Cầu thị hay “diễn tuồng”?

Thứ năm, 15/09/2011, 00:00
Ông Dương Nghiệp Khôi, sau phát biểu của bầu Kiên và ông Lê Hùng Dũng, đã nói “nếu có ai khác thay tôi, thì tôi xin ủng hộ”. Hôm qua, đến lượt chủ tịch VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ nói “nếu tôi mà nghỉ, tôi sẽ đề cử bầu Kiên làm chủ tịch”.

>Ông Nguyễn Trọng Hỷ: Ủng hộ "bầu" Kiên làm Chủ tịch VFF


Ông Dương Nghiệp Khôi (Ảnh minh họa)

Ý của ông Khôi thì đã rõ: cứ tìm ra người thay thì tôi mới xin nghỉ. Nhưng ý của ông chủ tịch VFF thì hơi bị… phức tạp: Đợi tôi nghỉ đã, rồi mới đề cử người thay. Tóm lại, từ giờ cho đến lúc có người mới, thì người cũ cứ làm. Vấn đề là bao giờ mới có người mới và tại sao phải đợi đến có người mới? Đấy là 2 câu chuyện khác hẳn nhau nhưng người ta cứ cố ý lập lờ.

Những phát biểu thẳng thắn của bầu Kiên, dù đúng hay sai, thì bây giờ đã bị bóp méo tối đa. Từ việc BCH VFF thống nhất kết luận mùa giải 2011 thành công, ông bầu này coi như đã mang “tội vu khống”. Đến những phản ứng của ông Khôi, ông Hỷ thì bầu Kiên trở ngay thành “đòi hỏi quá mức”.

Vậy mà chính chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ nhận xét: “Anh ấy hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển bóng đá. Khi không còn làm chủ tịch VFF nữa, tôi muốn giới thiệu anh Kiên cho chức vụ này bởi bóng đá luôn cần những người yêu bóng đá thực sự và tâm huyết với nó”.

Câu hỏi đặt ra: một người như thế, sao không tìm cách bổ sung gấp cho VFF ngay từ bây giờ. VFF là một tổ chức xã hội luôn rộng mở, có cơ chế nào không cho phép bổ sung nhân tài đâu. Một người “hội tụ đủ nhiều điều kiện” như bầu Kiên mà hiện còn phải ngồi ngoài VFF thì có 2 lý do: hoặc hiện tại VFF toàn những người “hội tụ mọi điều kiện” hoặc là những người hiện nay không cần có thêm những điều kiện mà bầu Kiên đang có.

o 0 o

Ngay trước thềm cuộc họp tổng kết vừa qua của VFF, Liên đoàn cầu lông Việt Nam cũng tổ chức đại hội. Trúng cử chức danh chủ tịch là doanh nhân đứng đầu Tổng công ty xây dựng số 1. Chủ tịch danh dự là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Chúng ta có thể thấy ngay, cầu lông Việt Nam hội đủ những điều kiện của một tổ chức xã hội như thế nào về tiềm lực kinh tế lẫn uy tín chính trị. Và phải chăng vì thế, tổ chức này mới sở hữu một Nguyễn Tiến Minh đứng hạng 7 thế giới.

Mọi sự phát triển của cuộc sống đều do con người. Chuyện một người như bầu Kiên trở thành chủ tịch VFF cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng, cũng có người hỏi: liệu cơ chế tại VFF hiện nay có đủ  điều kiện để lôi kéo các doanh nhân tham gia hay không? Lời đề nghị của chủ tịch VFF thoạt nghe thì đầy tinh thần phát triển nhưng kỳ thực, chỉ nội cái việc “đợi tôi hết nhiệm kỳ” cũng như chuyện BCH phủ quyết các ý kiến của bầu Kiên cũng thấy, làm gì có cái thảm đỏ nào trải ra cho người ngoài.

Nếu nhìn từ Liên đoàn Cầu lông đến VFF thì chúng ta buộc phải đặt câu hỏi: Tại sao tổ chức thể thao quyền lực nhất lại không bao gồm những người quyền lực nhất? Uy tín của VFF đến mức nào mà không thể tìm ra người giỏi hiện nay để hết ông Khôi rồi ông Hỷ hứa: “khi nào có thì tôi nghỉ”. Đừng thắc mắc là tại sao không có người mà phải hỏi tại sao không có ai muốn gia nhập VFF. Những lời gợi ý, rồi đề nghị của các quan chức VFF tưởng là một sự cầu thị rộng rãi nhưng kỳ thực, lại phô bày thực trạng đáng buồn về sự thiếu hụt các nguồn lực xã hội đến với bóng đá Việt Nam.

(Theo SGGP)

Lê Trung

Các tin cũ hơn