Số phận Huawei ra sao khi ARM "nổ phát súng"?

Thứ năm, 23/05/2019, 15:38
Việc ARM ngừng hợp tác cùng Huawei có thể xem là cú đánh chí mạng, hơn cả việc Google ngừng cấp phép cho điện thoại của hãng Trung Quốc truy cập vào kho ứng dụng Play Store.

Huawei đang gặp phải bài toán khó với ARM

Không Google cũng chưa hẳn là khó khăn

Theo Wired, rất khó để phân biệt một chiếc điện thoại thông minh nếu chỉ nhìn bên ngoài vì chúng chỉ là những khối hợp kim nhôm và kính đắt tiền. Chính vì thế khi Google thông báo ngừng hợp tác với hãng công nghệ Trung Quốc, phía Huawei mạnh miệng sẽ tung hệ điều hành Hongmeng riêng.

Phát biểu trước truyền thông, phía Huawei xác nhận hệ điều hành Hongmeng có thể chạy được các ứng dụng Android như thông thường. Tuy vậy hiện vẫn chưa có một bản thử nghiệm nào của hệ điều hành đến từ hãng khổng lồ Trung Quốc để có thể chứng thực những công bố trên.

Trong trường hợp những thông tin từ Huawei là đúng, điều này có thể phần nào giúp người dùng thương hiệu smartphone này nguôi ngoai nỗi nhớ về kho ứng dụng Google Play Store.

Cờ đến tay ARM

Nhưng đến ARM ngừng hợp tác, đây thực sự là một thảm họa với Huawei. Dù rằng không có gì ở thời điểm này là chắc chắn. BBC lần đầu tiên đưa tin về động thái của ARM vào sáng 22.5, trích dẫn một bản ghi nhớ nội bộ ghi nhận hãng dùng "công nghệ nguồn gốc của Mỹ, ARM vì thế phải tuân thủ lệnh cấm từ chính quyền Trump". ARM sau đó đã xác nhận tuân thủ lệnh cấm vào chiều 22.5. Tuy nhiên, tương tự Google, Bộ Thương mại Mỹ có thể cấp miễn trừ cho phép ARM tiếp tục hợp tác cùng Huawei ít nhất là trong 90 ngày nữa.
ARM là yếu tố quan trọng trong nhiều mẫu smartphone hiện nay
Nếu chưa bao giờ nghe đến ARM thì thực tế người dùng vẫn tương tác với chúng mỗi ngày. Đây là công ty cấp phép thiết kế để các hãng sản xuất như Qualcomm sử dụng cho ra những con chip di động. Những vi xử lý dựa trên nền tảng ARM đang có mặt trong hầu hết các điện thoại thông minh và các thiết bị IoT, thậm chí là trung tâm dữ liệu.
Sự phổ biến của ARM ngày càng cho phép các công ty điện thoại thông minh tự sản xuất chip của riêng họ nhằm loại bỏ Qualcomm và tạo ra các bộ xử lý được xây dựng có mục đích riêng. Huawei là một trong những hãng gắn bó mật thiết cùng ARM, với công ty con HiSilicon đã sản xuất các hệ thống trên chip dựa trên kiến trúc ARM kể từ năm 2012.
Ngoài ra, những phiên bản nguồn mở của Android được thiết kế cho các chip ARM. Nó cũng hoạt động trên các bộ xử lý x86 do Intel, AMD và các hãng sản xuất khác, nhưng các công ty có trụ sở tại Mỹ này đã cắt đứt quan hệ với Huawei như một phần của lệnh trừng phạt. Điều đó có nghĩa là, vắng mặt ARM, kế hoạch dự phòng của Huawei đã mất hiệu quả. Công ty không chỉ cần thiết kế lại chip của riêng mình từ đầu - một quá trình mất nhiều năm - và vẫn sẽ bị cắt khỏi hệ điều hành phổ biến nhất thế giới. Điều giống như nói với Coca-Cola rằng họ không thể sử dụng nước có ga.
Eric Hanselman, nhà phân tích trưởng của 451 Research, nói với Wired: "Tất cả lựa chọn sẽ rất khó khăn. Thay đổi cốt lõi có nghĩa là bạn phải làm việc không chỉ với silicon, mà cả trong hệ sinh thái phần mềm. Nó thật sự không đơn giản".
Nếu lệnh cấm được giữ vững, thiết bị cầm tay Huawei sẽ bị đóng băng. BBC báo cáo rằng con chip sắp ra mắt của hãng là Kirin 985 có thể đã bị dừng lại và thiệt hại cũng sẽ vượt xa mảng điện thoại thông minh. Patrick Moorhead, người sáng lập Moor Insights & Strategy, cho rằng mỗi nơi mà Huawei sử dụng sở hữu trí tuệ của ARM sẽ bị ảnh hưởng. Vì hãng này đã nhúng ARM từ các thiết bị giám sát nhỏ sang chip trung tâm dữ liệu doanh nghiệp lớn.

Áp lực bao vây

Huawei đã thông báo dự trữ các linh kiện do Mỹ sản xuất trong một năm với dự đoán về lệnh cấm hiện tại. Nhưng động thái của ARM có khả năng cản trở sự chuẩn bị đó, bằng cách giới hạn mức độ mà Huawei có thể tự mình sản xuất smartphone.
Chính quyền Tổng thống Trump trước đây đã đưa công ty công nghệ ZTE của Trung Quốc đến bờ vực sụp đổ, nhưng chỉ tập trung vào các thỏa thuận cụ thể mà ZTE đã thực hiện với Iran và Triều Tiên, và Mỹ đưa ra các biện pháp khắc phục cụ thể dưới hình thức phạt tiền và thay đổi bộ máy lãnh đạo. Căng thẳng Huawei vô hình hơn, Nhà Trắng đã coi tập đoàn này là mối đe dọa an ninh quốc gia mà không nêu rõ lý do hoặc cách thức, không để lại một nước đi rõ ràng để giải quyết.
Có nhiều cách để Huawei tồn tại mà không cần ARM. Nhưng trong cuộc bao vây đang diễn ra đến một trong những công ty quan trọng nhất của Trung Quốc, Mỹ dường như đã cắt đứt tuyến đường cung cấp quan trọng nhất của hãng này.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn