Tin liên quan
>>Đột quỵ trong bóng đá: Bài học lớn cho thể thao Việt Nam
>>Hoãn tất cả các trận đấu ở Italia sau cái chết của Piermario Morosini
>>Cựu tuyển thủ Nhật Bản đột quỵ trên sân tập
>>Trọng tài đột quỵ sau khi bắt trận của Inter
VĐV bơi lội Dale Oen
Tần suất VĐV đột quỵ dày hơn
VĐV tài năng này đang cùng đội tuyển bơi lội Na Uy thực hiện chương trình luyện tập chuẩn bị cho Olympic 2012 tại khu tập luyện ở Arizona (Mỹ). Người ta phát hiện anh bị gục ngã trong phòng tắm sau một buổi tập và nhanh chóng đưa đi cấp cứu, nhưng kình ngư xấu số nhiều khả năng bị truỵ tim, đã không qua khỏi.
Đang trong thời kỳ đỉnh cao phong độ, chàng trai sinh ra tại Pygarden này được coi là một trong những niềm hy vọng vàng của Na Uy tại London sắp tới.
Ngay trước khi ra đi, Oen còn chia sẻ đầy lạc quan trên Twitter: “Chỉ còn hai ngày ở trại tập huấn Flagstaff, rồi sau đó được trở về thành phố đẹp nhất Na Uy - Bergen”.
Tuy nhiên, anh đã ra đi mãi mãi, khiến cho thế giới thể thao thêm một lần chấn động vì những nguy cơ liên quan đến sức khoẻ và tính mạng VĐV. Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg phát biểu trong đau đớn: “Một quốc gia nhỏ đã mất đi một tài năng thể thao lớn”.
Trước đó, cầu thủ bóng đá của CLB Bolton đã ngã quỵ ngay trên sân trong trận đấu với CLB Tottenham ở Cúp FA (Anh), nhưng may mắn được cứu sống dù tim đã ngừng đập. Sau đó hai cầu thủ bóng đá khác là Morosini (Italia) và Svamberg (CH Czech) cũng bị đột quỵ và không qua khỏi.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 2 tháng qua, đã có 4 VĐV bị đột quỵ và ba trong số đó đã không còn cơ hội được thi đấu thể thao. Trước kia cũng đã từng có những VĐV bị đột quỵ và tử vong khi đang thi đấu (chủ yếu là cầu thủ bóng đá), nhưng phải một vài năm mới xảy ra một vụ.
Thiết bị y tế không được quan tâm đúng mức
Trở lại với cái chết của Morosini - cầu thủ CLB đang thi đấu ở Serie B - một cái chết mà nhiều người cho là oan ức. Đất nước Italia từng rất tự hào về hệ thống kiểm tra sức khoẻ cầu thủ. Nay thì niềm tự hào đó bị lung lay dữ dội. Rõ ràng, cần phải có một hệ thống kiểm tra y tế ngặt nghèo hơn nữa cho giới quần đùi, áo số.
Trong lịch sử Serie A, có hai cầu thủ rất nổi tiếng từng bị cấm ra sân do bị bệnh tim là tiền đạo Nwankwo Kanu (Nigeria) và Casano (Italia). Nhưng họ đều đã phẫu thuật tim và được phép trở lại thi đấu. Vậy thì tại sao lại không kiểm tra sức khoẻ tất cả cầu thủ trước khi ra sân để ngăn chặn nguy cơ cầu thủ bị đột quỵ khi đang thi đấu?
Sau nhiều vụ việc đau lòng như vậy, người ta buộc phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề an toàn y tế tại các sân vận động. Piero Gnudi - Bộ trưởng Thể thao và Du lịch Italia - nói rằng ông muốn thấy các dụng cụ y tế, trong đó có máy khử rung tim, phải có mặt ở các sự kiện thể thao. Điều trớ trêu là các thiết bị ánh sáng trên sân vận động luôn đảm bảo cho truyền hình trực tiếp các trận đấu, nhưng các thiết bị y tế lại không được quan tâm đúng mức.
Chắc chắn cái chết của Oen và các cầu thủ bóng đá là bài học lớn cho các nhà tổ chức thể thao. Nhưng từ lúc này, khi mà thời điểm từ nay tới Olympic London chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, vấn đề y tế cho VĐV cần phải được quan tâm nghiêm túc. Đây là lúc hầu hết các VĐV đang luyện tập với cường độ rất cao nên nguy cơ xấu về sức khoẻ luôn rình rập họ.
Theo Lao động