V

Thứ năm, 15/09/2011, 00:00
Trang web chính thức của LĐBĐ Đông Nam Á dẫn lời Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn tiết lộ phương án nâng số lượng đội tranh tài ở V-League lên thành 16 đội vào năm 2015. Lộ trình không mới và nằm trong sự hối thúc của LĐBĐ châu Á (AFC) đối với VFF, nhưng…


Tăng thêm 2 thành viên cho V-League liệu có phải là điều đúng đắn trong bối cảnh hiện nay?


Chạy tiến độ

Lộ trình tăng số lượng đội tranh tài ở V-League từ 14 lên 16 đội vào mùa 2015 đã được VFF công bố khá lâu. Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn khẳng định, việc tăng số lượng đội dự V-League nằm trong yêu cầu của AFC đối với VFF, nhằm thúc đẩy tính chuyên nghiệp ở giải VĐQG. Trong lộ trình này, AFC yêu cầu VFF chuẩn hóa các đội dự V-League, hạng Nhất phải trở thành doanh nghiệp. Vì lẽ đó, cả 14 đội dự V-League từ mùa 2011 đã phải đạt chuẩn chuyên nghiệp, còn lộ trình bắt buộc đối với hạng Nhất là từ mùa 2014.

Việc AFC yêu cầu VFF thực hiện các nhiệm vụ chuyên nghiệp hóa V-League, hạng Nhất là mục đích tạo bệ phóng cho bóng đá Việt Nam. Cũng theo yêu cầu này, VFF còn có 2 năm nữa để chạy tiến độ, trong đó, ngoài việc đáp ứng về mặt hình thức (là một doanh nghiệp riêng biệt), đội bóng còn phải đạt hàng loạt chuẩn như làm ăn có lãi, có trung tâm đào tạo trẻ, nâng cấp sân vận động đạt chuẩn quốc tế khi phải có phòng thử doping, ghế ngồi, camera an ninh v.v. Ông Viễn còn nhấn mạnh, đội bóng nào làm ăn không lãi, tài chính lem nhem, hoàn toàn có thể bị gạt khỏi V-League.

Trên thực tế, số lượng đội tranh tài ở V-League thuộc nhóm trung bình ở các giải VĐQG trong khu vực. Thái Lan, Indonesia đều có 18 đội so giày ở giải quốc nội, còn V-League chỉ ngang với M-League của người Mã và nhỉnh hơn S-League (12 đội). Quy mô của V-League rõ ràng chưa tương xứng với danh xưng của một trong những giải VĐQG hấp dẫn, kịch tính nhất khu vực. Chính nhiều quan chức VFF tự hào rằng, nhờ tiếng tăm, chất lượng của V-League nên người Thái mới hốt hoảng, quay về đầu tư cho Thai League để giảI đấu này không bị lép vế trước V-League. Bởi thế, trong xu thế phát triển thì việc mở rộng quy mô V-League lên thành 16 đội (tương đương có 30 vòng đấu) là điều bình thường, phù hợp.

Chạy theo ảo vọng?

Theo lộ trình, V-League còn 2 năm nữa để đáp ứng các yêu cầu của AFC lẫn việc tăng quy mô tổ chức của V-League. Cái khó đặt ra là sau những lùm xùm của mùa bóng 2011, phải chăng cần điều chỉnh lại lộ trình “lên đời” cho V-League?

Có một vấn đề phải hiểu rõ rằng, AFC khuyến cáo VFF làm theo những tiêu chuẩn chuyên nghiệp chứ không hẳn thúc ép VFF phải đáp ứng bằng mọi giá. VFF từng có tiền lệ rằng, AFC đòi hỏI V-League phải được tổ chức theo mô hình công ty, trong đó, BTC giải được tổ chức, điều hành giống như một công ty. Nhưng thực tế bóng đá Việt Nam có sự khác biệt, và đến giờ, việc điều hành tổ chức giải đấu quan trọng nhất này vẫn do VFF trực tiếp cắt cử người điều hành, quản lý.

Rắc rối níu chân và đe dọa khả năng V-League tăng thêm thành viên là do khả năng điều hành, tổ chức của V-League. Chỉ với 14 đội (tương đương 26 vòng đấu), V-League đã khiến cho các độI bóng, dư luận nhảy… tưng tưng vì cung cách, khả năng điều hành, tổ chức giải không theo kịp vớI quy mô giải đấu. “Quả bom” do bầu Kiên kích nổ hay cụ thể là việc chính VFF phải chấp nhận vớI tiếng xấu của trọng tài do sợ “hết ngườI làm trọng tài” là những lý do cản trở việc tăng số lượng V-League lên thành 16 đội.

Gia hạn thời gian hay chạy theo thành tích 16 đội bằng mọi giá? Hai năm là khoảng thời gian không ngắn, nhưng cũng chẳng dài đối với một nền bóng đá. Nhưng với một mớ bùng nhùng như bây giờ, ít ai tin việc tăng thêm thành viên cho V-League là lựa chọn đúng đắn. Thậm chí, mục tiêu ấy chẳng khác một thứ ảo vọng xa vời…

(Theo SGGP)

 

 

Lê Trung

Các tin cũ hơn