Có khác chăng là chuyện một vị cựu trọng tài xem việc khiếu kiện đó là kiểu cách của bóng đá… làng xã, và kiện kiểu ấy có mà kiện… củ khoai!
Vốn sinh ra từ làng xã, xem bóng đá làng xã từ bé đến nay, người viết không hiểu sao bỗng thấy chạnh lòng.
Thứ nhất là ở nước ta hiện nay, chỉ có làng xã mới có đủ đất để dành làm sân bóng đá cho trẻ em và cả người lớn. Mỗi năm, làng xã tự tổ chức lấy giải đấu, không tài trợ, không bản quyền, không cúp to cờ nhỏ… mà vẫn vui như hội.
Làng tôi, cứ ra Giêng là tổ chức một trận khai xuân với làng bên, tuy có va chạm đôi chút nhưng tan trận, ào xuống sông tắm, rồi uống với nhau chén rượu là … hòa giải, vui vẻ, vì khi đá hăng máu thì có tí ăn thua, nhưng nghĩ kỹ ra thì anh em, họ hàng cả, máu loãng cũng còn hơn nước lã…
Văn Quyến đã từng là "thần đồng" của bóng đá Việt Nam nhưng có xuất phát điểm
từ bóng đá làng xã. Ảnh: Gia Khánh
Thứ hai, bóng đá làng vô cùng trung thực vì con ai, cháu ai, sinh ngày tháng năm nào biết hết, không vay tên, mượn tuổi được bao giờ! Thì bao nhiêu chuyện rõ rành rành của tệ gian lận tuổi, của chứng bệnh thành tích mà bóng đá ta đã vướng vào, báo chí nói đầy ra đấy.
Nào là câu chuyện của tài năng trẻ T.Đ.V. mà sau này mới biết ấy là tên của một trẻ khác (rất thương là T.Đ.V. như mọi người quen gọi sau giải TN-NĐ năm ấy về làm lơ xe và đã mất vì tai nạn giao thông). Đáng nói là ở ta, không chỉ lò đào tạo có tiếng SLNA dính kỷ luật vì gian lận tuổi ở giải trẻ!
Thứ ba, trọng tài làng không phải sát hạch, không hưởng chế độ cao, tất nhiên cảm tính là không tránh khỏi nhưng chắc chắn họ không bao giờ bỏ qua những lỗi kiểu như các trọng tài V.League vẫn mắc phải. Nếu bẻ còi ư, cả làng sẽ cạch mặt ra, chỉ có nước đi nơi khác mà làm ăn, sinh sống.
Tất nhiên ở làng có những trận đấu hoãn vô thời hạn hoặc kết thúc giữa chừng mà không có án kỷ luật nào được phát ra. Nhưng nói cho cùng, đó là… một phần không thể thiếu của bóng đá nói chung và bóng đá làng nói riêng, đành phải chấp nhận.
Thứ tư, nếu như bóng đá Brazil 5 lần vô địch thế giới, có mặt ở tất cả các vòng chung kết World Cup và luôn luôn là ứng cử viên số 1 của ngôi vua, với điểm xuất phát cố hữu là bóng đá đường phố, thì bóng đá Việt muốn đi ra, đi lên từ đâu nhỉ, nếu không muốn nói là từ bóng đá làng?
Trước khi có lò Thể Công, Nam Định, Sông Lam, Đồng Tháp hay Asenal – Hoàng Anh Gia Lai…, lý lịch của 100% học viên dứt khoát là từ bóng đá làng! Chả nói đâu xa, Văn Quyến trước khi lên tập trung ở lò Sông Lam vốn đã rất quen thuộc với việc chăn trâu, đá bóng ở làng Hưng Tiến – Hưng Nguyên. Công Vinh cũng thế, từng qua vô vàn trận đấu chân đất, bóng bưởi trên sân ruộng ở Quỳnh Lưu, qua giải TN-NĐ huyện, tỉnh rồi mới trưởng thành như mọi người đã biết.
Vì những lý do trên, dứt khoát cứ phải nói rằng, bóng đá ta xấu đâu thì xấu, tuyệt nhiên không nên xem nhẹ bóng đá làng!
Theo VietNamNet