Tiết lộ mới của bầu Kiên
Trở thành tâm điểm của dư luận sau khi “nổ bom” ở lễ tổng kết mùa giải 2011, bầu Kiên thừa nhận hơn 1 tuần qua, ông đã cố gắng không nói, không trả lời giới truyền thông, bởi lẽ theo ông, chọn đúng thời điểm để nói mới có sức thuyết phục cao. Nếu nói khơi khơi thì chẳng nên nói làm gì. Ông Kiên hình như vẫn còn nhiều điều muốn nói về bóng đá Việt Nam thì phải…
Đông đảo giới truyền thông đã tham dự cuộc đối thoại vào chiều qua.
Chiều qua, giữa cuộc đối thoại của các ông bầu làm bóng đá, trước đông đảo giới truyền thông, ông Kiên tiếp tục gây sốc bằng một tiết lộ khác: “Xin nói thật với các bạn, hôm tổng kết mùa giải 2011, tôi có được mời tham dự đâu. Đấy là tôi tự đến, tôi cố tình dự đấy chứ! Danh sách khách mời hôm ấy làm gì có tên tôi. Vậy mà tôi vẫn vào được và thậm chí còn cướp diễn đàn để nói ra những điều cần phải nói. Thực ra, tôi chẳng có ý hại ai ở VFF cả, mà chỉ muốn đóng góp ý kiến giúp cải tổ lại cả bộ máy quản lý ấy thôi. Hơn nữa, tôi rất sợ sẽ xảy ra một trào lưu bỏ bóng đá ở các doanh nghiệp khác. Muôn sự cũng vì cái chung cả! Tôi cũng đồng tình với báo chí khi cho rằng nên tổ chức đại hội bất thường để cải tổ triệt để VFF”.
50% các trận đấu có vấn đề
Hơn một lần trong cuộc đối thoại, Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai - ông Đoàn Nguyên Đức - cướp lời để phản biện lại những điều mà Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng vừa bày tỏ về thực trạng của bóng đá Việt Nam, nhất là ở đoạn cuối mùa giải 2011. Bầu Đức nhấn mạnh có đến 50% các trận đấu ở mùa giải vừa qua thuộc diện “có vấn đề”, mà nguyên nhân chính xuất phát từ đội ngũ trọng tài, chứ không phải chỉ là một vài trận như ông Dũng khẳng định.
Ông Đoàn Nguyên Đức: “50% trận đấu mùa vừa rồi có vấn đề!”
Với cách lập luận khá sắc, bầu Đức cho rằng VFF cần có những chế tài về tình trạng các CLB chèo kéo cầu thủ của CLB khác. “Nếu 1 cầu thủ bị kỷ luật ở CLB này, VFF nên đưa ra quy định không cho phép thi đấu cho CLB khác để tránh tình trạng cầu thủ làm eo, làm giá để đòi được ra đi đến với nơi trả tiền nhiều hơn. Như thế sẽ rất nhiễu nhương. Siết lại kỷ luật chỉ có thể là Liên đoàn, chúng tôi chỉ là những thực thể tham gia vào cuộc chơi ấy”, ông Đức nói.
Ông chủ của đội bóng phố núi nhắc đi nhắc lại nhiều lần, rằng VFF nên đổi vai Trưởng BTC giải, thay luôn bộ máy quản lý và điều phối trọng tài hiện nay: “Anh Dũng là người tâm huyết với bóng đá Việt Nam thực sự. Nên nếu mùa vừa rồi, anh Dũng mà thay anh Mùi (Chủ tịch Hội đồng TTQG Nguyễn Văn Mùi) đảm đương nhiệm vụ, thì có lẽ giải đấu đã chẳng xảy ra vấn đề gì”.
Lỗi thuộc về VFF!
