Bóng đá VN thời các ông bầu “lãnh đạo”

Thứ tư, 02/05/2012, 14:21
Trong khi nhiều doanh nghiệp báo lỗ và báo nợ thì riêng “sàn” bóng đá lại cho thấy các doanh nghiệp rất “ăn nên làm ra”.

Tin liên quan
>>
Bầu Đức tin VPF kiếm được 600 tỷ đồng/năm từ bản quyền truyền hình? 
>>Các ông lớn của DN Việt chen chân vào VPF


Sau khi có được thương quyền các giải đấu từ AVG, các ông bầu làm bóng đá đã triển khai hàng loạt vấn đề trong đó khẳng định ngay sức mạnh bằng việc tìm nguồn cho bóng đá Việt Nam.


“Chứng chỉ” cho các doanh nghiệp “bảo trợ” bóng đá Việt Nam

Nếu tinh ý hơn thì nhiều người sẽ thấy ngay từ vòng 15, thời lượng quảng cáo trước, giữa và sau trận đấu trên sóng truyền hình VTV và VTC sẽ dày hơn và “khách hàng” là những tên tuổi trong “Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam” mà VPF “chọn”.

Cũng từ vòng 15 đánh dấu thời điểm ban hành “quy chế bóng đá chuyên nghiệp” với nhiều thay đổi, dù đích thân Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký nhưng về nội dung thì chịu ảnh hưởng nhiều bởi các ông bầu làm bóng đá.

Việc tìm nguồn đã có đầu ra qua “kế hoạch” mà bầu Kiên đại diện cho VPF phát đi thông điệp các doanh nghiệp, các nhà bảo trợ trong “Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam”. Những đơn vị này sẽ góp tiền “cho” bóng đá và đổi lại được quyền lợi bằng những clip quảng cáo trên sóng các nhà đài trực tiếp các trận đấu V-League.

Nói là đổi quảng cáo cũng chẳng sai, nhưng ở đây những doanh nghiệp gắn với bóng đá còn có thêm cái danh “Hội đồng bảo trợ” và “kêu” hơn ở chỗ hội đồng này có sự chọn lọc từ phía VPF qua uy tín, qua sự lớn mạnh, thành đạt của doanh nghiệp.

Nó như một “chứng chỉ công nhận” trong thời buổi nhiều doanh nghiệp đang báo lỗ và báo nợ nhưng với “Hội đồng bảo trợ” thì được bảo đảm và được phong cấp từ “nhà cấp chứng chỉ” VPF.

Theo bầu Kiên thì cách làm này không mới mà được học từ nhiều quốc gia tiên tiến đã qua quá trình làm bóng đá chuyên nghiệp thành công để tạo nguồn và để phát triển bóng đá.


Cuộc chiến của các ông bầu
 

Cũng chính ông bầu này “bật mí” các ông bầu làm bóng đá tham gia trong HĐQT VPF sẽ không “ngồi lâu” ở ghế điều hành mà sau 3 năm khi mọi cái đã vào guồng rồi thì các ông bầu sẽ dần rút ra để trao cho những người kế thừa, hoặc trao trực tiếp cho những người làm bóng đá, những người của ngành thể thao.


Bầu đấu bầu?

Tất nhiên trong “group” những ông bầu làm bóng đá, lãnh đạo bóng đá có những ông bầu bị “chống” mà điển hình là cách làm thành công (về mặt thành tích, thu hoạch) của bầu Hiển đang bị “chặn” từ quy chế.

Khi bóng trong chân VPF, quy định một ông chủ hai đội bóng đã bị vô hiệu hóa qua cách lý giải của bầu Hiển rằng ông chỉ là Chủ tịch của Hà Nội T&T, còn với SHB Đà Nẵng thì ông chỉ là một đơn vị có cổ phần tài trợ cho bóng đá Đà Nẵng mà thôi.

Cũng phải kể thêm từ khi VFF còn điều hành các giải đấu quốc nội thì quan hệ giữa bầu Hiển và VFF rất thân qua những chuyến đi châu Âu cùng việc “hợp tác” phát triển những đề án của Hà Nội T&T được VFF ủng hộ.

