Không phải lúc nào model tốt nhất mà người bán hàng gợi ý cũng hợp với nhu cầu và lựa chọn của khách hàng.
Ngày nay, nhu cầu mua sắm điện thoại đã trở nên thiết yếu với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, không phải ai khi bước chân vào một cửa hàng điện thoại cũng có thể chọn ngay một mẫu ứng ý nhất.
Người dùng nên tra cứu trước các thông tin về thiết bị trước khi đến xem máy trực tiếp tại cửa hàng. Sau đó, một vài thao tác kiểm tra đơn giản ngay tại cửa hàng sẽ trở nên hữu ích khi phải lựa chọn giữa các sản phẩm có tính năng và thiết kế tương đồng với nhau.
B1: Màn hình hiển thị
Không phải máy nào cũng có sẵn hình trong máy để người dùng có thể kiểm tra, nhưng luôn có sẵn danh mục các hình nền trong phần tùy chỉnh cá nhân của máy. Khi kiểm tra khả năng hiện thị của máy, người dùng nên chú ý vào độ sắc và rực màu của màn hình, cũng như độ sâu của vùng màu tối, độ sáng của các vùng màu trắng.
Hãy mở phần tin nhắn văn bản hoặc một trang web bất kỳ (thường chữ đen, nền trắng) và chú ý đến sự tương phải và sắc nét của các dòng chữ được hiển thị.
B2: Khả năng cảm ứng
Mở ứng dụng nhắn tin, sử dụng bàn phím ảo của máy để viết một vài câu. Người dùng cần chú ý đến khả năng phản hồi của bàn phím, cũng như số lỗi mắc phải khi gõ liên tục, tính trong khoảng 15 giây, nhằm kiểm tra khả năng nhập liệu tương thích của bàn phím. Bên cạnh đó, cũng nên chú ý xem có phải dùng nhiều lực để thao tác hay chỉ cần chạm nhẹ là được.
B3: Camera
Hãy chụp thử một vài tấm hình từ camera của máy, sau đó quan sát kết quả. Chất lượng bức ảnh cần tốt và đầy đủ màu sắc, nét hình, không được lóa, mất chi tiết hay độ bão hòa màu bị đẩy lên quá cao. Sau đó thử với tính năng video và xem ngay trên máy để đánh giá độ sắc chi tiết, khả năng ổn định hình và độ méo hình (khi lia góc máy sang các vị trí khác nhau).
B4: Thiết kế
Thiết kế là phần không thể thiếu khi lựa chọn điện thoại bởi điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng về sản phẩm của khách hàng. Người dùng ngoài việc quan sát bề ngoài, cần cầm thử máy để xem liệu thiết bị có vừa tay mình, hay độ nặng nhẹ ra sao. Một thiết bị có thiết kế tốt không chỉ đẹp, mà cần phải cần vừa lòng bàn tay, thoải mái và có độ "đầm" nhất định. Một chi tiết cần chú ý nữa là kích cỡ máy khi cho vào túi quần hoặc túi xách, hay bất kỳ đâu người dùng định đựng chiếc điện thoại của mình.
B5: Cảm biến điều hướng
Hãy thử xoay điện thoại theo cả chiều đứng và nằm để kiểm tra độ nhạy của cảm biến chuyển động, chú ý đến độ trễ khi màn hình xoay chuyển từ chế độ đứng sang nằm và ngược lại.
B6: Kết nối mạng
Không nên phụ thuộc vào Wi-Fi tại cửa hàng để kiểm tra kết nối và khả năng vào mạng. Nếu có Wi-Fi, khách hàng nên tắt đi, lắp sim 3G vào máy để kiểm tra, bởi đây mới là kết nối quan trọng. Hãy dùng 3G để vào web, và chú ý xem máy mất bao lâu để hoàn tác nội dung của trang. Nếu có thể, nên thử với YouTube và xem một số video độ phân giải cao trên nền mạng.
B7: Khả năng xử lý
Nếu trong điện thoại có sẵn các đoạn video ngắn làm mẫu, hãy tận dụng để kiểm tra độ giật khi chơi video. Nếu xảy ra hiện tượng này, tức là bộ xử lý hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Mở một số ứng dụng cài sẵn, sau đó bật tính năng quay phim của camera. Chú ý độ trễ thời gian kể từ khi chạm tay vào biểu tượng ứng dụng cho đến khi tính năng được khởi động.
B8: Âm thanh
Tìm và thử bật bất kỳ file âm thanh nào (có thể là file ghi âm, hay bài hát) thông qua ứng dụng chơi nhạc mặc định của máy. Sau khi kiểm tra với loa ngoài, hãy cắm tai nghe vào để cảm nhận âm lượng và chất lượng của âm thanh.