Azarenka và Lopez thắng tại giải đấu giao hữu ở TP.HCM

Thứ sáu, 21/09/2012, 00:08
Tối 20/9, 4 tay vợt có đẳng cấp thế giới là Azarenka, Cibulkova, Gilles Simon và Feliciano Lopez đã chính thức thi thố tài nghệ của mình. Đấy là những màn trình diễn đẳng cấp cao, nhưng quần vợt Việt Nam được gì sau những trận đấu ấy mới là điều đáng bàn…
Azarenka thắng Cibulkova 2-0 (6/3, 6/3) và Feliciano Lopez thắng Gilles Simon 2-1 (4/6, 7/5, 10/2 – tie.break đến 10) trên sân Lan Anh tối 20/9 trong những trận cầu làm người xem mãn nhãn.
 
Dĩ nhiên, thắng hay thua trong những trận đấu như thế này không phải là điều quan trọng, càng khó có thể phân hạng các tay vợt thông qua những trận đấu kiểu như vừa nêu. Cái được lớn nhất của người hâm mộ quần vợt Việt Nam là được tận mắt chứng kiến những thần tượng bằng xương bằng thịt xuất hiện tại TP.HCM.
 
Trong những tình huống mà nhiều người có mặt trên sân Lan Anh ngỡ như rằng đường bóng đã hết đỡ, vẫn có tay vợt đỡ được. Nhiều lúc người xem có cảm giác rằng pha bóng ấy được một tay vợt đánh ra khiến tay vợt đối thủ hết cứu, nhưng vẫn… cứu được. Vì tất cả những tay vợt có mặt tại TP.HCM vào lúc này đều ở đẳng cấp hàng đầu.

Ở đẳng cấp của họ, họ có thể tạo nên những điều mà thông thường thì khán giả Việt Nam ít thấy nơi các tay vợt nội, với đẳng cấp hạn chế.

 

 
Azarenka đã gây sức hút lớn với người hâm mộ TP.HCM

Cái được lớn tiếp theo là hình ảnh của quần vợt Việt Nam nói riêng và phần nào đó là đất nước Việt Nam nói chung được biết đến nhiều hơn, sau khi có sự xuất hiện của các tay vợt nổi tiếng cỡ Azarenka, Gilles Simon ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài những cái được ấy, để đi tìm cái được về chuyên môn, những yếu tố có thể kích thích sự phát triển của quần vợt Việt Nam thì e rằng cực khó.

Như đã nói ở trên, đẳng cấp của các VĐV cỡ như Azarenka, Cibulkova hay Gilles Simon cách quá xa so với mặt bằng chung của quần vợt Việt Nam. Thế nên, chỉ xem họ đánh 1 ngày, hoặc thậm chí được đánh giao lưu với họ 1 ngày, thì các tay vợt chủ nhà vẫn chẳng thể học gì được từ họ.

Một yếu tố khác nằm ở chỗ rất hiếm người có may mắn tận mắt chứng kiến những ngôi sao trên thi thố tài năng, phần lớn vì những người tổ chức cuộc chơi không hướng đến mục tiêu chính là phục vụ những người hâm mộ thực thụ.

Khâu phân phối vé có quá nhiều bất cập, có đến 80% số vé được dành cho nhà tài trợ và các đối tác của công ty tổ chức sự kiện, trong khi chỉ 20% vé được bán cho người hâm mộ. Ấy vậy mà không hiểu từ đâu mà vé mời vẫn cứ “tuồng” thoải mái cho dân phe vé bán với giá trên trời (có thời điểm 1 vé VIP được đẩy lên khoảng chục triệu đồng/vé).

Với những ai yêu quần vợt, chuyện những ngôi sao có đẳng cấp thế giới đến TP.HCM và thi thố tài nghệ cao của họ là một sự kiện lớn, đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, dường như đằng sau sự kiện về quần vợt này, làng banh nỉ nước ta vẫn không phải là những người được hưởng lợi nhiều nhất, một khi mà giải đấu không hướng về những người đam mê quần vợt đích thực và cũng chẳng đủ sức kích thích sự phát triển chuyên môn của quần vợt nội.

Trong khi đó, những người tổ chức giải đấu dường như quá bận bịu với những con tính riêng của họ.


 
Theo Dantri

Các tin cũ hơn