Là dân kinh doanh, lại máu làm bóng đá, thế nhưng bầu Đức không chấp nhận chuyện khán đài nhiều sân vắng bóng khán giả khi đội nhà thi đấu. Theo cách tính của ông Đức, mỗi trận đấu ở V-League tiêu tốn khoảng 3 tỷ đồng, nhưng hiếm khi sân đầy khán giả. “Giờ đây, mỗi mùa bóng chúng tôi bỏ ra 60-70 tỷ đồng để nuôi đội bóng, nhưng khán đài vẫn vắng. Đá bóng kiểu đó thì đá để làm gì? Lỗi này thuộc về VFF, đặc biệt là về Ban tổ chức giải. Tôi nói thật, nếu chúng ta không cải tổ triệt để bộ máy quản lý bóng đá thì còn chơi làm gì nữa!”, ông Đức nói.
Theo quan điểm của bầu Thắng, hình như càng làm bóng đá sạch càng bị ép. Hơn 10 năm qua, ông Thắng thừa nhận chịu quá nhiều thiệt thòi ở V-League: “Tôi làm bóng đá sớm, nhưng càng làm càng thấy tội nghiệp cho những người đầu tư vào bóng đá. Có quá nhiều chuyện để nói về VFF, về bất cập ở đội ngũ trọng tài. Vì chế độ đãi ngộ cho trọng tài chưa tương xứng, vì ai cũng có thể vào làm trọng tài được nên mới rắc rối như lúc này. Chúng tôi là những người tâm huyết làm bóng đá, nhưng càng làm bóng đá sạch càng bị ép. Chúng tôi đang nuôi bóng đá, chứ bóng đá có nuôi được chúng tôi đâu. Nên dù có buồn cũng chẳng giải quyết được gì, tôi chỉ luôn tâm niệm rằng không có án gì nặng bằng án lương tâm”.
Ông Dũng toát mồ hôi
Dù ngay từ đầu đã xác định cuộc đối thoại này chỉ mang tính đóng góp, xây dựng những điểm có lợi cho công cuộc cải tổ VFF và bóng đá Việt Nam, nhưng Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng cảm thấy nóng mặt trước màn diễn thuyết của 4 ông bầu đội bóng. Liên tục bị bầu Đức, bầu Kiên rồi bầu Anh “xoay” đến toát mồ hôi, ông Dũng rõ ràng không thể nói cứng thêm nữa, nhất là khi từ đầu bầu Kiên đã “điều chỉnh” rằng ông Dũng đến dự cuộc đối thoại với tư cách là đại diện cho nhà tài trợ Eximbank, chứ không phải là Phó Chủ tịch VFF, bởi lẽ Thường vụ Ban chấp hành VFF chắc chắn không ủy quyền cho ông nhiệm vụ này.
Thế nhưng, nhiều thời điểm, chính ông Dũng mới là người “phản pháo” quyết liệt. Thậm chí, những câu hỏi mà ông đặt ra khiến các ông bầu phải nhức đầu, kiểu như “trọng tài sai, nhưng ai đưa tiền, ai chỉ đạo trọng tài làm như thế”, “các ông bầu mới là người quyết định giá trị chuyển nhượng cầu thủ, khi xảy ra rắc rối thì trách nhiệm thuộc về ai?”, “các ông chủ đội bóng cần có luật chơi riêng, cứ cam kết chơi sạch đi. Các anh làm bóng đá sạch, VFF làm bóng đá sạch và sạch từ cả 2 bên thì bóng đá Việt Nam mới tốt lên”…
“Tôi không đủ năng lực để làm Chủ tịch VFF”, bầu Kiên nói thẳng khi được hỏi rằng Chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Trọng Hỷ đã cố tình đề cử ông vào chiếc “ghế nóng” này. “Đầu tiên, tôi xin cám ơn anh Hỷ đã giới thiệu. Thế nhưng, vì tôi không có thời gian, vì tôi quá bận bịu với công việc kinh doanh nên tôi không thể đảm nhận vị trí này. Mặc dù vậy, tôi vẫn sẽ làm bóng đá và làm bóng đá đàng hoàng, làm bóng đá sạch, bất kể đội bóng nào không đi cùng hướng. Có thể 5-10 năm nữa khi tôi nghỉ hưu, nếu được đề nghị làm Chủ tịch VFF, lúc đó tôi sẽ nhận lời”, bầu Kiên nhấn mạnh.
