khoai” ra sao nhưng quá mất thời gian, kỳ vọng vào Emil Lê Giang.
Kết quả, Lê Giang đã nhanh chóng bật bãi, giống như cậu em ruột - thủ môn Patrick Lê Giang - cách đây ba năm. Cầu thủ này cũng đã phải nói chia tay, sau khi thử việc thành công trong màu áo đội tuyển U22 Việt Nam.
“Thần đồng” Emil Lê Giang không “đủ tuổi” đá ở V-League. Ảnh: V.V
Nếu Lê Giang giỏi thật, việc anh tìm đến sân cỏ còn nghiệp dư như V-Leaguer thì rõ là “khờ”, dù có lý giải đó là tình yêu quê hương. Đơn giản bởi viễn cảnh Lê Giang bị thui chột tài năng là nguy cơ cao.
Người hâm mộ bóng đá đang chứng kiến thần đồng người Mỹ gốc Việt Lee Nguyễn tỏa sáng trong màu áo CLB New England Revolutions tại giải nhà nghề Mỹ MLS, lại thở dài khi anh đã có những năm tháng quá nhạt nhòa ở V-League. Đúng là Lee Nguyễn cũng rất... “khờ” khi chọn V-League làm điểm đến, và ở lâu như thế khi nhận ra sai lầm!
Thế giới cổ tích ở Hàm Rồng
Như Thuật, người từng được xem là “thần đồng”, được kỳ vọng sẽ trở thành một Hồng Sơn thứ hai, từ chối một cuộc trao đổi về chuyện “thần đồng”. Giọng anh buồn bã: “Em còn gì để mà lên báo, để chú ý nữa đâu anh. Em giờ chỉ muốn được yên ổn, gia đình cũng chẳng muốn em lên báo”.
Quả là cái kết thật chua chát cho Như Thuật, hay cho Văn Quyến, và hàng loạt “thần đồng” lứa U16 Việt Nam từng được kỳ vọng năm 2000. Ngay sau thành công ở vòng chung kết U16 châu Á, Văn Quyến đã tới tấp nhận được các hợp đồng quảng cáo, là cầu thủ có thu nhập cao nhất thời bấy giờ. Ánh hào quang bao phủ, chưa đủ tuổi làm người lớn nên Quyến đã chìm ngập trong men say, không nhận ra đâu là lối đi đúng cho cuộc đời mình.
Thể thao Việt Nam, bóng đá nói riêng đang thiếu những trung tâm có những điều kiện để đào tạo nên một vận động viên tốt về chuyên môn, nói gì tư cách, trí tuệ.
Trong lúc đó, điều kiện khí hậu, các tài nguyên biển, rừng, đồi núi ở ta không thể nói là chẳng thuận lợi cho sự phát triển các loại hình thể thao, cũng như đào tạo chuyên sâu những thần đồng. Chúng ta cũng lãng phí quá nhiều tiền của cho những công trình thể thao xây nên rồi đắp chiếu, hoặc các đại hội thể thao thiếu chiều sâu, mang tính hình thức.
Sau 12 năm lên chuyên, bóng đá ngốn quá nhiều tiền, nhưng vẫn lộ ra một khoảng trống hun hút: Đào tạo trẻ. Các trung tâm đào tạo bóng đá của VFF đến cấp CLB, đều không phát huy được hiệu quả. Quá lâu rồi, chúng ta không chứng kiến một cầu thủ trẻ thực sự là thần đồng, làm mê đắm người xem bằng kỹ thuật siêu phàm.
Quá hiếm những CLB đầu tư một học viện bóng đá tử tế. Thay vào đó, các ông bầu chỉ mới coi những mảnh đất đó dưới góc độ kinh doanh phi bóng đá. Năm 2007, bầu Đức đã bỏ ra 4 triệu USD để xây Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG.
Số tiền đó là cực lớn nếu tính ở thời điểm 2007, và lúc đó chưa có ông bầu nào đủ đam mê dám làm như ông Đức. Các cầu thủ nhí đá bóng nhưng được trang bị mọi kiến thức để trở thành một công dân có ích. Một lứa chỉ tuyển hơn chục học viên, phải chọi với hàng vạn ứng viên trên khắp toàn quốc, có thể coi đấy là những thần đồng bóng đá.
Ông Đức thổ lộ ông có niềm vui mỗi khi ngồi xem các cầu thủ nhí đá bóng. Đương nhiên, ông bầu này thừa hiểu rằng, cách tốt nhất để bảo vệ những “thần đồng” non nớt của mình là hạn hế tối đa với thế giới bên ngoài. Rất hiếm khi các cầu thủ nhí của ông Đức “hạ sơn”.
Hàm Rồng là câu chuyện cổ tích, là thế giới riêng đầy lãng mạn của các thần đồng nhí. Các em cần được bảo vệ, tránh xa những nhiễu nhương của bóng đá chuyên nghiệp đang nhiều thứ phát triển lệch lạc ngoài kia. Ở đó, ông Đức từng chua chát: “Cầu thủ ta càng lớn càng mất dạy!”.
Không chỉ ông Đức, nhiều người hâm mộ đang hy vọng những thần đồng của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG sẽ góp phần làm rạng danh bóng đá Việt Nam sau này. Ít ra, là những lát cuốc mở ra con đường làm bóng đá tử tế.
Theo Thethaovanhoa