>>V-League có thể vỡ bất cứ lúc nào
>>Góc khuất V-League: Không 'đập đá' là nhà quê lên tỉnh
>>Thị trường chuyển nhượng ảm đạm: V-League thời bão giá
Chẳng phải “bầu Kiên và những người bạn” không nhận ra tác hại khó lường của việc vung tiền thưởng tùy hứng. Trong buổi tổng kết mùa giải 2011, ông Kiên đã chỉ trích đích danh Hải Phòng - đội bóng công khai chi 10 tỷ đồng cho 4 trận cuối mùa với mục tiêu trụ hạng. “Nếu Hải Phòng không được trọng tài bênh thô thiển như ở các trận gặp Hòa Phát, Bình Dương hay cả với Hà Nội ACB thì họ có tồn tại nổi không”.
Vấn đề là hơn nửa năm trôi qua, VPF nhiều lần khẳng định sẽ buộc các CLB chỉ được thưởng tối đa 500 triệu đồng mỗi trận, nhưng cuối cùng mọi chuyện vẫn chưa có gì thay đổi. Trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp mới ban hành ngày 25/4 cũng như Điều lệ giải không hề thấy có quy định về mức trần tiền thưởng.
Ông Phạm Ngọc Viễn - Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF kiêm Tổng Giám đốc VPF thừa nhận: “Chúng tôi mới chỉ khuyến cáo các CLB thưởng tối đa 500 triệu đồng mỗi trận chứ chưa có văn bản quy định chi tiết việc này. Thêm nữa, thông tin các CLB thưởng tiền tỷ cũng chỉ thấy báo chí nêu, chứ phía CLB họ lại phủ nhận khi VPF hỏi tới thì cũng rất khó”.
Cầu thủ Hải Phòng sẽ 'bơi' trong tiền thưởng nếu đội trụ hạng thành công. Ảnh: ĐH.
Chia sẻ với cái khó của VPF, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh - người đã nhận lời làm thành viên Ban đạo đức VPF cho biết: “Mặt trái của việc vung tiền thưởng của các ông bầu ai cũng thấy. VPF cũng rất muốn hạn chế, kiểm soát nó nhưng để làm được việc này lại rất gian nan.
Ngay cả khi đưa việc này vào quy chế, các ông bầu vẫn còn rất nhiều cách lách luật. Ví dụ, họ vẫn công bố thưởng 500 triệu đồng mỗi trận nhưng lại thưởng riêng số tiền hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu cho mỗi cá nhân xuất sắc thì sao”.
Khi những khoản thưởng treo tiền tỷ lần lượt được đưa ra, đừng trách bạo lực sân cỏ sẽ gia tăng. Cầu thủ nào chẳng “máu chiến” khi biết thắng sẽ được thưởng lớn.
Khi những người làm chuyên môn đang bó tay hoặc làm ngơ trước một bất cập đã nhìn thấy rõ, thì đồng nghĩa với việc tiêu cực sẽ còn nhiều đất diễn.
Thời gian tới, khi mùa giải năm nay bước vào giai đoạn khốc liệt, chuyện nhiều đội bóng khác học “xé rào” theo cách của Ninh Bình (thưởng một tỷ đồng cho trận thắng Hải Phòng vòng 5), Đà Nẵng (thưởng gần một tỷ đồng cho trận thắng Hà Nội T&T vòng 6), Hải Phòng (thưởng 1,5 tỷ đồng sau khi thắng HAGL vòng 15) cũng chẳng có gì ngạc nhiên.
Và chuyện cầu thủ bỗng nhiên thi đấu như đi bộ trên sân vì không còn mục tiêu phấn đấu, ông bầu “quên” không treo thưởng cũng rất… bình thường. Có thể người hâm mộ vẫn còn phải đối mặt với một đoạn cuối V-League với nhiều điều “khó hiểu” y như những gì đã xảy ra trong 11 mùa giải trước.
Theo Dân Việt