Nay “gió” đã đổi chiều khi vai trò của VFF “teo” dần dưới cái bóng của VPF và có những lúc VFF bị dẫn dắt bởi chính các ông bầu đầy quyền lực làm bóng đá và đang điều hành bóng đá thay.

Quy chế mới ban hành do VFF ký, nhưng rõ ràng nó chịu ảnh hưởng rất nhiều và rất quyết liệt từ VPF, từ các ông bầu làm bóng đá. Và những quy định đấy có điểm như trực diện vào việc “lách luật” của bầu Hiển qua quy định một ông chủ không được tài trợ cho hai đội bóng.

Chưa thấy bầu Hiển phản ứng lại, hay tìm kẽ khác để “lách” mà chỉ thấy ông bầu này hào phóng thưởng theo kiểu chia mỏng món tiền lớn qua trận Hà Nội T&T thắng đậm Hà Nội của bầu Kiên.

Số tiền hơn 1 tỷ (vượt quá quy định chỉ được thưởng 500 triệu/trận) đã được ông bầu này lách bằng cách chia nhỏ từng bộ phận từng công trạng gồm 500 triệu đồng cho toàn đội; 100 triệu đồng cho thủ môn xuất sắc Dương Hồng Sơn; 50 triệu đồng cho mỗi cầu thủ ghi bàn; 25 triệu đồng cho mỗi cầu thủ thực hiện đường chuyền thành bàn; 100 triệu đồng cho hàng thủ xuất sắc; 100 triệu đồng cho hàng công xuất sắc...


Để có sự hợp nhất của các ông bầu “vì bóng đá” và làm lợi cho bóng đá

Ở đây không khó để nhìn ra có sự phân hóa giữa các ông bầu mà điển hình là cách làm bóng đá của bầu Kiên và bầu Hiển trong cùng việc ghép tên, hoặc lấy tên Hà Nội đặt cho đội bóng của mình.

Bầu Kiên nói ông làm tất cả vì bóng đá Việt Nam trong khi vầu Hiển chưa bao giờ nói ông làm vì bóng đá Việt Nam mà chỉ hiện thực hóa việc làm mạnh CLB Hà Nội T&T của ông và làm hiệu quả SHB Đà Nẵng – hai CLB đang dẫn đầu V-League.

Nhìn vào các giải đấu hiện nay, ai cũng thấy vai trò của các ông bầu rất lớn trong việc “nắm” hầu hết các hoạt động và tự tìm hướng đi riêng để mang nguồn về và để bóng đá làm lợi cho bóng đá giống cái cách mà các ông đã điều hành doanh nghiệp.

Thực tế thì cái gọi là vì bóng đá Việt Nam mà bầu Kiên và nhóm các ông bầu trong HĐQT VPF đang chạy đã và đang tạo ra được một lộ trình mà ở đấy giá trị của bóng đá được nâng cao hơn và giải đấu được nâng tầm hơn, năng động hơn so với cách làm trước đây của VFF.

Và cũng không thể phủ nhận một cách làm khác theo hướng đi khác mà những ông bầu còn lại như bầu Hiển, bầu Trường, bầu Thụy hay bộ phận lãnh đạo của CLB SL Nghệ An đang “đứng ngoài” nhóm G5 của HĐQT VPF tuy chưa tỏ thái độ nhưng vẫn có cách làm riêng hiệu quả với chính CLB của mình, với những đóng góp cho quốc gia.


Chỉ tiếc là hai bộ phận này vẫn chưa thể là một

Hy vọng là lộ trình sắp tới sẽ là lộ trình hợp nhất chứ không phải các ông bầu lãnh đạo bóng đá thì cứ vẽ đường riêng còn các ông bầu còn lại thì cứ chạy trên đường ray của mình.

Cái này lại rất cần khả năng điều hành của “ông chủ” VFF đang “yếu” dần trước sự lãnh đạo của các ông bầu làm bóng đá đang thắng thế bởi bước đầu mang lại lợi nhuận từ những bài toán kinh tế như hoạt động của các doanh nghiệp.

Theo 24h

Các tin cũ hơn