Rất bức xúc, bầu Đức cho rằng tình trạng chuyển nhượng cầu thủ hiện nay đang hỗn loạn. “Cầu thủ ngày càng cà chớn, yêu sách. Cứ nuôi cho lớn, đá hay được một chút thì tìm mọi cách đòi đi. Tôi lấy ngay thí dụ về tiền đạo Tăng Tuấn của Hoàng Anh Gia Lai vừa rồi. Tôi đề nghị cậu ta 3 tỷ đồng để ở lại. Đùng một cái, Bình Dương đưa ra 8 tỷ, vậy là đi. Các CLB đều biết. Liên đoàn cũng biết nhưng không xử lý. Tại sao không có chế tài cho chuyện này?”.
Bầu Đức rất gay gắt khi đề cập đến vấn đề trọng tài: “Trọng tài kém quá, nhiều người thậm chí không có bằng cấp. Thế nhưng, tôi cứ nhìn thấy họ là sợ chết luôn. Bất kỳ đội bóng nào cũng có thể bị họ ép, họ giết ngay ở sân nhà. Tôi cho rằng khi trọng tài mắc sai lầm, chỉ xử lý treo còi 2 trận thì giải quyết được vấn đề gì. Thế mới có chuyện ngay sau trận đấu giữa Hải Phòng và Hòa Phát Hà Nội, bầu Long quyết định từ bỏ làm bóng đá vì trọng tài thổi quá bậy”.
Hầu hết các ông bầu dự cuộc đối thoại chiều qua đều nhấn mạnh về điều này. Theo ông Lê Tiến Anh - Chủ tịch CLB K.Khánh Hòa, thì đấy là việc cần kíp phải làm trong bối cảnh thiếu định hướng như hiện nay. Đại hội bất thường nếu được tổ chức bằng thiện chí của những cá nhân tham gia dĩ nhiên sẽ là cơ sở để cải tổ bộ máy VFF, đưa bóng đá Việt Nam thoát khỏi sự hỗn loạn lúc này. Bầu Kiên cũng cho rằng nếu VFF “đi nước cờ” đại hội bất thường sẽ được nhiều người ủng hộ. “VFF nên xem xét đề nghị của chúng tôi về việc triệu tập một đại hội bất thường. Ở đó, tất cả sẽ được làm rõ ràng, không có chuyện làm hời hợt. Nếu làm hời hợt, xã hội sẽ coi thường. Mà tôi sợ nhất là bị xã hội coi thường”, ông Kiên bày tỏ. Vấn đề này, SGGP Thể Thao đã nêu ra trong chuyên đề về VFF trong các số báo gần đây. Mặc dù chỉ mang tính chất dự báo, thế nhưng các ông bầu giàu nhất, nhì làng bóng đá Việt Nam cho rằng đấy là điều nên làm gấp rút, bởi lẽ nó có lợi cho VFF, có lợi cho đời sống bóng đá Việt Nam và trên hết là đem lại lợi ích cho người hâm mộ đang thực lòng trông đợi vào một cuộc cách mạng triệt để từ tổ chức quản lý bóng đá Việt Nam. |
Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Trọng tài sai bởi VFF hay...?
Tôi cũng từng nghe rất nhiều về chuyện này, theo tôi thì có 2 mặt. Thứ nhất là những hạn chế nên không theo kịp trận đấu nên dễ xảy ra những hậu quả đáng tiếc mà không chỉ ở Việt Nam mới có. Xem lại đánh giá của dư luận, báo chí thì hầu hết là do không theo kịp trận đấu. Đó là lỗi thiếu sót về mặt nghiệp vụ và là bạn đồng hành muôn thuở của bóng đá nên mình không thể bác bỏ được.
