>Nói thẳng, nói thật và nói vì bóng đá Việt Nam
Ông Đức còn đặt vấn đề các ông chủ bỏ tiền ra làm bóng đá nhưng không được bầu vào Ban Chấp hành VFF cũng như những khó khăn trong việc quản lý cầu thủ dẫn đến hỗn loạn trên thị trường chuyển nhượng.
Cùng quan điểm này, bầu Thắng cho biết: “Tôi nhẩm tính con số để đầu tư mỗi mùa bóng không phải 60-70 tỷ đồng mà có thể là 100 tỷ đồng. Nếu cần, mỗi CLB hàng năm góp vào 500 triệu đồng để ban tổ chức giải chi thêm cho trọng tài nhưng quan trọng là họ phải công tâm”. Dưới góc nhìn của bầu Kiên, vấn đề tiền bạc đang làm hư bóng đá Việt Nam, trong đó có việc nhiều đội bóng cứ treo thưởng tiền tỷ chỉ để đá tốt. Vì thế, ông gợi ý: “Châu Âu có quy chế kiểm soát tài chính CLB, VFF cũng có thể nhưng tại sao không làm?”.
Bầu Kiên cũng đề nghị VFF nên triệu tập đại hội bất thường. “Nếu VFF không có đề cương, tôi sẵn sàng bỏ thời gian ra viết và mời tất cả ngồi lại để cùng thảo luận. Tôi tin rằng nếu chúng ta đoàn kết thì 3 hay 5 năm nữa, bóng đá nước nhà sẽ đi lên” - ông Kiên nói. Ý kiến này nhận được nhiều sự tán đồng.
Ông Lê Tiến Anh nêu vấn đề: “Thực trạng hiện nay của bóng đá Việt Nam xuất phát từ lỗi hệ thống. Không nên nhìn vào những tiểu tiết để tranh cãi ai đúng, ai sai. Nếu cần thiết, phải tiến hành cải tổ mạnh mẽ, càng nhanh càng tốt”.
Tham dự tọa đàm, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nhấn mạnh: “Mùa giải sau, chắc chắn trưởng ban tổ chức giải và chủ tịch hội đồng trọng tài sẽ được thay thế”.
Ông Lê Hùng Dũng phát biểu:
“Tôi cho rằng chuyện giá trị cầu thủ vượt xa giá trị thực là chuyện đáng báo động nhưng không phải là do VFF, mà các ông bầu phải xem lại cách làm bóng đá của mình. Các CLB nếu không treo thưởng to thì cầu thủ không chịu đá, trách nhiệm có lẽ cũng thuộc về các ông bầu. Họ có đầu tư cho cầu thủ trẻ dài hạn hay không? Hay chỉ toàn đi mua. Tôi thừa nhận sai sót của các trọng tài. Sai sót về nghiệp vụ thì không đáng nói nhưng cố tình dùng quyền lực của mình để làm sai lệch kết quả trận đấu thì kiên quyết phải loại. Mùa tới, nếu mỗi vòng đấu có biểu hiện tiêu cực, đứng trên góc độ nhà tài trợ, tôi đề xuất trừ 500 triệu đồng tiền tài trợ cho giải”. Super Liga hay là cái được của sự “nổi loạn”Lập một Super Liga để đối đầu với V-League hay nói đúng hơn là để chống lại những nhà điều hành V-League thực chất chỉ là một cách nói để phản kháng lại sự bất mãn, mất niềm tin của những ông bầu làm bóng đá mà “mạnh” nhất là ông bầu Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội ACB). Lập một Super Liga không khó nhưng trong thể chế của ta hiện nay, tôi tin chắc điều đó là không thể. Cốt lõi của ý tưởng thoáng qua trong buổi tham luận đầy bức xúc của bầu Kiên là: “Tôi không tin cách giải quyết sự vụ của các anh nữa, các anh không theo kịp sự đa dạng và phức tạp của bóng đá chuyên nghiệp nên chúng tôi phải tự chơi với nhau”. Tự chơi với nhau theo kiểu có tiền thì tổ chức một giải hoành tráng với khách mời tham dự toàn những nhân vật cộm cán có chọn lọc thì dễ. Nó cũng giống như Đài Truyền hình Bình Dương hàng năm vẫn tổ chức giải riêng của họ và các đội tranh nhau giành một cái cúp rồi… về. Phần tiếp theo của cái cúp đấy là đến hẹn lại lên tùy theo nhà tổ chức có mời nữa hay không. Thực chất, nếu các doanh nghiệp vì bất mãn mà mở ra một Super Liga (dù chỉ là ý tưởng thôi) thì đó vẫn không phải là tư tưởng tích cực. Họ “thoát” khỏi sự điều hành của VFF và tìm một sân chơi mới ngoài hệ thống của AFC, của FIFA đã là sự thua cuộc, sự đầu hàng rồi. Có lần tôi ngồi tâm sự với các ông bầu và nói rất thẳng rằng: “VFF và bộ máy của VFF càng yếu thì chính các anh phải có nghĩa vụ giúp họ hoàn thiện hơn bằng nhiều cách chứ không phải không thích và không chơi nữa là xong! Nói theo kiểu chán quá bỏ hết và không chơi nữa thì rõ ràng không phải là yêu bóng đá vì yêu bóng đá phải sống với nó và đấu tranh với nó do bóng đá không xấu mà cái xấu là con người làm bóng đá để nó xấu…”. Bầu Kiên đến nay đã bình tĩnh hơn và ông cũng thú thật là sẽ còn đấu tranh nữa, đấu tranh đến cùng chứ không đấu theo kiểu “các anh chơi một sân, tôi gom doanh nghiệp lại chơi một sân”. Doanh nghiệp có tiếng nói của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp làm bóng đá thì không thể tách rời hoạt động bóng đá theo thể chế của ta. Thế nên sự “nổi loạn” của các ông bầu theo ngôn từ mà nhiều người vẫn gọi cuối cùng vẫn có tín hiệu tích cực đó là buộc bộ máy VFF phải thay đổi. Thay đổi về cách nhìn, thay đổi về nhận thức và xem doanh nghiệp làm bóng đá giống như những người cùng song hành chứ không phải là những người đến để xin được đá bóng và làm bóng đá. Qua sự “nổi loạn” của các doanh nghiệp, rõ ràng bóng đá Việt Nam bắt đầu có những tín hiệu tích cực. Tích cực ở đây không phải là đánh vào một trọng tài hay một đội bóng mà là sự cải tổ cần thiết của một bộ máy để theo kịp với xu hướng phát triển. Bên cạnh đó cũng cần sự “nổi loạn” trong chính các ông chủ làm bóng đá vì ai cũng lên tiếng là tiêu cực nhưng có bao nhiêu phần từ các ông bầu không giữ được sự tử tế và “ngã” trong căn bệnh thành tích của bóng đá bao cấp trước đây? Cứ làm sạch mình, làm sạch bộ máy điều hành và nghiêm túc với tiêu chí làm bóng đá của mình, V-League sẽ thành Super Liga mà không cần phải “ly khai”. |
(Theo SGGP)
Lê Trung