Dùng CNTT để xử lý những vấn đề "nóng"

Thứ ba, 26/06/2012, 13:13
CNTT có khả năng kết nối, giúp các hạ tầng thiết yếu cho đời sống như điện, đường, trường, trạm,… trở thành hạ tầng thông minh, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ cộng đồng người dân.


>>Loạt đồ chơi số cho iPad, iPhone “đổ bộ” thị trường Việt 
>>Một năm, số công ty theo dõi trực tuyến tăng gấp đôi 

Giải tỏa những "điểm nóng"

Các loại hạ tầng thiết yếu ở Việt Nam hiện nay phải đối mặt với những vấn đề nóng, gây bức xúc trong dư luận.Điển hình như giao thông phải đối mặt với tắc nghẽn, tai nạn; giáo dục và y tế đều quá tải, kém chất lượng; điện, nước đối mặt với sự thất thoát, lãng phí, nơi cần thì lại không thể đáp ứng nhu cầu…Những bức xúc về hạ tầng đều là vấn đề gai góc và nếu không có ứng dụng CNTT tích hợp tổng thể thì rất khó giải được những bài toán này.
 

Nghị quyết số 13 đã khẳng định CNTT là hạ tầng của mọi hạ tầng kinh tế - xã hội song hiện giờ rất ít người nhận thức được vai trò này của CNTT.



TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Việt Nam (VINASA) dẫn chứng: trong lĩnh vực giao thông, mới đây có quy định đổi giờ làm để giảm thiểu tắc nghẽn song giờ vẫn không thể biết chính xác việc đổi giờ như vậy có hiệu quả đến đâu, đường nào vẫn tắc, hôm qua hay hôm nay tắc hơn… bởi không có hệ thống thông tin giao thông giám sát theo thời gian thực. Hoặc sau khi mở một con đường mới vẫn không thể biết năng lực giao thông được tăng cường đến mức nào bởi không có hệ thống nào cung cấp thông tin định lượng, thời gian thực về trạng thái giao thông đô thị.

Những năm gần đây, CNTT đã dần hiện diện ở các cấp, ngành, lĩnh vực và thể hiện khả năng đóng góp của mình trong việc nâng cao chất lượng của các loại hạ tầng kinh tế - xã hội.Chẳng hạn, đối với điện lưới, khi các hộ dân sử dụng công tơ điện thông minh, không còn cảnh hàng tháng "nhà đèn" phải tốn khá nhiều chi phí cho lực lượng nhân viên đi ghi chỉ số công tơ điện của từng hộ dân; và khi ngành điện phối hợp với các ngân hàng triển khai ứng dụng CNTT để thu phí qua ATM thì người dân cũng không ngại chuyện phải "canh" thời gian để nộp phí đúng hẹn kẻo bị "cúp điện".

Đối với lĩnh vực giáo dục, những người có nhu cầu học tập có thể học mọi lúc, mọi nơi qua các khóa học trực tuyến (elearning); một số cơ sở đào tạo tổ chức thi tuyển qua mạng để tiết kiệm chi phí, góp phần giảm tắc nghẽn giao thông, lại phải bận lòng về vấn nạn gian lận thi cử.

Tuy nhiên, tư duy, nhận thức về việc ứng dụng CNTT của đại bộ phận lãnh đạo, người dân, doanh nghiệp ở Việt Nam chưa được chuẩn xác. TS. Nguyễn Nhật Quang dẫn chứng: Hiện vẫn phổ biến tình trạng tư duy xây dựng ra những hệ thống hạ tầng không thông minh rồi sau đó mới tìm cách "thông minh hóa" chúng. Không ít dự án xây dựng đổ cả đống tiền ra xây cầu xong mới lập đề án khác tin học hóa cái cầu này. Hoặc có dự án đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng một bệnh viện, sau đó lại để một anh làm tin học đến năn nỉ "tin học hóa bệnh viện đi". Cần thay đổi lối tư duy này, phải lồng ghép ngay phần hạ tầng thông tin vào các dự án từ khi lên thiết kế.

"Điện tử hóa chỉ là bước đầu tiên, nếu muốn hiện đại hóa, công nghiệp hóa thì phải xây dựng được hạ tầng thông minh (có khả năng kết nối rộng khắp đa chiều để tạo sự đột phá về hiệu năng của các loại hạ tầng - PV) cho quốc gia", PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA nhận định.

Thay đổi nhận thức của cộng đồng về ứng dụng CNTT

Nghị quyết số 13 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng hóa XI về "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020" đã định hướng thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống hạ tầng quốc gia bằng CNTT và xác định rõ: "Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong từng ngành, lĩnh vực".

Nói cách khác, theo Nghị quyết số 13, CNTT không chỉ là một ngành kinh tế mà là một bộ phận của hạ tầng quốc gia, là hạ tầng của mọi hạ tầng, cần được mọi ngành, mọi cấp quan tâm ưu tiên phát triển để có thể tạo dựng nên một hạ tầng thông minh có khả năng kết nối thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc.

Tuy nhiên, theo ước tính của ông Trương Gia Bình, mới có khoảng 5% số người thuộc các cấp, ngành, lĩnh vực nhận thức được "CNTT là hạ tầng của mọi hạ tầng".Thậm chí, TS. Bùi Mạnh Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, hiện là Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam còn cho rằng chưa thể đạt mức 5% mà chỉ khoảng 3%.

Rất nhiều lãnh đạo Bộ, ngành vẫn coi việc đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT là việc của ngành TT&TT chứ không phải là nhiệm vụ của ngành mình, vì thế không có đủ mức độ nhiệt tình cần thiết để đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT.

Nhằm bước đầu khắc phục hiện trạng bất cập trên, theo chỉ đạo của Chính phủ, Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2012 với chủ đề "CNTT - Hạ tầng của hạ tầng quốc gia" do VINASA tổ chức diễn ra trong hai ngày 26 – 27/6/2012 ở Hà Nội, sẽ là Diễn đàn của tầm nhìn mới, nhận thức mới để phát triển hệ thống hạ tầng và hiện đại hóa đất nước bằng CNTT.

"Diễn đàn năm nay không phải để ngành CNTT bàn cách đưa CNTT vào ứng dụng trong các ngành khác, mà để các ngành, các cấp bàn cách hiện đại hóa ngành mình, đơn vị mình bằng CNTT, dùng CNTT để xử lý hàng loạt vấn đề bức xúc đang phát sinh trong cuộc sống như tắc nghẽn giao thông, quá tải bệnh viện, trường học, các bất cập trong quản lý dân cư, quản lý đô thị,…", ông Trương Gia Bình chia sẻ.
 

Theo ictnews

Các tin cũ hơn