Chật chội, bẩn thỉu, phức tạp và mất trật tự là những gì đang diễn ra tại “xóm gầm cầu” (hay còn gọi là “xóm ổ chuột”, “xóm bụi”) dưới chân cầu Long Biên.
Vốn là những mảnh đất hoang được khai phá ở ven sông Hồng, dưới chân cây cầu Long Biên cổ kính, qua thời gian và cùng với sự phát triển của xã hội, mảnh đất bụi ngày nào giờ cũng trở nên đông đúc và nhộn nhịp hơn xưa.
Thế nhưng, sự nhộn nhịp đó không đến từ việc đổi mới bộ mặt đô thị với nhà cao tầng, trường học, đường xá, cây xanh mà đến từ sự phát triển ồ ạt của những dãy nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp, giá rẻ dành cho những người dân lao động ngoại tỉnh có thu nhập thấp về đây trú ngụ mỗi đêm.
Những căn nhà nằm ngay cạnh dòng nước thải đen ngòm của thành phố,
nếu để xét theo tiêu chuẩn kiến trúc thì khó có thể xếp hạng (?)
Được gia cố bởi bất kỳ nguyên vật liệu gì mà người dân kiếm được:
chăn bông cũ, thùng xốp, vải bạt, túi nilon, tấm phên tre…
Tìm hiểu thêm về cuộc sống của người dân nơi đây mới thấy cái dáng vẻ nhếch nhác ấy từ bao giờ, đã hằn in như một thói quen, một nếp sống hiển nhiên.
Hầu hết người dân sinh sống trong khu vực này đều là những người lao động nhập cư ngoại tỉnh đến từ Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Tây cũ (Phúc Thọ, Sơn Tây)… Công việc chủ yếu của họ là lao động chân tay: bán hàng, bốc vác, cửu vạn, đẩy xe hàng… tại chợ đầu mối Long Biên với mức thu nhập từ 60.000 – 100.000 đồng/ngày.
Số tiền đó phân nửa được chi dùng cho những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu: điện, nước, thực phẩm, chi phí thuê nhà và các phát sinh khác.
Không gian sống chật chội khiến cho mọi vật dụng đều phải đơn giản tới mức tối đa
để tiết kiệm diện tích… Căn phòng trọ 10m2 có giá 1 triệu đồng 1 tháng, chia
đều cho 3 nhân khẩu.
… quần áo mặc phơi chung cùng túi rác thải nilon…
Zoom cận cảnh vào cuộc sống của những người dân nhập cư mới thấu hiểu một phần ý nghĩa của từ “khu ổ chuột”.
Những dãy hành lang tối và ẩm thấp, những căn phòng lụp xụp luôn phải được làm sáng bởi thứ bóng đèn nhờ nhờ, mờ ảo, những thùng xốp chứa nước xanh xám màu rêu, những chiếc xe đẩy chở hàng dựng lộn xộn, cộng với mùi xú uế, hôi thối bốc lên từ dòng nước thải ngay sát khu trọ, từ bãi rác, từ chợ thổi vào càng làm cho không gian trở nên ngột ngạt.
Tâm sự về cuộc sống của mình cũng như những người hàng xóm, đồng nghiệp, chị Huệ (Hưng Yên) hóm hỉnh: “Tôi bán hoa quả ở chợ, tháng đi chợ được 20 ngày là nhiều, mỗi ngày kiếm được trăm nghìn, chi dùng tiền trọ, ăn uống và các khoản khác cũng quá nửa rồi, tiền còn chẳng được là bao, còn phải phụ cấp chồng con, bố mẹ ở quê nên phải tiết kiệm hết sức.
Không gian sống của một hộ gia đình 5 người
Cuộc sống ở đây vất vả lắm, toàn người lao động ngoại tỉnh như tôi đổ về kiếm sống, ít nhưng cũng là được đồng ra đồng vào, chứ trông vào mấy sào ruộng ở quê thì con cái lấy gì mà ăn học. Làm việc vất vả nên phòng trọ chỉ là nơi để mọi người ngả lưng cho đỡ mệt thôi, cũng không cần cầu kỳ, mà có muốn cầu kỳ cũng không được” (cười).
Sự không cầu kỳ đó được tối giản và kết hợp đến nỗi căn phòng 10m2 vừa là không gian sinh hoạt, ngủ nghỉ, ăn uống, lại đồng thời là nhà vệ sinh, nhà tắm. Mà nói vui theo cách của chính những cư dân ở đây thì nó là một “căn phòng đa – zi – năng”, “phòng trọ khép kín”, “tất cả trong một”.
“Chỉ mong chủ nhà trọ xây cho chị em cái phòng tắm, phòng vệ sinh thôi, thế là mãn nguyện rồi” là ước vọng của rất đông phụ nữ cư ngụ nơi xóm trọ nghèo.
Để cho thoáng đãng thì căn phòng vệ sinh làm từ một tấm gỗ và một manh
chiếu vắt qua dây thép gai là một giải pháp đảm bảo nhanh và sạch.
Công việc vất vả thế nhưng với những người phụ nữ tần tảo này, điều đó không là nỗi lo, gánh nặng. Họ chỉ lo lắng làm sao có việc để làm. “Năm nay hoa quả Trung Quốc bị tẩy chay nên việc ít hơn nhiều rồi, tôi chẳng sợ vất vả, chỉ sợ không có việc để làm” – người phụ nữ trong xóm chia sẻ.
Xóm trọ đông vui nhất vào buổi chiều tà, nhà nhà bắc bếp thổi cơm, nụ cười tràn ngập. Tất cả đều đợi đến ngày Trung thu để được về nhà đoàn tụ cùng chồng con, cha mẹ ở quê, mang theo những chiếc bánh mà mỗi năm chỉ có một lần, dù không xa hoa, cầu kỳ nhưng đó là tất cả tấm lòng của người con xa xứ mang theo về với ước vọng đoàn viên.