Khi các ông bầu thỏa hiệp

Thứ ba, 27/09/2011, 00:00
Đã không có “quả bom” nào được bầu Hiển tung ra trong buổi giao lưu trực tuyến trên một tờ báo mạng hôm qua. Mối quan hệ của ông với bầu Kiên cũng được “nhẹ nhàng hóa” bằng vài lời nhắc khéo, chung chung. Thậm chí, có vẻ như một trong những ông bầu nổi tiếng của bóng đá Việt Nam còn chẳng đụng chạm đến ai mặc dù đã có nhiều người phê phán ông về chuyện làm chủ 2 đội bóng. Có vẻ như, thế giới các ông bầu đang nhìn nhau mà nói thì phải.


Chưa chắc Hội nghị các Chủ tịch CLB sắp đến đã là nơi quy tụ các ông bầu

Nói chính xác là có một sự thỏa hiệp nhất định trong các phát biểu của bầu Hiển. Ông không đặt nặng vụ bị hớt tay trên Lê Công Vinh, thay vào đó, ông lại “đề nghị” được tán thành việc một ông bầu có thể sở hữu nhiều đội bóng. Như chúng ta đã biết, bầu Hiển từng có lúc nắm trong tay đến 5 CLB khác nhau. Hiện nay, ông còn 3 đội và hình như vẫn đang muốn tăng thêm. Nguyên nhân, cũng chính do ông này thừa nhận “làm bóng đá tôi chưa thấy có thiệt hại gì”.

Giới quan sát cho rằng, bầu Hiển nói như vậy là đương nhiên bởi nếu ông căng vụ Lê Công Vinh thì sẽ có người dò xét ông việc sở hữu nhiều đội bóng. Không có Công Vinh thì chẳng sao cả (dù tất nhiên là bầu Hiển chẳng vui vẻ gì) nhưng không thể làm ông bầu của nhiều đội bóng thì bầu Hiển chắc sẽ không còn muốn đầu tư cho bóng đá. Công bằng mà nói, chưa ai tiến nhanh, tiến xa trên những gì mà bóng đá đem lại bằng bầu Hiển. Không thể vì vụ Công Vinh mà bỏ quên đại cuộc được.

Tuy nhiên, qua cách trả lời của bầu Hiển, đã có không ít lo ngại về những quan điểm khác nhau của các ông bầu. Bầu Kiên tuyên bố “nếu muốn thì sẽ mua được 5 hay 10 đội bóng cùng lúc”. Bầu Hiển  bảo: “Ừ, thì mua đi. Quan trọng là đầu tư được đều đặn hay không”. Rõ ràng là các chế tài của VFF quá mỏng, quá sơ sài khiến cho các ông bầu còn công khai ủng hộ việc có nhiều đội bóng. Miễn sao có nhiều tiền là được.

o0o

Như chúng tôi đã đề cập, bóng đá Việt Nam ngày càng lộ rõ đó là một sân chơi mà chính các ông bầu là người kiểm soát. VFF đang đứng trước một thách thức rất lớn về mặt uy tín. Nếu bầu Kiên “tấn công” trực diện tổ chức này bằng việc “cướp diễn đàn” thì bầu Hiển lại lặng lẽ nói tốt cho VFF bằng cách đề nghị các ông bầu nên ngồi lại với nhau chứ đừng phản đối VFF một cách thái quá. Quay đi, quay lại, rốt cục những người đang hoạt động mạnh nhất là các ông bầu đang nắm nhiều tiền trong tay. Họ đang dần biến bóng đá thành một sân chơi của riêng mình mà chẳng cần đến một Super Liga.

Trên tình hình đó, nhiều khả năng sẽ có một sự thỏa hiệp giữa các ông bầu theo kiểu “Tôi nhường anh cái này, anh nên ủng hộ tôi cái khác”. Tóm lại, đấy là cuộc chơi giữa những người có tiền. Và như đã biết, chính một phần của cuộc chơi đó đã làm bóng đá Việt Nam ra nông nổi này.

VFF vẫn đang bị động. Hội nghị các Chủ tịch CLB sắp đến chưa chắc đã là nơi quy tụ các ông bầu. Vì sao? Vì họ đến để làm gì chứ khi chẳng ai biết, kết quả của hội nghị ấy sẽ được VFF tiếp thu ra sao? Giả sử như họ đề nghị Đại hội bất thường thì VFF có làm không? Nếu không thì đi dự hội nghị để làm gì, làm sao bằng được vài cú điện thoại nói chuyện với nhau.

Các ông bầu vẫn đang trách cứ lẫn nhau mà vẫn chưa ai chịu trách nhiệm chính về chuyện giá cả cầu thủ hay sở hữu các đội bóng bởi các vấn đề đó, chung quy cũng chỉ là tiền ít hay tiền  nhiều. Còn VFF thì ngày càng chứng minh rằng họ chẳng còn nhiều giá trị trong mắt các ông bầu. Không ai nhờ đến VFF để dàn xếp thì đương nhiên, phải tự dàn xếp với nhau thôi.

(Theo SGGP)

Lê Trung

Các tin cũ hơn