Ông Lê Hùng Dũng |
Nhưng vấn đề thứ 2 là nếu dùng quyền lực của mình để thu lợi bất chính, để dìm đội này nâng đội khác cũng như làm sai lệch kết quả trận đấu thì không thể chấp nhận được. Như trường hợp mới đây, tôi đề nghị loại 2 trọng tài khỏi đời sống bóng đá Việt Nam là sự kiên quyết mà thường trực VFF rất tán thành. Mùa tới, chúng tôi sẽ làm mạnh hơn. Nếu quyền lực mà không được kiểm soát thì sẽ dẫn tới hậu quả.
Tôi cũng đồng ý về việc nâng chế độ trọng tài thì họ mới sống được. Có những chế độ mà nhìn lại tôi mới… bật ngửa, như giá taxi từ sân bay về trung tâm thành phố ở Hà Nội, tiền lưu trú… chưa được nâng lên. Nếu như vậy thì trọng tài ăn vào đâu? Nếu cứ duy trì như vậy thì trọng tài chỉ “ăn” vào đội bóng thôi. Tôi có đề nghị với anh Trần Quốc Tuấn là phải cải thiện ngay. Nếu mùa tới Eximbank còn tài trợ cho trọng tài thì tôi đề nghị được xem cụ thể con số chi. Và sẵn sàng chế tài bằng việc trừ mỗi trận có biểu hiện tiêu cực 500 triệu đồng, tôi nghĩ sẽ khác ngay.
Nhưng có một điều tôi muốn đặt ra với các ông chủ, có hiện tượng trọng tài dùng quyền lực của mình trên sân cỏ để đè đội này, nâng đỡ đội kia. Nhưng câu hỏi đặt ra phía sau chuyện này là ai chỉ đạo, ai mua chuộc, ai đưa tiền cho trọng tài để làm việc ấy? VFF à? Chắc chắn là không! Thế thì ai đây? Tôi đề nghị là bên cạnh việc yêu cầu VFF phải chịu trách nhiệm thì còn vai trò của ông chủ các CLB. Nhân đây tôi cũng đề nghị mặt kia của vấn đề chúng ta hãy ngồi lại với nhau để thống nhất luật chơi của mình. VFF đã có luật chơi rồi thì các ông bầu hãy có luật chơi chung của mình đi. Các anh yêu cầu VFF sạch thì 14 CLB hãy ngồi lại với nhau để cùng thống nhất đá sạch. Nếu hai bên cùng làm được thì tôi nghĩ bóng đá Việt Nam mới mạnh được.
Chủ tịch CLB Hà Nội ACB - Nguyễn Đức Kiên: 30 tỷ đồng đổ vào v-league 2011 đi đâu?
Khi EximBank đồng ý tài trợ thì tôi cũng có ý phản đối. Tôi nói với anh Lê Hùng Dũng là xem lại chính sách cho những người tham gia giám sát, trọng tài cần thay đổi. Bây giờ, một đội tham gia giải VĐQG phải đóng 500 triệu đồng thay vì 200-300 như trước đây. Khi trọng tài và giám sát đến sân thì đủ người phải lo chi phí ăn ở, đi lại cho họ, cực lắm chứ.
Ông Nguyễn Đức Kiên vẫn băn khoăn về khoản tiền tài trợ 30 tỷ đồng của Eximbank không biết đi về đâu?
Chi phí cho giám sát và trọng tài là do Liên đoàn lo. Tôi nghĩ là gói tài trợ 30 tỷ là to lắm, tôi không biết Liên đoàn sử dụng như thế nào, nhưng nếu do chúng tôi tổ chức giải thì con số không nhiều đâu. Tôi thừa biết chi phí còn để nuôi bộ máy Liên đoàn, thậm chí còn có ở những đội tuyển khác. Tôi đề nghị anh Dũng làm rõ vấn đề này, nếu không thì tôi sẽ chất vấn trong buổi họp của Liên đoàn.
Nếu như không có sự thay đổi một cách căn cơ thì tôi cho rằng sẽ còn thêm nhiều người bỏ bóng đá. Tôi không đồng ý với phát ngôn của Tổng thư ký VFF (ông Trần Quốc Tuấn), nói là chuyện Hòa Phát bỏ bóng đá là bình thường. Tôi xin thưa là ở nước ngoài người ta bán CLB là vì lợi nhuận, bán mua có lời. Hòa Phát mỗi năm lãi gần 2.000 tỷ, chi phí cho bóng đá 50-70 tỷ đối với họ là nhỏ. Tập thể ban lãnh đạo tập đoàn này rất yêu bóng đá, nhưng họ đã quyết định bỏ bóng đá ngay sau trận gặp Hải Phòng. Nhưng vì trách nhiệm với bóng đá Việt Nam nên họ vẫn đá tiếp đến hết giải, trong đó có trận thắng ĐT.Long An.
Chủ tịch CLB Khatoco Khánh Hòa - Lê Tiến Anh: Hãy công khai hết đi!
Nếu nói doanh nghiệp bóng đá đã từng làm rồi bỏ bóng đá là tôi. Năm 1998, tôi đã từng làm bóng đá ở Khánh Hòa cho đến năm 2001. Đến năm 2005 chúng tôi mới quay lại. Theo quan điểm của tôi thì các anh phê phán trọng tài, BTC đó là điều đúng và hoàn toàn ủng hộ. Nhưng mấu chốt của vấn đề nằm ở hệ thống, chúng ta chỉ mới thấy cái sai của Hội đồng trọng tài hay BTC nhưng không thấy cái sai của cả VFF thì vẫn vậy thôi.
Tôi không nói về quá khứ mà muốn nói về tương lai. Cái minh bạch, khách quan mấy anh không có. Tại sao hàng tháng có giải cầu thủ, HLV xuất sắc thì lại không có được giải Còi vàng hay Cờ vàng xuất sắc? Mỗi trận đấu các giám sát sao không công khai điểm được chấm cho trọng tài để khán giả, người hâm mộ đối chiếu năng lực thực sự và bảng điểm của giám sát. Vậy thì vai trò của các giám sát ở đâu nếu chúng ta không có sự công khai?
Nếu mọi thứ đều công khai thì tôi nghĩ cho dù có con anh Mùi, cháu anh Mùi hay cả nhà anh Mùi vào giải Còi vàng, Còi bạc và Còi đồng thì xã hội cũng đồng tình. Vấn đề là chúng ta không có minh bạch. Nếu chúng tôi kiện thì kiện nhiều lắm, nhưng liệu sẽ giải quyết được vấn đề gì? Thường được trả lời là FIFA quy định không công bố, như vậy thì ức chứ!
Thay đổi VFF kiểu gì?
Bầu Kiên: “Tôi đề nghị thay Trưởng BTC giải, tôi cho rằng không hoàn thành nhiệm vụ. Thứ hai là phải cơ cấu lại Hội đồng trọng tài, tôi nêu thẳng là đề nghị anh Đoàn Phú Tấn làm Chủ tịch HĐTT và anh Phạm Ngọc Viễn làm Trưởng BTC giải. VFF là một tổ chức xã hội, ghế trong VFF là của các CLB, chúng tôi ý thức là thành viên nên nếu BCH không làm được thì chúng tôi có thể yêu cầu thay người. Tôi cũng không hiểu nỗi tại sao trước mỗi trận đấu CLB lại đem cọc tiền ra kêu đá tốt sẽ thưởng. Tôi đề nghị là phải ghi rõ trong điều lệ là không cho phép dùng tiền kích thích trận đấu. Các đội bóng tư nhân, VFF có thể kiểm soát tài chính CLB nhưng vì sao không làm được? Để giải tốt hơn, tôi đề nghị thay đổi cơ cấu VFF, từ CLB và cả từ cầu thủ. Như tôi đã đề nghị ở trên là thay đổi Trưởng BTC giải. Tiếp đến là tách BTC V-League và hạng Nhất ra bởi 1 người làm không hết việc đâu. Trưởng BTC phải là người của các CLB đưa ra và VFF là người phê chuẩn. VFF cũng chọn từ 3-5 người để gọi là Ban giám sát giải, họ là những người có chuyên môn về bóng đá. Tôi không tin là ở đất nước có 80 triệu dân mà không tìm được Trưởng BTC giải”.
(Theo SGGP)
Lê Trung