Mức lương kỷ lục cho HLV nội cầm ĐTQG: Nếu 200 triệu đè cá tính!?

Thứ bảy, 05/01/2013, 01:28
Giữa ngồn ngộn những sự kiện choáng ngợp đời sống bóng đá Việt Nam những ngày này, nếu phải chọn ra một thứ nóng nhất và đáng quan tâm nhất, cá nhân tôi sẽ chọn sự kiện VFF quyết định trả 200 triệu đồng/tháng cho một ông thầy nội cầm ĐTQG.

Chao ôi, 200 triệu đồng/tháng cho một HLV có quốc tịch Việt Nam (chứ không phải quốc tịch Đức, quốc tịch Áo, hay quốc tịch Brazil…) – nó thực sự là một cột mốc lớn trong lịch sử phát triển BĐVN. Và hình như, vượt trên cả phạm trù bóng đá đơn thuần, con số 200 triệu ấy còn chứng tỏ nhiều thứ giá trị khác khiến người ta vừa có thể tự hào, lại vừa run run lo sợ…

Sự thắng thế của chất xám nội

Hỡi những người bạn đọc khó tính của tôi, bạn sống ở đâu trên dải đất hình chữ S này: thành thị hay thôn quê? miền núi hay đồng bằng? Tôi không biết. Nhưng có một điều tôi biết, đó là dù sống ở đâu chăng nữa thì bạn cũng ít nhiều phải đối diện với cái tâm lý vọng ngoại ở chính con người mình. Còn nếu việc tự mình soi mình là khó quá xin bạn hãy rỏng tai lên để nghe thiên hạ nói về điện thoại ngoại, xe máy ngoại, đồng hồ ngoại, bằng cấp ngoại, thậm chí là cả… tình yêu ngoại.

Riêng trong địa hạt bóng đá thì chao ôi, cầu thủ ngoại và huấn luyện ngoại đã trở thành một nỗi đam mê bất tận của gần như tất cả những con người tham gia cái xã – hội – bóng – đá này.

Đam mê lớn tới mức khi đội bóng của mình thua trận, ông HLV trưởng thường nhai đi nhai lại một câu rằng: “Ngoại binh của tôi kém hơn ngoại binh của người ta”. Với riêng VFF thì thầy ngoại dường như không chỉ là một nỗi đam mê, mà nói như PCT Hội đồng HLV QG Lê Thế Thọ thì nó còn là “một sự cứu rỗi không thể khác”.

HLV Calisto
Sau thời Riedl, Calisto, Falko Goetz, bóng đá Việt Nam sẽ trở về với phương án... thầy nội cầm ĐTQG.

Ông Thọ phân tích: “Phải mời thầy ngoại để lỡ ĐTQG có thất bại thì cứ thế đổ lỗi cho thầy ngoại là…xong”. Rõ ràng là trong một cơn đam mê ngoại bao trùm cả đời sống bóng đá lẫn những thứ ngoài bóng đá thì việc VFF quyết định dùng thầy nội – điều mà họ đã không dám làm trong suốt 15 năm qua, rồi trả cho thầy nội một mức lương lên tới 200 triệu đồng/ tháng là một tín hiệu đáng mừng. Cái tín hiệu mà với nó, chúng ta có quyền tự hào về chất xám nội của chúng ta.

Tất nhiên đã nói phải nói cho hết nhẽ, VFF chỉ quyết định dùng thầy nội sau một kỳ SEA Games thất bại toàn diện, thất bại thảm hại với ông thầy Đức mang tên Falko Goetz. Thế nên những người khó tính đã từng nhìn nhận vấn đề theo hướng: thầy nội chỉ được đụng tới khi thầy ngoại đã thất bại nặng nề mà thôi. Và một khi chỉ được đụng tới trong một tình huống thứ yếu, chẳng đặng đừng như thế thì cũng nào có vẻ vang, hãnh diện gì.

Nói như vậy xem ra hơi “nghiệt”, bởi sự sống không phải lúc nào cũng cho chúng ta chọn lựa một lối đi, một con đường như mình mong muốn. Thế nên trong những hoàn cảnh nào đó, việc phải đi trên một con đường gập ghềnh để đoạt được mục tiêu, và từ mục tiêu ấy cắm lên một cột mốc phát triển mới còn có ý nghĩa hơn so với việc nhất nhất giữ lấy một thứ “phẩm hạnh cao quý” để rồi cứ ngồi đó chờ đợi một con đường rải hoa không biết bao giờ xuất hiện…

…Và những thách thức cho chất xám nội

Thầy nội được chọn cầm ĐT, và thầy nội ở ĐT được trả mức lương khủng lên tới 200 triệu đồng một tháng – đấy chính là vế thứ nhất của vấn đề - cái vế mà khi nhìn vào tất cả những ai tôn vinh chất xám nội có quyền ngẩng cao đầu kiêu hãnh. Nhưng cũng phải tỉnh táo nhìn vấn đề ở vế thứ hai: Chúng ta có một thầy nội thực sự xứng đáng với con số 200 triệu đồng/tháng đó không? Cũng giống như việc chúng ta có sẵn một chiếc áo đẹp, nhưng liệu có được một tâm hồn đẹp, một tính cách đẹp để khoác trên mình chiếc áo đó không?

Cá nhân tôi – kẻ viết bài này không và không bao giờ có ý coi thường các HLV mang quốc tịch Việt Nam. Nhưng thực tế cuộc sống mách bảo tôi một sự thật, ấy là trong những lần hiếm hoi cầm ĐTQG hoặc các ĐT trẻ QG trước đây, có không ít những HLV Việt Nam để lại tai tiếng.

Nếu yêu bóng và thực sự quan tâm đến bóng đá nước nhà hẳn bạn chưa quên sự kiện 11 tuyển thủ đào ngũ khỏi ĐTVN năm 1991, khi ĐT được chèo lái bởi một ông thầy nội – sự kiện mà ở đó nhiều người phê phán các tuyển thủ không có tinh thần màu cờ sắc áo QG.

Sau này ngồi với những cầu thủ đã từng đào ngũ, tôi được biết rằng không phải những con người ấy không có tinh thần màu cờ sắc áo như một bộ phận dư luận phê phán họ. Cái chính là ĐTQG dưới sự dẫn dắt của HLV nội đã diễn ra tình trạng bè phái quá nặng nề.

Thực ra, ngay cả khi được dẫn dắt bởi một HLV ngoại, thì ĐTQG không phải không có chuyện bè phái, nhưng vấn đề là thầy ngoại vì không vướng bất cứ “dây” nào và không ngại bất cứ mối quan hệ nào nên luôn dàn xếp mâu thuẫn một cách công bằng nhất có thể.

Đơn cử như trong chuyến tập huấn của ĐTQG tại Áo năm 1998, khi các tuyển thủ rượt đuổi nhau tại một bìa rừng, và khi nhóm nọ từng nói thẳng về việc “không nhìn mặt” nhóm kia, thì HLV trưởng Alfred Reidl bằng sự công tâm công bằng của một ông thầy ngoại đã đứng ra giải quyết một cách đâu ra đấy.

Bên cạnh vấn đề giải quyết mâu thuẫn, còn một vấn đề tế nhị khác, đó là mối quan hệ giữa những ông HLV trưởng ĐT với các quan chức liên đoàn. Mối quan hệ mà ở đấy khi VFF gợi ý về việc phải gọi cầu thủ này, cầu thủ kia, hay phải dùng lối chơi này lối chơi kia thì phần lớn các ông thầy ngoại đều không vì thế mà xao động. HLV Lê Thụy Hải, người từng lên ĐT U.23 QG làm trợ lý cho Alfred Riedl đã có nhận xét rằng: “Nói chung, VFF không thể chỉ đạo thầy ngoại làm theo ý mình, nhưng với thầy nội thì tôi không dám chắc”.

Để chứng minh cho việc VFF vẫn thích “cầm tay chỉ việc” các ông thầy, ông Hải kể lại một câu chuyện liên quan tới chính mình ở ĐT U.22 QG tham dự Mederka Cup 2008. Hồi ấy, người cầm ĐT là HLV Mai Đức Chung, và ông Chung muốn ông Hải lên làm trợ lý cho mình. Tuy nhiên VFF không “khoái” một người dám nói, dám nổ như ông Hải nên tỏ ý không đồng tình. Phải đến khi ông Chung đấu tranh gay gắt thì cuối cùng ông Hải mới có thể lên Tuyển, và ĐT U.22 dưới sự dẫn dắt của cặp bài trùng Mai Đức Chung – Lê Thụy Hải năm đó đã đăng quang ngôi vô địch.

Kể lại câu chuyện này ông Hải nhận định: “Trong mối quan hệ với VFF, không phải thầy nội nào cũng cương quyết bảo vệ quan điểm của mình như Mai Đức Chung đâu – và đấy là một điều đáng lo”. Bình thường đã không dám bảo vệ quan điểm như vậy, đến khi nhận được từ VFF một khoản lương kỷ lục lên tới 200 triệu đồng/tháng, cái khả năng “bảo vệ quan điểm” của phần lớn các ông thầy nội cao – thấp tới đâu là điều không khó hình dung.

Trong vấn đề này cần phải thấy rất rõ rằng ông HLV trưởng ĐTQG chỉ có thể làm tốt công việc của mình khi được chọn một ê kíp trợ lý hiểu biết mình và những cầu thủ phù hợp với quan điểm chiến thuật của mình. Thế nên nếu không có toàn quyền quyết định trong vấn đề này, mà cứ bị ai đó chi phối về việc phải gọi người này, người kia, phải sử dụng chiến thuật này, chiến thuật kia để rồi dễ dàng chấp nhận sự chi phối ấy thì ông HLV trưởng ĐT khó mà hoàn thành nhiệm vụ.

Và như thế, 200 triệu đồng/tháng cho một HLV nội rõ ràng là một con số đáng mừng, đáng tự hào đối với những nhà cầm quân Việt Nam. Nhưng khi sở hữu con số 200 triệu ấy rồi, phải làm sao để nó xứng đáng với mình, thay vì để nó đè chết cái tôi của mình lại là một vấn đề không đơn giản!

HLV Lê Thụy Hải: “Tôi thấy 200 triệu đồng/tháng hấp dẫn thật, nhưng nên nhớ một HLV đích thực khi lên ĐT không phải hướng đến mục đích nhận lương khủng, mà cái chính là để thể hiện năng lực của mình. Nếu chỉ lên ĐT vì tiền, và cũng vì tiền mà dễ dàng thỏa hiệp với người trả tiền thì ông HLV trưởng ĐT sẽ đánh mất đi sự tôn trọng của chính cầu thủ đối với bản thân mình.

Theo CAND

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích