Trương Thanh Hằng dễ dàng vô địch cự ly 1.500m nữ
Bất ngờ lớn nhất của ngày thi đấu cuối cùng xảy ra tại chung kết cự ly 1.500m nam. Đương kim vô địch quốc gia và SEA Games Nguyễn Đình Cương về đích ở vị trí thứ 3, trong khi đoạt HCV là VĐV trẻ Dương Văn Thái của Nam Định với thành tích 3’54"44.
Lý giải về điều này, Nguyễn Đình Cương cho biết: “Ban đầu, vì thể lực chưa chuẩn bị tốt cho giải VĐQG lần này, nên Ban huấn luyện dự tính rút tôi khỏi cự ly 1.500m. Tuy nhiên, cuối cùng tôi vẫn tham dự. Mục tiêu của tôi là đấu trường SEA Games, nên đây chưa phải là thời điểm mà phong độ đạt cao nhất.
Chiến thắng của Dương Văn Thái là điều đáng mừng, vì Thái còn trẻ và có triển vọng. Bản thân tôi đã lớn tuổi, không còn đóng góp nhiều và lâu dài cho cự ly trung bình nữa, nên cần phải có các VĐV trẻ thay thế. Việc Thái chiến thắng ở cự ly 1.500m rõ ràng là điều đáng mừng cho cự ly trung bình”.
Trong khi đó, Trương Thanh Hằng vẫn dễ dàng giành chiến thắng ở chung kết cự ly 1.500m nữ với thành tích 4’17"49. Thanh Hằng vẫn trội hơn các đối thủ phía sau khoảng nửa vòng sân, nghĩa là phải rất lâu nữa may ra mới xuất hiện được gương mặt đủ sức cạnh tranh với cô ở cự ly trung bình.
o0o
Lâu lắm rồi, điền kinh TPHCM mới chen chân được vào tốp 3 đoàn dẫn đầu ở giải VĐQG. Chiếc HCV nội dung nhảy 3 bước nữ mà Trần Huệ Hoa giành được sáng qua (thành tích 13m57) giúp đoàn chủ nhà khép lại các nội dung tranh tài với 4 chiếc HCV, xếp hạng 3 toàn đoàn.
Đoạt HCV nhảy 3 bước nữ, Trần Huệ Hoa giúp TPHCM về đích ở vị trí thứ 3 toàn đoàn
VĐV Nguyễn Thị Thúy (Hà Nội) tiếp tục gây ấn tượng ở đường chạy 200m nữ khi đoạt chiếc HCV với thành tích 24"04, đẩy ứng cử viên vô địch Lê Ngọc Phượng (An Giang) xuống vị trí thứ nhì. Chiếc HCV cự ly 200m nam thuộc về Trần Thành Trung của Nam Định (thành tích 21"45). Phạm Thị Hiên (Thái Bình) vẫn không có đốithủ ở cự ly 10.000m nữ và việc cô đoạt được chiếc HCV (thành tích 37’17"90) là điều đã được dự đoán trước. Nguyễn Văn Lai (Quân đội) về nhất cự ly 10.000m nam với thông số 31’53"69.
Tiếc nhất ở ngày thi đấu cuối có lẽ là Dương Thị Việt Anh (Bạc Liêu). Việt Anh kết thúc nội dung 7 môn phối hợp với số điểm 5.350 điểm, thành tích ngang bằng KLQG mà đàn chị Nguyễn Thị Thu Cúc (Cần Thơ) đang nắm giữ. Mặc dù chưa vượt qua được điểm số kỷ lục của Thu Cúc, nhưng với sự tiến bộ rất nhanh ở thời gian gần đây, HLV Cao Thanh Vân cho rằng tiềm năng của Việt Anh vẫn chưa được khai thác hết và sẽ thăng tiến hơn nữa trong tương lai.
Xếp hạng toàn đoàn: 1/Hà Nội (9HCV, 5HCB, 8HCĐ); 2/Quân đội (8, 3, 3); 3/TPHCM (4, 0, 4); 4/Nam Định (3, 9, 5); 5/Đà Nẵng (3, 3, 2). 4 KLQG mới: tiếp sức 4x200m nam (Lâm/Ba/Hiệu/Quang-Quân đội, 1’25"81); 110m rào nam (Võ Văn Hùng-TPHCM, 14"28); nhảy sào nam (Nguyễn Văn Huệ-Hải Dương, 4m80); nhảy sào nữ (Lê Thị Phương-Thanh Hóa, 4m15) |
Sáng qua (13-9), danh sách đội dự tuyển quốc gia môn điền kinh đã được Bộ môn, Liên đoàn điền kinh Việt Nam lấy ý kiến của các HLV, chuyên gia thông qua với 37 VĐV ở các nhóm môn: cự ly ngắn nữ, 100m rào nữ, 110m rào nam, 400m rào (nam, nữ), trung bình (nam, nữ), nhảy cao nữ, nhảy xa nam, nhảy 3 bước (nam, nữ), nhảy sào (nam, nữ), ném, đẩy, cự ly dài và marathon, v.v. Ngày 20-9, Liên đoàn điền kinh Việt Nam sẽ chốt lại danh sách trước khi trình lên Tổng cục TDTT phê duyệt chính thức ĐTQG dự SEA Games 26 vào ngày 30-9. |
(Theo SGGP)
Lê Trung