Sau một thời gian dài ra mắt rồi im ắng của dịch vụ Internet WiFi công cộng, gần đây các dự án, dịch vụ Internet Wifi trả trước bắt đầu "xuất hiện" trở lại.
Năm 2005, FPT Telecom phát triển dự án WiFi hoàn toàn miễn phí cho các toà nhà, nhà hàng, quán cà phê, thời điểm cao điểm nhất FPT đã phát triển tới gần 10.000 điểm ở Hà Nội và TP.HCM. Mặc dù vậy, đến năm 2008 dự án đã phải dừng vì thiết bị truy cập WiFi lúc đó đa số là laptop, số người dùng chưa nhiều và giải pháp cũng chỉ mới cung cấp dịch vụ indoor (trong nhà) đặt chủ yếu ở các địa điểm công cộng như quán cà phê. Tuy nhiên, gần đây các dự án, dịch vụ Internet Wifi trả trước bắt đầu "xuất hiện" trở lại.
Cuối tháng 2/2012, Sở TT&TT Quảng Nam phối hợp với VDC Khu vực 3 (VNPT) và Viễn thông Quảng Nam lắp thêm 350 trạm phát sóng WiFi trên toàn TP nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu sử dụng Internet của khách du lịch. Theo đó, khách hàng có thể truy cập Wifi theo 2 hình thức, miễn phí với tốc độ tải lên khoảng 256Kbps hoặc qua thẻ trả trước MegaWifi (cũng chính là thẻ Oncash đa năng hoặc VinaCard của VinaPhone hay MobiCard của MobiFone) để sử dụng dịch vụ.
Từ tháng 9/2011, NetNam đã triển khai và cung cấp dịch vụ Internet Wifi trả trước tại một số trường ĐH ở TP.HCM, Bình Dương và Hà Nội với thẻ mệnh giá từ 20.000 - 100.000 đồng, thời gian sử dụng tối đa là 3 tháng từ ngày kích hoạt thẻ, áp dụng cho cả 3 mệnh giá. Cuối năm 2011, dịch vụ Internet không dây One wireless tại Hà Nội cũng được triển khai thí điểm tại ĐH Ngoại thương, quận Hoàn Kiếm và các khu vực lân cận. Do dịch vụ đang trong giai đoạn thử nghiệm nên thẻ cào chỉ được phát miễn phí.
Tại buổi tọa đàm Tương lai của Internet Việt Nam (ngày 1/12/2011), ông Nguyễn Công Toản - GĐ Trung tâm Phát triển hạ tầng miền Bắc của FPT Telecom cho biết, thời điểm này nếu DN quay trở lại cung cấp WiFi sẽ có lợi thế lớn về khả năng truy cập khi 60% số lượng máy tính bán ra tại các siêu thị là laptop, hơn 98% thiết bị di động đều trang bị nền tảng WiFi.
Theo ông Vũ Thế Bình, TGĐ Công ty NetNam, khi dịch vụ 3G bùng nổ với mức giá ngày càng rẻ và băng thông công bố lên đến 7,2 Mbps, đã có ý kiến cho rằng, "thời của WiFi đã hết vì so với 3G, dịch vụ này có những hạn chế nhất định về tính cơ động khi di chuyển". Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy bởi vì với gói cước 40-50 nghìn đồng, người dùng chỉ được sử dụng 500 MB tốc độ 3G , còn lại sẽ được chuyển về tốc độ GPRS và không đủ cho những nhu cầu của người sử dụng. "3G ở một mức độ nào đó vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu của người dùng và đây sẽ là cơ hội để Internet WiFi phát triển", ông Bình nói. Về hiệu quả kinh tế, ông Bình cho hay, sau một thời gian thực hiện, NetNam chỉ không lỗ nhưng lãi lớn thì chưa có.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực Internet, kiếm tiền từ Internet WiFi là một bài toán rất khó vì "Internet đã rẻ đến mức các quán cafe, văn phòng sẵn sàng miễn phí và không thể thu tiền được từ đối tượng phủ sóng như FPT Telecom ngày xưa". Do đó, để có thể phát triển hiệu quả Internet WiFi, các DN phải nhắm vào các khu tập trung như ký túc xá, khu chung cư, khách sạn cao cấp...
Cùng quan điểm với ông Bình, ông Toản cũng cho rằng, tại Việt Nam, nhà cung cấp sẵn sàng cung cấp dịch vụ WiFi để khách hàng truy cập ở tại nhà và ngoài đường, nhưng cái khó nhất vẫn là làm sao để người dân trả tiền khi mà nhiều khách hàng vẫn quan niệm "WiFi là miễn phí".